(HNM) - Hôm nay 28-8, hơn một trăm cán bộ, diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ cùng hòa ca
Giữ "lửa" cho chính kịch
Kể từ khi thành lập với danh xưng Đội kịch trong Đoàn văn công nhân dân Thủ đô (1959) đến khi tách ra khỏi "đội hình" để thành lập Đoàn Kịch nói Hà Nội (1965), rồi được nâng cấp thành Nhà hát Kịch Hà Nội (1993), số lượng tác phẩm của kịch nói Hà Nội lên tới 131 vở diễn, trong đó có 100 vở lớn. Kịch mục của Nhà hát khá đa dạng, từ những vở kịch ngắn như "Tiếng súng trong mưa đêm", "Buổi tập trận cuối cùng" đến kịch thơ "Lam Sơn tụ nghĩa", những vở kịch nước ngoài như "Giai điệu bị lãng quên" (Mông Cổ), "Con tôi cả" (Mỹ), "Đội cận vệ thanh niên", "Đại úy Xô-pha-nốp" (Liên Xô) và chùm hài kịch; kịch dân gian dựng thời gian gần đây… Tuy thế, trong sự phong phú dễ nhận biết ấy, chính kịch vẫn là xương sống, là nhân tố chính tạo nên thương hiệu của Nhà hát.
Một cảnh trong vở “Ông không phải là bố tôi” do các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn. |
Kịch Hà Nội suốt 55 năm qua vẫn giữ được phong cách riêng. Cái riêng có ấy, như nhận định của báo giới trong và ngoài nước, có thể nhận ra qua "Tôi và chúng ta" của tác giả Lưu Quang Vũ, được NSƯT Hoàng Quân Tạo dàn dựng vào năm 1984, một tác phẩm có ý nghĩa "mở ra không gian rộng lớn cho sự sáng tạo của nghệ sĩ đối với chính kịch". Giới chuyên môn cho rằng, hàng loạt vở diễn của Nhà hát đã gây tiếng vang rộng rãi, góp phần tạo nên thời kỳ hoàng kim cho sân khấu kịch. Trong số ấy, đáng nhớ là "Tiền tuyến gọi" của tác giả Trần Quán Anh, dựng năm 1968, từng giành nhiều huy chương trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1970), đến độ mà về sau phía truyền hình đã lên kế hoạch làm phim về vở kịch ấy, lại mời chính diễn viên Nhà hát tham gia. Như "Hà Mi của tôi" (tác giả và đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang), dựng năm 1980, đánh dấu cuộc "thay máu" trong cách làm chính kịch, hướng tới sự cởi mở về đề tài, thẳng thắn đề cập những vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội… Kể từ đó, hàng loạt vở diễn mới ra đời, sức thuyết phục lớn đến nỗi khi đem đi lưu diễn, nhiều khi Nhà hát phải "dứt ra" để trở về. Như "Tôi và chúng ta" diễn ròng rã 3 tháng tại Hà Nội, 3 tháng tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác, mỗi ngày 3 suất diễn mà chưa đủ làm thỏa mãn khán giả. Sau sức bật tạo được nhờ "Tôi và chúng ta", kịch Hà Nội dựng tiếp "Khoảnh khắc và vô tận", "Quyền được hạnh phúc" - được coi như phần 2, 3 của "Tôi và chúng ta", được dư luận đánh giá là còn hay và hấp dẫn hơn phần đầu. Theo dõi kỹ, sau đó, Nhà hát Kịch Hà Nội vẫn không ngừng đổi mới sáng tạo chính kịch, tiếp tục cho ra "Những linh hồn sống", "Ăn mày dĩ vãng"…
15 năm trở lại đây, Nhà hát Kịch Hà Nội tiếp nối phong cách truyền thống, nhưng tập trung nhiều cho mảng đề tài Hà Nội, khắc họa sắc thái, phong cách người Hà Nội, như "Mắt phố", "Trái tim trong trắng"... Năm 2008, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Nhà hát Kịch Hà Nội và Đoàn Kịch Hà Tây "về một nhà". NSND Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà hát nói: Chúng tôi dễ dàng quen nhau, hiểu nhau, tìm được tiếng nói chung. Bởi vậy mà khi dựng những "Tình sử ngàn năm", "Những mặt người thấp thoáng", có cả nghệ sĩ của hai đơn vị tham gia nhưng sự phối hợp nhịp nhàng, không hề khiên cưỡng.
Trong 55 năm qua, Nhà hát đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, 3 Bằng khen của Chính phủ…; giành 55 HCV, 40 HCB và nhiều bằng khen, giấy khen tại các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc; 2 Giải thưởng Thăng Long; 1 Giải thưởng VHNT Thủ đô; 6 lần được nhận Giải vở diễn hay nhất năm của Bộ VH,TT&DL, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Nhà hát có 4 NSND là Trần Hoạt, Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Minh Hòa và 19 NSƯT. |
Nghiêm túc làm nghề
Hơn nửa thế kỷ qua, Nhà hát Kịch Hà Nội vẫn là "địa chỉ đỏ" của sân khấu chính kịch nước nhà. Không hề quá khi đánh giá rằng, Nhà hát luôn sở hữu một dàn diễn viên đẹp và tài năng. Từ Thanh Tú, Hoàng Cúc đẹp mặn mà đến Thu Hà "tiểu thư lá ngọc cành vàng", Minh Hòa quý phái… Dàn diễn viên nam của Nhà hát cũng đáng được ngưỡng mộ. Lớp trước có Hoàng Dũng, Trần Vân, Tiến Đạt; lớp sau có Trung Hiếu, Công Lý; giờ là lứa trẻ với những Hồng Đăng, Mạnh Hưng, Tiến Lộc, Ngọc Quỳnh, Thiện Tùng, Quang Minh, Chí Nhân... Thời nào kịch Hà Nội cũng tự hào có nhiều mỹ nhân, những người luôn ở vị trí "vơ đét" cả trên sân khấu và phim ảnh, đến mức mà có người nói vui rằng, nếu giám đốc tập trung diễn viên dựng vở trong 2 tháng thì bảo đảm mảng phim truyền hình… trắng sóng!
Kịch Hà Nội gồm những người có trách nhiệm với nghề. Như gần một tháng qua tập trung cho vở "Những người con Hà Nội", rất nhiều nghệ sĩ đã gác lại vai diễn trong những bộ phim "tiền tỷ" để toàn tâm ý trên sàn tập cùng đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang. Từ gương mặt gạo cội đến người mới vào nghề sẵn sàng tập đi tập lại một câu thoại, một động tác hình thể cho đến khi ưng ý. Trung Hiếu, Công Lý hài hước, nói năng "bạt mạng" trên truyền hình là thế, về với chính kịch là nghiêm cẩn ngay. Cũng vì đã xác định làm nghề nghiêm túc, tạo dựng phong cách riêng mà Nhà hát luôn được các tác giả ưu ái gửi gắm kịch bản tốt nhất. Sắp tới, Nhà hát sẽ có "Tấm gương" của tác giả Chu Thơm, "Chiến binh" của nhà văn Chu Lai...
Nhà hát Kịch Hà Nội thuộc số ít đứng ngoài "cơn sóng" làm kịch thị trường. Đơn giản, theo ví von của Giám đốc Nhà hát là "chúng tôi vẫn sẽ làm "cơm", mà phải thật "ngon", bởi khán giả ăn "bún", "phở" mãi rồi cũng chán, họ sẽ lại quay về thôi".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.