(HNM) - Lĩnh vực Lý luận phê bình (LLPB) văn học lâu nay gần như thuộc về những người không còn trẻ. Thế nhưng, năm 2010 Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã "đột phá", đưa một nhà thơ rất trẻ - Lê Thiếu Nhơn (sinh năm 1978) vào Hội đồng LLPB của Hội. Và ngay đầu năm 2011, Lê Thiếu Nhơn đã tạo chú ý khi cho ra mắt tập "Thi ca nết đất" viết về 25 nhà thơ Việt Nam hiện đại.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đến với thơ và định hình tên của mình trong làng thơ từ rất trẻ với nhiều giải thưởng. Anh cũng sớm thử sức mình trong lĩnh vực LLPB văn học và thường được các đồng nghiệp văn chương nhiều thế hệ chia sẻ vì cách nhìn nhận, đánh giá tác phẩm chuẩn xác, mới lạ, khá thuyết phục. Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Lê Thiếu Nhơn xung quanh vấn đề LLPB văn học đối với người trẻ.
- Anh có thể chia sẻ về quyết định đi vào một lĩnh vực khó nhất trong văn chương là mảng LLPB?
- Khi Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh có nhã ý mời tôi tham gia Hội đồng LLPB, thực sự là tôi cũng đắn đo ít nhiều. Tuy nhiên, nghĩ đi nghĩ lại, tôi cảm thấy sẽ có lỗi nếu dồn hết trách nhiệm gánh vác công việc hơi cực nhọc và đôi khi dễ va chạm này cho các đồng nghiệp lớn tuổi. Hơn nữa, vai trò của một người làm LLPB cũng khiến tôi hứng thú hơn, được đọc sách mỗi ngày.
- Lâu nay, đã có nhiều "than phiền" về sự thiếu và yếu của giới LLPB trong văn học Việt Nam đương đại, mà nếu có thì cũng chỉ là sự "mơn trớn", "vuốt ve" hay "đâm thọc" nhau, ít tính học thuật. Anh nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Đó là dấu hiệu của sự thiếu ý thức chuyên nghiệp. Chỉ cần cả người sáng tác và người phê bình đều có trách nhiệm với công chúng và vì tương lai của văn học thì sự đối thoại sẽ dân chủ và văn minh hơn.
- Là một người trẻ, gần như trẻ nhất và duy nhất được "cơ cấu" chính thức trong Hội đồng chuyên môn khó nhất của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, anh có cảm thấy áp lực khi "thẩm" tác phẩm văn học của các bậc đàn anh và của cả những "người xưa"?
- Thực sự, khi viết về bất kỳ tác phẩm nào hay tác giả nào, tôi đều căn cứ vào giá trị của văn bản trong mối tương quan với dòng chuyển động văn học, nên hoàn toàn không cảm thấy có gì khó xử. Vả lại, dù lời thật khó nghe, nhưng tôi tin sự chân thành vẫn có sức cảm hóa riêng.
- Theo anh, cái nhìn của người trẻ trong LLPB văn học có gì khác với những cách nhìn "truyền thống"? Và, liệu cái sự khác đó có được công chúng và giới chuyên môn "tâm phục khẩu phục"?
- Nếu thế hệ hôm nay vẫn giữ lối tư duy thẩm mỹ như thế hệ trước thì chẳng phải là đáng e ngại cho nền văn chương sao? Lý trí cũ kỹ và ý chí cũ kỹ đã đáng sợ, thẩm mỹ cũ kỹ càng đáng sợ hơn. Trình độ bạn đọc hôm nay đã cao hơn trước nhiều lắm. Tôi chỉ lo người viết không theo kịp công chúng mà thôi.
- Đối với các tác phẩm văn học đã được thừa nhận về LLPB bởi những "cây đa cây đề" hàng mấy chục năm nay, nếu anh có cái nhìn mới, thậm chí có thể "xoay chiều", và bị phản đối, anh có quyết tâm bảo vệ chính kiến của mình?
- Bất cứ vấn đề học thuật nào cũng cần được tranh luận và bồi đắp. Tôi ủng hộ sự phản biện. Tôi tin rằng, càng có nhiều khuynh hướng tiếp cận tác phẩm thì LLPB càng có cơ hội "tiếp lửa" cho sáng tạo.
- Là người trẻ, anh ưu ái hay "thẳng tay" khi nhận xét tác phẩm của nhà văn trẻ? Anh có cho rằng mình lợi thế hơn những nhà LLPB văn học khác đối với tác phẩm của cây viết trẻ?
- So với những cây bút lớn tuổi, thì tôi có nhiều lợi thế hơn khi viết về các nhà văn trẻ. Tuy nhiên, nhận xét tác phẩm của nhà văn trẻ bao giờ cũng khiến tôi phải cân nhắc. Bởi lẽ, những nhà văn trẻ giống như tướng quân lần đầu ra trận, khí thế bừng bừng. Nếu chê gay gắt thì họ nản lòng thoái lui, khen vu vơ thì không khéo xui họ cưỡi ngựa còm, cầm gươm gãy xông pha hí trường lộng gió.
- Anh có thể "tiên đoán" về LLPB văn học Việt Nam?
- Sự cởi mở của xã hội và sự trợ giúp của internet đang mở ra nhiều cánh cửa cho văn chương hội nhập với thế giới. Tất nhiên, LLPB văn học cũng được dự phần, hy vọng mỗi ngày mỗi đa dạng hơn và phong phú hơn.
- Xin chân thành cảm ơn anh!
Lê Thiếu Nhơn đã xuất bản 5 tập thơ, 2 tập tản văn và 1 tập phê bình. Hai lần được Tặng thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho tập thơ "Trong bóng người xưa" (2007) và "Bản tường trình giấc mơ đi vắng" (2010). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.