Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà lãnh đạo kiệt xuất với phương pháp cách mạng sáng tạo

Quốc Bình| 07/04/2012 07:05

(HNM) - Hôm qua 6-4, nhân dịp kỷ niệm 105 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 - 7/4/2012), Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) đã tổ chức tọa đàm


Cuộc đời hoạt động cách mạng 60 năm gian khổ, vinh quang của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của đất nước. Trong đó, một nửa thời gian - 30 năm liên tục, đồng chí gắn bó với cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đặc biệt, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện trọn vẹn ước nguyện của Bác Hồ: Giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối.


Tổng Bí thư Lê Duẩn nói chuyện thân mật với bà con nông dân xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm - Hà Nội) tháng 12-1984.

Cách mạng Tháng Tám thành công, từ nhà tù Côn Đảo trở về, đồng chí Lê Duẩn tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Nam bộ. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam bộ, đồng chí Lê Duẩn đã xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc với việc đoàn kết các giáo phái, các lực lượng trí thức, công nhân, lao động và nông dân miền Nam. Điểm nổi bật trong đóng góp quan trọng này của đồng chí là đã đánh giá rất cao vai trò của các lực lượng đô thị và giải quyết đúng nguyện vọng của nông dân miền Nam để tập hợp lực lượng. Đồng chí còn sáng tạo trên nền tảng tư tưởng về kháng chiến toàn dân, toàn diện của Bác Hồ với ba điểm nhấn: Khẳng định và nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng; đề cao sức mạnh tổ chức; đấu tranh quân sự kết hợp du kích và sau này kết hợp với đấu tranh đô thị.

Trên cương vị Bí thư TƯ Cục miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã có mặt ở hầu như tất cả các vùng miền Nam để khảo sát hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng, từ đó chỉ đạo tổ chức, xây dựng lại các cơ quan Đảng ngày càng chặt chẽ, mạnh mẽ hơn. Đồng chí đã kịp thời phát hiện ra những khó khăn của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ như kẻ thù mới, nội bộ có ảo tưởng về hòa hoãn, hòa bình hoặc sợ Mỹ. Năm 1956, đồng chí đã soạn thảo văn kiện nổi tiếng "Đề cương cách mạng miền Nam" - phác thảo quan trọng cho con đường cách mạng giải phóng miền Nam. Bản đề cương có giá trị đột phá, khai thông, tạo niềm tin cách mạng, dấy lên phong trào Đồng khởi mạnh mẽ ở miền Nam những năm 1959-1960. Đây còn là sự chuẩn bị cả về cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng ta hoạch định đường lối cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Giữa năm 1957, đồng chí Lê Duẩn được TƯ điều ra Hà Nội công tác bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh để chuẩn bị Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng. Được TƯ phân công phụ trách công việc chung của Đảng, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc vai trò người chuẩn bị những quyết sách chiến lược về nhiệm vụ chung của cách mạng cả nước, cũng như nhiệm vụ cụ thể của cách mạng hai miền, để báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị trước khi trình Hội nghị TƯ 15 (khóa II) và Đại hội III của Đảng. Sau Đại hội III, trên cương vị Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành TƯ, đồng chí Lê Duẩn đã cùng tập thể Bộ Chính trị và TƯ Đảng kiên định đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, tranh thủ sự giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến những tư tưởng có giá trị cao, nhất là về phương pháp cách mạng. Trước tiên là tư tưởng dám đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ. Quyết tâm chiến lược này thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc, đồng thời là kết quả của tư duy cách mạng, khoa học, sáng tạo trong đánh giá đúng tương quan lực lượng, năng lực lãnh đạo và khả năng biết khởi sự, biết điều khiển và biết kết thúc chiến tranh đúng lúc và có lợi nhất. Kế đến là tư tưởng tiến công và nghệ thuật đánh lui từng bước, đánh bại từng âm mưu, đánh đổ từng bộ phận của kẻ thù, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Đó còn là tư tưởng chiến lược đánh địch và thắng địch bằng sức mạnh tổng hợp. Sức mạnh tổng hợp ở đây là chiến tranh nhân dân, sức mạnh của cả nước đánh giặc, sức mạnh của ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, sức mạnh dân tộc gắn liền với sức mạnh ba dòng thác cách mạng của thời đại. Sức mạnh đó còn nằm ở tư tưởng sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị và vũ trang, với hai hình thức đấu tranh cơ bản là chính trị và quân sự; đánh địch trên ba mặt trận (quân sự, chính trị, ngoại giao), trên ba vùng chiến lược (miền núi, nông thôn đồng bằng, thành thị), bằng ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận).

Có thể khẳng định, những đóng góp sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn về lý luận và thực tiễn; về đường lối cách mạng trong đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã nâng trình độ tư duy lý luận của Đảng ta, dân tộc ta lên một tầm cao mới, góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới...

Tọa đàm khoa học “Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam”
(HNM) - Sáng 6-4, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam diễn ra buổi tọa đàm khoa học "Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam" do NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hội đồng Lý luận TƯ và Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức.

Tham dự có các đồng chí nguyên UVBCT Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Mạnh Cầm; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành TƯ cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị - quê hương đồng chí Lê Duẩn và đại diện gia đình cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Buổi tọa đàm nhận được hơn 40 tham luận. Một số tham luận của các nhà khoa học, nhà báo: Giáo sư Vũ Khiêu, Hữu Thọ, Hà Đăng, Văn Tạo… trình bày đã làm rõ hơn tư tưởng về văn hóa và con người của đồng chí Lê Duẩn. Đó là "Cách mạng tư tưởng phải hiểu rõ con người", là chủ trương xây dựng một xã hội văn hóa cao, là tinh thần tôn vinh nghệ thuật truyền thống, đề cao vai trò người phụ nữ Việt Nam…

Thi Thi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà lãnh đạo kiệt xuất với phương pháp cách mạng sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.