(HNM) - Nếu như trước đây xuất hiện thông tin về việc nhiều nhà đầu tư Trung Quốc bị phản đối tại Châu Phi, với lý do chỉ tập trung khai thác tài nguyên khoáng sản mà không giúp tạo công ăn việc làm thì những ngày qua tình trạng này lại tái diễn ở Myanmar.
Người dân Myanmar biểu tình phản đối dự án xây dựng nhà máy thủy điện Myitsone do Trung Quốc đầu tư xây dựng trị giá 3,6 tỷ USD. |
Dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt trị giá 5 tỷ USD mà Trung Quốc đang triển khai tại Myanmar khi đi vào hoạt động sẽ đưa dầu thô và khí đốt mua từ Châu Phi về phía Tây nam nước này mà không cần đi qua vùng eo biển Malacca nhiều nguy hiểm. Thế nhưng, dự án đầy tham vọng này lại đang vấp phải sự phản đối kịch liệt từ người dân địa phương của Myanmar do những hậu quả mà doanh nghiệp Trung Quốc gây ra. Việc thu hồi đất đai làm đường cho hành lang ống dẫn dầu đi qua đã đẩy nhiều nông dân khu vực dự án rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Không chỉ đất đai bị xói mòn, gây ô nhiễm môi trường, tấm biển thông báo "bị phạt rất nặng nếu xâm hại đường ống" treo trên hàng rào tre báo hiệu khu vực cấm… mà người dân địa phương hằng ngày nhìn thấy đã tạo ra cho họ tâm lý phản đối doanh nghiệp Trung Quốc. Nhiều người còn phải rời bỏ quê hương đi nơi khác kiếm sống.
Những năm qua, Trung Quốc luôn là nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu ở Myanmar, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên - nguồn lực mà Myanmar giàu có nhưng trước đó chưa biết cách khai thác. Tuy nhiên năm 2013, Trung Quốc đã giảm mạnh đầu tư vào Myanmar với số vốn cam kết chỉ đạt 407 triệu USD, chưa bằng 1/10 so với con số 4,3 tỷ USD trong năm trước đó. Một trong những nguyên nhân của tình trạng sụt giảm nói trên là do Chính phủ Myanmar quyết định đình chỉ nhiều dự án đầu tư khai thác tài nguyên, năng lượng của các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong đó có dự án xây đập Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD ở một bang phía Bắc của Myanmar - một dự án thủy điện trọng điểm - với kế hoạch cung cấp điện cho tỉnh Vân Nam của Trung Quốc do lo ngại ảnh hưởng tới môi trường. Không chỉ vấn đề kinh tế, môi trường mà văn hóa cũng là lý do khiến người dân Myanmar phản đối nhà đầu tư Trung Quốc xây đập Myitsone trên sông Irrawaddy. Đây là nơi rất thiêng liêng đối với những người Kachin trong khu vực, được coi là cái nôi sinh ra nền văn minh của người Myanmar. Khi con đập được xây dựng, lòng hồ sẽ nhấn chìm 63 ngôi làng lâu đời trên tổng diện tích gần 77.000ha, biến một trong những trung tâm văn hóa cổ xưa của Myanmar, nơi giao thoa của các dòng sông N'Mai và Mali thành biển nước.
Giữa lúc đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc tại các nước láng giềng bị co hẹp thì các doanh nghiệp đến từ các nước Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ cũng có những động thái cho thấy họ đang dần "ngán" Trung Quốc. Theo báo cáo của Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Trung Quốc mới đây cho biết, các công ty Châu Âu đang phải đối mặt với môi trường kinh doanh kém hấp dẫn, do lợi nhuận đi xuống và chính phủ ưu tiên doanh nghiệp địa phương. Hơn một nửa doanh nghiệp Châu Âu tham gia khảo sát cho biết, "kỷ nguyên vàng" tại Trung Quốc đã qua. Hai thách thức lớn nhất với các công ty là suy giảm kinh tế và chi phí nhân công tăng.
Dù trên đây vẫn chỉ là những phản đối mang tính tự phát của người dân địa phương nhưng điều đó đã phần nào cho thấy những hình ảnh trái chiều nhưng lại khá thực tế của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Myanmar. Nếu tình trạng này tái diễn Trung Quốc có thể sẽ thực sự mất thị trường ở quốc gia đang phát triển mạnh mẽ này trừ phi họ chứng minh được với người dân nước này rằng họ là những người bạn thực sự. Bài học lớn với các nhà đầu tư Trung Quốc là cần tầm nhìn đầu tư chiến lược, lâu dài, minh bạch cũng như luôn biết đặt lợi ích của người dân địa phương cũng như quốc gia đầu tư là mối quan tâm hàng đầu thay vì cách làm theo kiểu "ăn đong" và chỉ có lợi cho mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.