Văn hóa

Ghi danh Lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Quỳnh Dung 12/04/2025 - 13:32

Ngày 12-4, tại xã Đông Mỹ, UBND huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín tổ chức Lễ kỷ niệm 930 năm Nhị vị Đại Thánh Bồ Tát nhập niết bàn (1095-2025), công bố Quyết định ghi danh Lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Dự và trao Quyết định có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà.

van-nghe-12-4.jpg
Các tiết mục văn nghệ biểu diễn tại lễ công bố Quyết định. Ảnh: Hương Giang

Báo cáo tri ân công đức của Nhị vị Đại Thánh Bồ Tát và quá trình lập hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Lễ hội Tổng Nam Phù, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong cho biết, Thanh Trì là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa lâu đời. Toàn huyện hiện có 154 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 88 di tích được xếp hạng (65 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 23 di tích xếp hạng cấp thành phố). Huyện có 45 lễ hội truyền thống, tiêu biểu trong đó là Lễ hội Tổng Nam Phù - nghi lễ thiêng liêng nhằm tri ân Nhị vị Bồ Tát Lý Từ Thục và Lý Từ Huy, hai công chúa triều Lý đã từ bỏ vinh hoa cung cấm để tu hành, hoằng dương Phật pháp và mang lại cuộc sống an hòa cho nhân dân.

Thấu hiểu nỗi khổ của dân Tổng Nam Phù đang sống trong cảnh đói nghèo, Nhị vị Công chúa đã thực hành hạnh Bồ Tát, cấp lại cho dân hơn 3.000 mẫu ruộng, hướng dẫn canh tác lúa nước, trồng dâu nuôi tằm và truyền dạy các nghề thủ công truyền thống, như: Làm bánh ở Tranh Khúc, nghề bún, đậu phụ ở Đông Phù, đan lát ở Tự Khoát, làm lược ở Tương Trúc... Tôn kính Nhị vị là hiện thân của Phật, của Bồ Tát ngay giữa đời thường, từ đó nhân dân Tổng Nam Phù tưởng niệm, xưng danh là Nhị vị Bồ Tát.

Để tỏ lòng tri ân công đức to lớn của Nhị vị Bồ Tát, nhân dân địa phương đã tạc tượng thờ tại chùa Hưng Long, chùa Hưng Phúc, chùa Phổ Quang, chùa Thanh Liên, chùa Linh Quang. Đến đời Lê Sơ, hai công chúa được sắc phong làm Đại Thánh Bồ Tát.

c-ha-dang-huong.jpg
c-ha.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, lãnh đạo huyện Thanh Trì, Thường Tín và nhân dân thắp hương tưởng nhớ công đức của Nhị vị Đại Thánh Bồ Tát. Ảnh: Hương Giang

Cứ mỗi độ tháng Ba âm lịch về, trên khắp vùng Tổng Nam Phù lại rộn ràng trong không khí linh thiêng và trang nghiêm của lễ hội truyền thống - một trong những nét văn hóa tâm linh đặc sắc, độc đáo của vùng đất Thanh Trì - Thường Tín. Được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng ba âm lịch hằng năm, lễ hội là dịp để nhân dân thành kính tưởng nhớ và tri ân Nhị vị Đại Thánh Bồ Tát - hai vị thiền sư hóa thân vì dân, để lại dấu ấn đậm sâu trong đời sống tâm linh người Việt suốt hơn chín thế kỷ.

c-ha-trao.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao Quyết định công nhận ghi danh Lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho lãnh đạo huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín. Ảnh: Hương Giang

Điểm đặc sắc của Lễ hội Tổng Nam Phù không chỉ nằm ở chiều dài lịch sử với truyền thống hơn 900 năm, mà còn ở sự lan tỏa rộng khắp cả không gian và tâm thức cộng đồng. Sáu ngôi chùa linh thiêng, gồm: Chùa Hưng Phúc, Thanh Liêm (xã Ngũ Hiệp); Hưng Long (xã Đông Mỹ); Long Khách, Kim Cương (xã Duyên Hà) và chùa Phổ Quang (thôn Ninh Xá, xã Ninh Sở), trải dài trên địa bàn huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín đã tạo nên một hệ thống liên kết tâm linh vững chắc, biểu tượng của sự hòa hợp, đoàn kết gắn bó cộng đồng bền chặt từ bao đời. Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của Lễ hội Tổng Nam Phù, trong thời gian qua, UBND huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Cục Di sản văn hóa nghiên cứu, khảo sát, tập hợp tư liệu lịch sử; xây dựng hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền đề nghị ghi danh Lễ hội truyền thống Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 19-2-2025, Lễ hội truyền thống Tổng Nam Phù đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

huyen-thanh-tri-va-thuong-tin-tang-hoa.jpg
Lãnh đạo huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín tặng hoa các thôn thuộc hàng Tổng Nam Phù. Ảnh: Hương Giang

Chủ tịch UBND xã Đông Mỹ Lê Thị Hồng Thu cho biết, trong thời gian tới, các xã tiếp tục chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản Lễ hội truyền thống Tổng Nam Phù nói riêng và các di sản văn hóa nói chung theo phương châm: Lấy người dân là trung tâm, chủ thể của các hoạt động; biến di sản thành tài sản phục vụ phát triển kinh tế của mỗi địa phương, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

ruoc-kieu.jpg
le-hoi-12-4.jpg
Đông đảo người dân ở các thôn rước kiệu và tham gia Lễ hội Tổng Nam Phù tại xã Đông Mỹ. Ảnh: Hương Giang
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghi danh Lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.