(HNM) - Với 83 tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, được phân công giữ nhiều trọng trách của Đảng, đồng chí Lê Văn Lương luôn thể hiện là người cán bộ lãnh đạo tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Lê Văn Lương tại lễ công bố Quyết định thành lập Nhà xuất bản Hà Nội, ngày 24-11-1979. Ảnh tư liệu |
Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu
Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28-3-1912, tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình dòng dõi khoa bảng yêu nước, ở miền đất văn hiến và cách mạng, ngay từ khi còn nhỏ Lê Văn Lương đã thấm đẫm trong mình truyền thống quê hương. Năm 1927, khi mới 15 tuổi, đồng chí đã được các hội viên của tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên Trường Bưởi tuyên truyền, giác ngộ và kết nạp. Tháng 6-1929, Lê Văn Lương gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng, sau đó trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 3-1931, Lê Văn Lương bị thực dân Pháp bắt khi đang trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh của hơn 400 công nhân Hãng dầu Socony và bị giam tại Khám lớn Sài Gòn. Năm 1933, đồng chí bị tòa án thực dân kết án tử hình. Do nhân dân Pháp đấu tranh đòi bỏ án tử hình và trả tự do cho tù chính trị ở Đông Dương, Lê Văn Lương được giảm xuống án chung thân và bị đày ra Côn Đảo.
Tại “địa ngục trần gian”, đồng chí đã thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, biến nhà tù đế quốc thành “trường học cách mạng”. Lê Văn Lương cùng một số đồng chí khác như Phạm Hùng, Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự… được bổ sung trở thành những hạt nhân trong lãnh đạo phong trào đấu tranh của tù nhân. Với vai trò cây bút chủ lực trong “Chi bộ đặc biệt”, Lê Văn Lương đã viết bài cho tờ Tiến Lên và Ý Kiến Chung định hướng tư tưởng cho các chiến sĩ cách mạng trong tù.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Lê Văn Lương cùng nhiều đồng chí khác từ Côn Đảo trở về đất liền bắt tay ngay vào công việc của Đảng đang hết sức bộn bề, rất cần những người có kinh nghiệm, được rèn luyện, trưởng thành trong thực tiễn đấu tranh cách mạng. Tháng 10-1945, Lê Văn Lương được cử làm Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ, cùng với các đồng chí trong Xứ ủy chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Bộ. Tháng 1-1946, đồng chí được điều ra Bắc giúp Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo Báo Sự thật và Nhà xuất bản Sự thật.
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, cơ quan Trung ương và Chính phủ chuyển lên căn cứ Việt Bắc, đồng chí Lê Văn Lương được giao nhiều nhiệm vụ: Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương, Giám đốc Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc và Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Hòa bình lập lại, đồng chí được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa; sau đó, được phân công làm Bí thư Khu ủy Tả ngạn, rồi trở lại làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng. Đất nước thống nhất, đồng chí được phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội cho đến khi về hưu năm 1986. Qua thực tiễn công tác lâu dài, kinh qua những chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, đồng chí Lê Văn Lương đã có những đóng góp quan trọng đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.
Trong đó, với cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Lê Văn Lương đã thể hiện rõ là người đứng đầu thành phố gương mẫu, năng động, dám nghĩ, dám làm, sâu sát với công việc, hết lòng vì sự phát triển của Thủ đô. Đồng chí chú trọng phát triển một cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, để Hà Nội xứng đáng là trung tâm đầu não của cả nước.
Đặc biệt, đồng chí chỉ đạo có hiệu quả công tác quy hoạch và mở rộng đô thị, gắn công tác quản lý đô thị với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền quản lý ở ba cấp, sáng tạo và thành công trong việc đề xuất bỏ ban đại diện chính quyền ở tiểu khu, đổi khu thành quận, đổi mới công tác dân vận, sinh hoạt chi bộ… Đồng chí có tác phong dân chủ, quan tâm sâu sắc đến đời sống nhân dân, đến những nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày của nhân dân và tìm cách giải quyết kịp thời, hiệu quả, được nhân dân hết sức tin yêu, quý trọng.
Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng
Là một nhà chính trị, tổ chức được rèn luyện và trưởng thành trong đấu tranh cách mạng, trong lao tù đế quốc, có thể làm việc và hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn khác nhau, đồng chí Lê Văn Lương luôn chấp hành sự phân công, điều động của Đảng. Cho dù ở cương vị nào, đồng chí cũng làm việc hết sức mình trên tinh thần tự giác, tận tụy, có trách nhiệm trước Đảng và dân tộc. Khi Bác Hồ và Trung ương Đảng nhận thức được sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đồng chí Lê Văn Lương là người tích cực đi xuống cơ sở nắm tình hình và xác minh những sai lầm để báo cáo với Bác Hồ và Trung ương Đảng, giúp Trung ương đề ra những biện pháp sửa sai.
Với danh dự và lương tâm của một người cộng sản chân chính, nhận thức rõ những sai lầm đó có một phần trách nhiệm của mình, đồng chí đã dũng cảm nhận khuyết điểm và xin tự rút khỏi Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, qua những năm tháng làm việc bên cạnh người thầy, người đồng chí là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân cách của đồng chí Lê Văn Lương được khắc họa rõ nét, như lời Bác nhận xét “đó là một đồng chí kiên định, tận tụy, kín đáo, cẩn thận, trầm tĩnh nhưng đi vào nội tâm mọi người với tình cảm chân thành”. Nhận xét về đồng chí Lê Văn Lương, đồng chí Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nêu rõ: Trong 15 năm ở tù và hơn 40 năm là một nhân vật quan trọng, những đức tính vốn có của anh được giữ vững trước sau như một, được mọi người quý mến.
Anh là người có bản lĩnh: Thẳng thắn, kiên cường, trong sáng, cần cù, giản dị, thận trọng từ việc nhỏ đến việc lớn. Đối xử công bằng có trách nhiệm, tình cảm đồng chí đối với mọi người ở bất kỳ cương vị nào. Anh không bao giờ khuất phục trước uy quyền và sử dụng uy quyền của mình trong quan hệ với đồng chí. Kín đáo đối với những bí mật của cách mạng nhưng trong công tác hằng ngày lại rất cởi mở với mọi người…
Do công lao to lớn đối với cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Trọn cuộc đời gắn bó, đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Văn Lương trở thành tấm gương sáng về ý chí cách mạng, tinh thần vượt khó, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì tương lai tươi sáng của cách mạng cho các thế hệ sau học tập, noi theo.
PGS.TS Phạm Ngọc Anh
Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.