Văn hóa

Nhiều tác phẩm “vượt thời gian” sau 50 năm thống nhất đất nước

Nguyễn Lê 16/04/2025 - 18:25

Chiều 16-4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “50 năm văn học, nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai”.

1.toadamvhnt16-4.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Lê

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: Tọa đàm là một trong những nội dung nằm trong chuỗi hoạt động tổng kết 50 năm văn học, nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025); cũng là mốc thời điểm ý nghĩa để những người hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật cùng nhau nhìn lại và đánh giá chặng đường văn học, nghệ thuật nửa thế kỷ đã qua, bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm và nhiệt huyết dành cho sự phát triển văn học, nghệ thuật của thành phố Hồ Chí Minh chặng đường kế tiếp.

Ban Tổ chức đã nhận được 86 tham luận, qua thẩm định, thống nhất chọn 65 tham luận để thực hiện kỷ yếu. Nội dung các tham luận là góc nhìn khác nhau đối với các nhóm chủ đề về thành tựu đạt được và giải pháp xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật thành phố sau 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận tập trung vào các vấn đề, như: Thành tựu đạt được của văn học, nghệ thuật thành phố sau 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những vấn đề thực tiễn và phương hướng trong những năm tới; giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật; giải pháp gắn kết giữa phát triển văn học, nghệ thuật với ngành Du lịch, dịch vụ, hình thành các chương trình, sản phẩm văn hóa, du lịch xứng tầm, mang nét đặc trưng của thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về giải pháp xây dựng công nghiệp văn hoá tại thành phố Hồ Chí Minh; tác động của phát triển công nghệ thông tin, mạng xã hội đến hoạt động văn hóa, nghệ thuật; vai trò các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông Thành phố và các nền tảng mạng xã hội tham gia tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật; giải pháp bảo tồn, phát huy các loại hình văn học, nghệ thuật truyền thống, đặc trưng của thành phố…

2.toadamvhnt16-4.jpg
Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Lê

Phát biểu tại tọa đàm, Thạc sĩ, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh thành tựu của hoạt động văn học nghệ thuật thành phố trên 3 lĩnh vực chính. Cụ thể, lĩnh vực âm nhạc với hàng loạt tác phẩm nổi bật như: Ca khúc Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (tác giả Xuân Hồng, sáng tác năm 1975); Đất nước trọn niềm vui (sáng tác Hoàng Hà); Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (nhạc: Cao Việt Bách, lời: Đăng Trung, Cao Việt Bách); Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (nhạc: Phạm Minh Tuấn, thơ: Nguyễn Nhật Ánh)...

Lĩnh vực điện ảnh với những tác phẩm mà chỉ cần nhắc tên đã mang đến niềm tự hào to lớn như: Cánh đồng hoang (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến); Ván bài lật ngửa (đạo diễn Lê Hoàng Hoa); Xa và gần (đạo diễn Huy Thành); Biệt động Sài Gòn (đạo diễn Long Vân)...

Thành phố Hồ Chí Minh được xem là trung tâm điện ảnh của cả nước, hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 100 cơ sở đăng ký và sản xuất phát hành phim, trong đó có 30 cơ sở hoạt động thường xuyên. Toàn thành phố có 38 cụm rạp chiếu phim với hơn 200 phòng chiếu, phục vụ hơn 4.000.000 lượt khán giả/năm. Thành công của điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua là phát huy tốt nguồn lực xã hội hóa. Liên hoan phim quốc tế thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức với sức hút lớn từ các nhà làm phim quốc tế tên tuổi, với số lượng phim tham gia lên đến hơn 400 phim từ các quốc gia.

Lĩnh vực sân khấu với những tác phẩm kịch nói kinh điển, niềm tự hào của nền nghệ thuật kịch thành phố. Những tác phẩm gắn liền với hai thế hệ nghệ sĩ vàng như NSND Kim Cương (vở Lá sầu riêng), NSND Kim Xuân (vở Ngôi nhà không có đàn ông), NSƯT Thành Lộc với hàng loạt vở diễn nổi tiếng...

Nghệ thuật Sân khấu cải lương những năm đầu sau giải phóng cũng đã tạo nên một thời kỳ hoàng kim với hàng loạt vở tuồng tạo nên sự chuẩn mực cho nghệ thuật sân khấu, nhiều nghệ sĩ khẳng định tên tuổi và tài năng ca diễn vang danh đất nước, như: Các NSND Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương, Trọng Hữu, Thanh Tuấn... với các vở diễn Đời cô Lựu, Tiếng trống Mê Linh, Người ven đô...

Thạc sĩ, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Lê

Tại tọa đàm Thạc sĩ, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng nêu một số giải pháp triển khai đề án “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035”. Theo đó, gắn mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa với định hướng xây dựng đô thị sáng tạo. Thành phố Hồ Chí Minh đang đăng ký gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh… được nhìn nhận như mục tiêu phát triển của thành phố nhằm nâng tầm thành phố tới vị thế một đô thị toàn cầu, đóng góp cho phát triển bền vững của đất nước, của khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tác phẩm “vượt thời gian” sau 50 năm thống nhất đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.