(HNMO) - Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La là người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ tên tuổi của dòng nhạc thính phòng, cổ điển. Ở tuổi 90, chất nghệ sĩ trong bà vẫn khiến cho nhiều thế hệ sau phải nể phục.
Dù đã 90 tuổi, Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Hồ Mộ La khiến người đối diện phải ngạc nhiên bởi sự nhanh nhẹn, minh mẫn. Bà vẫn giảng dạy, nhớ như in tên tất cả học trò của mình. Có những học trò của bà nay đã 60-70 tuổi, cũng thành danh trên cả sân khấu lẫn giảng đường, vẫn không bao giờ quên những tháng ngày được bà tôi rèn kỹ thuật thanh nhạc.
Dù được rất nhiều thế hệ học trò tôn vinh, bà vẫn khiêm nhường, không cho mình là nghệ sĩ. Nhưng chỉ cần có âm nhạc nổi lên, chất nghệ sĩ trong bà lại trỗi dậy. Bà say sưa hát, truyền cảm hứng và ngọn lửa đam mê với âm nhạc cho nhiều thế hệ học trò. Bà bảo, có lẽ chỉ khi nào trái tim ngừng đập thì bà mới ngừng hát.
Chia sẻ về sự ảnh hưởng của NGƯT Hồ Mộ La với mình, NSND Thanh Hoa cho biết, mặc dù 50 tuổi mới có duyên được theo học nhưng nhà giáo Hồ Mộ La lại là người có ảnh hưởng lớn, giúp NSND Thanh Hoa quyết tâm theo đuổi nghề ca hát đến tận bây giờ.
“Tôi nhớ mãi lời cô Hồ Mộ La nói: 'Rất tiếc Thanh Hoa học cô muộn', nhưng tôi nghĩ không có gì là muộn cả. Cũng có thời điểm tôi chán ca hát, cô Mộ La với lòng nhiệt huyết và tình yêu nghề đã truyền cảm hứng để tôi vững tin đi tiếp con đường mình chọn. Đến bây giờ, tôi vẫn luôn tự hào được là học trò của cô”, NSND Thanh Hoa trân trọng khi nói về cô giáo của mình.
Còn với NSND Quang Thọ, là học trò “hụt” của nhà giáo Hồ Mộ La nhưng ông vẫn dành nhiều tình cảm trân quý với bà. Ông kể, từ thập niên 70 của thế kỷ trước, ông đã có duyên gặp gỡ với nhà giáo Hồ Mộ La, khi ấy, bà đang là giảng viên Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đi tuyển sinh ở Quảng Ninh. Là công nhân mỏ nhưng tham gia ca hát từ lâu, nghe tin có đợt tuyển sinh vào Nhạc viện (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), ông đã đến thử giọng với mong muốn có cơ hội để học chuyên nghiệp.
Thế nhưng, ngay sau đó tỉnh Quảng Ninh thành lập đoàn văn công xung kích đi phục vụ chiến trường, ông đã khoác balo lên đường, lùi giấc mơ âm nhạc chậm thêm 2 năm. “Dù không được học bà nhưng tôi luôn ngưỡng mộ lòng say mê âm nhạc và chuyên môn sư phạm của bà. Bà ít biểu diễn trên sân khấu nhưng chất nghệ sĩ của bà luôn khiến các nghệ sĩ biểu diễn phải học hỏi”, NSND Quang Thọ nói.
NGƯT Hồ Mộ La từng tham gia các lớp đào tạo về hợp xướng, opera tại Triều Tiên và Liên Xô (cũ) vào những năm 60 của thế kỷ trước. Bà là nữ nghệ sĩ hiếm hoi thời ấy sang du học âm nhạc tại Liên Xô. Cùng tham gia khóa học 7 năm ở Khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Tchaikovsky với bà, có nghệ sĩ Quốc Hương, Kim Ngọc... Tại đây, bà đã lĩnh hội nghệ thuật và kỹ thuật thanh nhạc cổ điển và hiện đại của châu Âu để sau đó truyền dạy lại cho các thế hệ học trò như: Rơ Chăm Phiang, Tố Uyên, Hà Thủy, Anh Thơ, Thu Hằng, Huyền Trang…
Ảnh hưởng của NGƯT Hồ Mộ La tới các thế hệ học trò đến nay vẫn còn khá đậm nét. Bởi thế, vừa qua, ngày mừng NGƯT Hồ Mộ La 90 tuổi đã diễn ra trong không khí ấm áp tình nghệ sĩ. Nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp của bà có mặt để chung vui, bày tỏ lòng yêu mến, trân quý dành cho bà.
Đến nay, mái tóc đã bạc, đôi chân đã chậm, thanh quản cũng không còn sung sức như trước, nhưng với tình yêu âm nhạc luôn cháy bỏng, nhà giáo Hồ Mộ La vẫn cần mẫn là người "lái đò" chuyên chở nhiều học trò đến bến đỗ thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.