Chương trình “Xuân 24” với vở hài kịch “Ả cave nhà hàng Maxim” của Nhà hát Kịch Việt Nam đã có những buổi công diễn mở đầu vào cuối tuần này. Tác phẩm hài kịch kinh điển thế giới của nhà viết kịch vĩ đại người Pháp Georges Feydeau ra đời cách đây 125 năm được dàn dựng sống động, gần gũi đem đến tiếng cười xuân sảng khoái và đầy ý nghĩa cho khán giả Thủ đô.
Tác phẩm sân khấu “Ả cave nhà hàng Maxim” được lấy từ nguyên tác “La Dame de chez Maxim” - một kiệt tác của nhà viết kịch vĩ đại người Pháp thế kỷ XIX Georges Feydeau.
Chỉ đạo nghệ thuật chương trình, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc cho biết, thay vì những tiểu phẩm, mẩu kịch ngắn thì đơn vị chọn dàn dựng vở hài kịch “Ả cave ở nhà hàng Maxim” để khai xuân mùa diễn năm nay với mong muốn đem đến tiếng cười khác biệt cho khán giả. Đây là vở hài kịch mẫu mực, ra đời từ cách đây hơn một trăm năm, nổi tiếng và vẫn đang được dàn dựng biểu diễn khắp thế giới.
“Vở diễn mang đầy đủ giá trị về cái đẹp, tiếng cười, sự nhận thức, tính thời đại… được dàn dựng mới, với sự tham gia của thế hệ trẻ để khán giả có những giây phút thư giãn trọn vẹn”, nghệ sĩ Xuân Bắc nhận định.
Vở diễn “Ả cave nhà hàng Maxim” do Nghệ sĩ nhân dân Tuấn Hải đạo diễn. Vị đạo diễn kỳ cựu này cho biết đã dàn dựng tác phẩm đúng tinh thần của tác giả Georges Feydeau viết.
“Theo dõi qua các phương tiện truyền thông thấy rằng, một tháng trước vẫn có nhà hát trên thế giới ra mắt vở diễn này, có nghĩa là tính thuyết phục, tính xã hội, tính xây dựng cuộc sống của tác phẩm vẫn giá trị trong thời đại hôm nay”, Nghệ sĩ nhân dân Tuấn Hải khẳng định.
Tuy nhiên, tác phẩm ra đời từ hơn một thế kỷ trước, nên đạo diễn và ê kíp dàn dựng đã phải biên tập lại, Việt hóa lời thoại gần gũi hơn, hợp thời đại hơn, nhất là với khán giả trẻ.
Ở phiên bản mới nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam, câu chuyện về một cô gái điếm ở tiệm rượu với điệu nhảy tục tĩu bỗng trở thành hình mẫu và thần tượng cho giới thượng lưu, quý tộc đổ xô chạy theo học đòi, để châm biếm, chỉ trích tầng lớp đầu não của xã hội… được tái hiện rất trọn vẹn với ăm ắp các tình huống và lời thoại, khiến khán giả ngả nghiêng cười từ đoạn này đến đoạn khác. Ê kíp sáng tạo cũng đã cài thêm một số câu nói đang “trend” thời gian gần đây và rất dụng công sử dụng văn vần trong lời thoại của nhân vật một cách khéo léo, hài hước, sát với ý đồ của tác giả trong nguyên tác, để lại ấn tượng với người xem.
Vở kịch không có xung đột, tiếng cười bật ra từ chính các tình huống bi hài, song qua đó, khán giả cảm nhận sự sâu sắc, thâm thúy, thấy được những thói tật còn tồn tại ngay cả trong xã hội hôm nay...
Kịch tác gia Georges Feydeau được coi là “ông vua tạp kỹ”. Ông đã có nhiều năm lăn lộn ở những quán rượu, hộp đêm, nhà hàng... nên đã viết những câu chuyện sống động, lôi cuốn, giàu tính giải trí.
Tác phẩm “Ả cave nhà hàng Maxim” được Georges Feydeau sử dụng nhiều vũ đạo, âm nhạc, động tác để kể chuyện. Lần này, Nhà hát Kịch Việt Nam đã chọn dàn diễn viên mới, trẻ mà theo đạo diễn Tuấn Hải, họ cực kỳ tài năng, đáp ứng tốt về vũ đạo, những động tác khó và diễn tràn trề năng lượng.
Trong đó, phải kể đến nghệ sĩ Mai Duyên trong vai “ả cave” đã lột tả tốt sự quyến rũ, tục tĩu của nhân vật để “bịt mắt, dắt mũi” cả một đám người ngu muội, rỗng tuếch, rởm đời… Các diễn viên Hồng Phúc, Dũng Nam, Thu Hà, Thu Hương, Quang Đạo, Ngân Hoa, Hà Vy, Tuấn Vũ, Tiến Đạt, Thế Nguyên, Khánh Linh… đều diễn tròn vai và nhiều đột phá ở vở diễn này.
Âm nhạc, phục trang, sân khấu đều mang phong cách châu Âu thế kỷ XIX, tuy nhiên mỗi yếu tố được làm cường điệu và đối chọi hơn một chút để bật lên những sự lố bịch của một xã hội đáng phê phán.
Vở hài kịch “Ả cave nhà hàng Maxim” được tiếp tục biểu diễn phục vụ khán giả vào tối nay (18-2) và các tối 23, 24 và 25-2, tại Nhà hát Kịch Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.