Giáo dục

Đề xuất hỗ trợ chi phí học tập, tăng tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo

Mai Hữu 17/04/2025 - 11:54

Để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, Chính phủ đề xuất hỗ trợ chi phí học tập, tăng tiền hỗ trợ ăn trưa cho trẻ khi đến trường.

Sáng 17-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

ubtvqh1.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Trẻ mầm non dân lập, tư thục sẽ được hỗ trợ

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nghị quyết quy định thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi trên phạm vi toàn quốc. Phấn đấu, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030.

Cụ thể, Nghị quyết sẽ tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách. Trong đó, thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo với các chính sách ưu đãi tốt hơn cho trẻ em thuộc đối tượng khó khăn, khuyến khích trẻ đến trường, như: Hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ khi đến trường… Bảo đảm các điều kiện tốt nhất để trẻ mẫu giáo được tiếp cận giáo dục sớm hơn, hỗ trợ nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục.

Bổ sung đối tượng trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hợp pháp là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định được hỗ trợ chi phí học tập.

ubtvqh2.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn

Bổ sung đội ngũ giáo viên thiếu cho các cơ sở giáo dục mầm non để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo giai đoạn 2026-2030. Tiếp tục nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuẩn đào tạo; phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non. Giải quyết các vấn đề về lương và hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo. Thúc đẩy các cơ chế, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để thu hút, khuyến khích đội ngũ giáo dục mầm non yên tâm công tác, gắn bó, tâm huyết với nghề.

Ưu tiên đầu tư, thu hút nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo.

Tổng kinh phí cần để thực hiện phổ cập cho trẻ từ 3-5 tuổi về lĩnh vực cơ sở vật chất để bảo đảm điều kiện tối thiểu theo quy định (chuẩn tối thiểu) là 91.872,5 tỷ đồng (thời gian thực hiện 2026-2030). Trong đó, hỗ trợ chi phí học tập cho 86.581 trẻ với số tiền 150.000 nghìn đồng trong 9 tháng (116,9 tỷ đồng/năm). Hỗ trợ tiền ăn trưa 525.036 trẻ với số tiền 200.000 đồng trong 9 tháng (945,1 tỷ đồng/năm) (tăng mức hỗ trợ từ 10% lên 15% mức lương cơ sở, tức tăng lên 200.000 đồng/tháng so với mức cũ 160.000 đồng/tháng do mức lương cơ sở hiện nay tăng lên 2,34 triệu đồng).

ubtvqh5.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo thẩm tra. Ảnh: media.quochoi.vn

Xem xét giao đất xây trường mầm non tư thục, dân lập

Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban cho rằng, vấn đề hỗ trợ học phí cũng như hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ khi đến trường thuộc thẩm quyền Chính phủ, vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này.

Thường trực Ủy ban cho rằng, việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi đối với cơ sở giáo dục mầm non thực hiện phổ cập trên phạm vi toàn quốc cần nguồn lực lớn để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, nội dung thể hiện tại dự thảo chưa đáp ứng mục tiêu xây dựng trường, lớp mầm non; đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phải xác định mục tiêu, lộ trình cụ thể, trong đó tính đến đặc thù của các vùng, miền. Lộ trình này nên quy định trong Nghị quyết để có cơ sở lập kế hoạch chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, như: Bố trí đủ kinh phí, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học…

ubtvqh3.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: media.quochoi.vn

Về vấn đề đầu tư, chính sách phát triển hệ thống cơ sở trường lớp giáo dục mầm non, thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho rằng, chính sách trong dự thảo Nghị quyết chưa rõ và chưa đủ. “Chúng ta có dám cấp đất, không thu phí - thuế hay không? Nếu chúng ta làm được việc này thì xã hội sẽ tham gia rất nhiều, không chỉ đối với giáo dục mầm non mà còn với các cấp học khác, chúng ta nên cấp đất cho tư nhân làm”, ông Phan Văn Mãi nói và đề xuất chuyển giao một số cơ sở giáo dục mầm mon công lập cho tư nhân quản lý nhằm huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, vấn đề đất đai để xây dựng mầm non tư thục, dân lập là vô cùng khó khăn. “Nếu nhà đầu tư thu xếp được đất thì người ta sẽ làm việc khác vì có lợi nhuận nhiều hơn so với việc xây trường mầm non”, ông Lê Quang Mạnh nói và cho rằng, cần cơ chế, chính sách vượt trội như giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với các khu đất quy hoạch cho giáo dục, cho phép xác định giá đất theo hệ số K…

ubtvqh4.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, cần có chính sách đột phá, ưu đãi vượt trội để huy động nhà đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp giáo dục mầm non tại các khu vực nông thôn, vùng còn khó khăn.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, cần phải tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất giáo dục mầm non. Tuy nhiên, việc thực hiện tại các đô thị và khu vực miền núi là rất khác nhau.

“Ngay tại các đô thị, chúng ta có thể đưa ra các chính sách như cấp đất, miễn thuế; nhưng vấn đề là có đất để cấp hay không là câu hỏi lớn. Nếu xã hội hóa được đẩy mạnh thì chúng ta mới tính đến phương án nhà nước đầu tư ban đầu, đất đai, xây dựng, sau đó hướng đến chính sách hợp tác công - tư, giao đầu tư công vào khai thác tư”, Bộ trưởng nói và cho rằng, nếu điều này thực hiện được trong các chính sách đột phá sắp tới thì nguồn ngân sách để đầu tư ban đầu là hết sức quan trọng.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến sơ bộ về dự thảo Nghị quyết, giao Ủy ban Văn hóa - Xã hội phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền một cách tổng thể, liên thông các chính sách liên quan đến trong và ngoài công lập, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất hỗ trợ chi phí học tập, tăng tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.