Nông nghiệp - Nông thôn

Hơn 12.000 lượt người tới tham quan, mua sắm tại Lễ hội nông sản Hà Nội 2023

Đỗ Minh 31/12/2023 - 19:57

Ngày 31-12, tại Khu đô thị Mail Land Hà Nội City (xã An Khánh, huyện Hoài Đức), Lễ hội nông sản Hà Nội năm 2023 bế mạc sau 5 ngày diễn ra (từ ngày 27 đến 31-12-2023).

Lễ hội thu hút 112 đơn vị tham gia, với 150 gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông sản, OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong cả nước và có hơn 12.000 lượt người tới tham quan, mua sắm.

Doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng

Theo Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, Lễ hội nông sản Hà Nội năm 2023 diễn ra trong 5 ngày với nhiều chương trình, hội thảo… là sự kiện quan trọng của ngành Nông nghiệp Thủ đô.

gian-hang-tai-le-hoi.jpg
Lễ hội nông sản thành phố Hà Nội năm 2023 thu hút hơn 12.000 lượt người tới tham quan, mua sắm.

Lễ hội nông sản có quy mô 10.000m2, với 112 đơn vị tham gia 150 gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông sản, OCOP tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố và được sắp xếp theo các khu: Khu trưng bày sinh vật cảnh; khu trưng bày sản phẩm nông sản, OCOP tiêu biểu thành phố; khu trưng bày sản phẩm của hội thi tìm hiểu kiến thức khoa học, kỹ thuật và quảng bá tiêu thụ sản phẩm bưởi Hà Nội; khu trưng bày sản phẩm nông sản của huyện Hoài Đức; khu trưng bày sản phẩm nông sản các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội; khu trưng bày sản phẩm nông sản, OCOP tiêu biểu của các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, còn có các khu bài trí các tiểu cảnh để làm nơi check in chụp ảnh cho khách vào tham quan, mua sắm; khu ẩm thực tại Lễ hội.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa thông tin, lễ hội có hơn 2.000 sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề; vật tư, máy móc, thiết bị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ chuyển đổi số được giới thiệu, trưng bày. Đáng chú ý, Ban tổ chức còn bố trí khu trưng bày sinh vật cảnh, trưng bày hơn 100 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật của Hội Sinh vật cảnh xã Yên Sở, huyện Hoài Đức. Trong thời gian 5 ngày, lễ hội thu hút hơn 12.000 lượt người tới tham quan, mua sắm, với doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng.

hoi-thao-le-hoi.jpg
Trong khuôn khổ lễ hội, Ban tổ chức đã tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản Hà Nội với hơn 100 đại biểu là doanh nghiệp, người sản xuất, nhà khoa học... tham gia.

Ông Đỗ Trọng Hải, Công ty TNHH Thiết bị HPA chia sẻ, trong 5 ngày diễn ra lễ hội, công ty đã bán hàng trăm hộp ngũ cốc, trà được chế biến từ rau, củ quả. “Là đơn vị mới bắt tay vào chế biến các loại ngũ cốc, trà từ rau, củ, lễ hội là dịp để công ty giới thiệu những sản phẩm đến với người tiêu dùng, nhất là tiếp cận được các nhà phân phối”, ông Hải cho hay.

Quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản

Phát biểu tại lễ hội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, lễ hội nông sản là một sự kiện lớn nhằm giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản, OCOP tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Đây cũng là dịp để giới thiệu những thành tựu đạt được và thúc đẩy phát triển kinh tế trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố. Đồng thời, lễ hội là dịp để các đơn vị trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm sản xuất theo chuỗi, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm làng nghề của Hà Nội; giới thiệu mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, góp phần gìn giữ nghề truyền thống và duy trì đặc sản địa phương.

Trong khuôn khổ lễ hội nông sản đã diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động, như: Tổ chức lễ khai mạc, bế mạc lễ hội; trưng bày, quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản, Ocop tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; vòng chung khảo hội thi tìm hiểu kiến thức khoa học, kỹ thuật và quảng bá tiêu thụ sản phẩm bưởi Hà Nội với 12 giống bưởi ngon, đặc sắc; hội nghị xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản Hà Nội; Hội thảo quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “La Tinh Hoài Đức” cho sản phẩm bưởi đường huyện Hoài Đức; các sự kiện văn hóa kết nối: Hội diễn áo dài truyền thống Việt Nam và liên hoan các câu lạc bộ Zumba huyện Hoài Đức.

be-mac-le-hoi.jpg
Ban tổ chức tặng Giấy khen cho các đơn vị có nhiều thành tích trong lễ hội.

Với các chương trình hoạt động thiết thực, ý nghĩa đó, lễ hội đã tạo cơ hội, cầu nối cho 5 nhà “Nhà quản lý - Nhà khoa học - Nhà nông - Nhà kinh doanh - Nhà tiêu dùng” của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước gặp gỡ giao thương, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm làng nghề, đàm phán ký kết hợp đồng hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ…. Đây cũng là dịp tôn vinh, khẳng định thành quả lao động không mệt mỏi của nông dân, trí thức, doanh nhân kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, từ đó, tạo niềm tin để xây dựng thành công hơn nữa thương hiệu nông sản và làng nghề Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Tại lễ hội, Ban tổ chức đã tặng Giấy khen cho các đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong lễ hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hơn 12.000 lượt người tới tham quan, mua sắm tại Lễ hội nông sản Hà Nội 2023

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.