Sáng 13-4, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây tổ chức lễ đón nhận danh hiệu di tích lịch sử, nghệ thuật cấp thành phố Đình - Chùa Tây Vị (Linh Sơn tự).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ Phùng Trọng Dũng cho biết: Theo các nguồn tư liệu còn lại như bia đá, sắc phong thời Nguyễn, thôn Tây Vị là một xã thuộc tổng Thanh Vị, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây. Là vùng đất cổ chứa đựng kho tư liệu văn hoá dân gian đặc sắc, dấu ấn văn hoá vật thể biểu hiện qua các di tích lịch sử trải khắp trong các làng thuộc xã Thanh Mỹ, trong đó đình và chùa làng Tây Vị là những di sản văn hoá tiêu biểu.
Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đến nay, chùa Tây Vị vẫn bảo tồn được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Các công trình kiến trúc của chùa được khởi dựng từ thời Nguyễn, còn bảo lưu được nhiều yếu tố nguyên gốc và trùng tu, là minh chứng cho sự hưng thịnh của làng Tây Vị thuở xưa. Chùa hiện còn bảo tồn được tòa Tam bảo hình chữ Nhị, gồm tiền đường và thượng điện, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Các di vật khác như bia đá, hoành phi, câu đối, tượng thờ,… có giá trị về nghệ thuật. Chùa Tây Vị không chỉ là nơi thờ phật, mà còn là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, một biểu tượng cố kết cộng đồng từ xưa đến nay. Sự tồn tại của ngôi chùa là minh chứng cho thấy sự hưng thịnh và tầm ảnh hưởng của Phật giáo đối với người dân nơi đây.
Đình Tây Vị là minh chứng cho sự cố kết cộng đồng dân cư trên địa bàn. Từ khi khởi dựng đến nay, đình đã trở thành trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của người dân. Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn thánh - vị thánh đứng đầu trong “Tứ bất tử”, phát tích từ vùng núi Ba Vì, trấn Sơn Tây xưa. Tam vị Sơn thánh Tản Viên giúp vua Hùng đánh giặc, đi khắp nơi dạy nhân dân làm ăn, sinh sống. Tưởng nhớ công đức của ngài, nhân dân ở nhiều địa phương đã lập đền thờ. Đình Tây Vị được xây khoảng vào năm (1716-1720), thế kỷ 18. Tuy nhiên, đình đã bị tiêu thổ kháng chiến vào năm 1964. Trước khi bị phá hủy, đình Tây Vị là một công trình lớn, kiến trúc gồm 5 gian 2 chái, hình chữ Nhất, có tả - hữu vu để phục vụ ngày hội của làng. Trong suốt thời gian dài, từ năm 1964 đến năm 1996, người dân đã chuyển đồ thờ tự về chùa Tây Vị để tạm, các nghi lễ thờ cúng Thành hoàng cũng bị gián đoạn. Năm 1996, nhân dân đã cùng nhau khôi phục lại đỉnh Tây Vị như hiện nay để làm nơi thờ Thành hoàng, năm 2022 tôn tạo lại hai nhà tả - hữu vu để làm nơi chuẩn bị lễ hội và tiếp khách…
Ngày nay, lễ hội chính của đình Tây Vị có liên kết chặt chẽ với các lăng thờ Tản Viên Sơn thánh, được duy trì mỗi năm một lần. Hội đình Tây Vị thể hiện lòng thành kính của người dân nơi đây với đức Thành hoàng Tản Viên Sơn Thánh. Lễ hội chính được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 9 (âm lịch) hằng năm để kỷ niệm ngày hóa của Thành hoàng, trong đó ngày 15 là chính tiệc.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đình - chùa Tây Vị không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, mà còn là biểu tượng văn hóa, nơi hội tụ tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng, giáo dục truyền thống yêu nước, hiếu nghĩa cho các thế hệ con cháu. Ngày 28-2-2025, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1168/QĐ-UBND, công nhận đình - chùa Tây Vị là Di tích lịch sử , nghệ thuật cấp thành phố.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng chúc mừng xã Thanh Mỹ, đồng thời đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Thanh Mỹ, thôn Tây Vị thực hiện tốt một số nội dung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị các di tích lịch sử, văn hóa gần với việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư, ý thức giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Thanh Mỹ tiếp tục có trách nhiệm, chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di tích đình - chùa Tây Vị xứng tầm với vị thế của một di sản cấp thành phố; gắn trách nhiệm của chính quyền, các đoàn thể ở xã, thôn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích; bảo tồn có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc trong các di sản văn hóa trên địa bàn; tăng cường, củng cố khối đoàn kết, gắn bó mật thiết trong công tác bảo tồn di tích; gắn việc bảo tồn phát huy giá trị di tích với phát triển du lịch.
Đặc biệt, địa phương cần quan tâm đến công tác tu bổ, phòng chống mối, quản lý xây dựng các công trình xung quanh di tích, tránh tình trạng gây ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan sinh thái của di tích, góp phần thực hiện hiệu quả chỉ đạo của các cấp và Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 1-6-2021 của Thị uỷ Sơn Tây về “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch thị xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.