Cư dân chung cư lẽ nào phải sống trong may rủi, tùy thuộc việc cơ quan chức năng có kiểm tra, giám sát chặt chẽ hay không, hoặc chủ đầu tư làm ăn đàng hoàng hay không?
Lâu nay, nỗi ám ảnh lớn nhất của người mua nhà chung cư, trong đó có tôi, là tình trạng trễ hẹn vô thời hạn, không biết khi nào công trình mới hoàn thành. Hợp đồng mua bán hứa hẹn đầy đủ về thời gian, phạt hợp đồng nếu vi phạm tiến độ nhưng chủ đầu tư cứ trễ chuyện giao nhà. Vậy nên cứ tưởng đến lúc nhận được nhà thì an yên, ai ngờ vẫn có nhiều trường hợp khổ sở, đêm ngày lo lắng vì khả năng bị ra khỏi nhà, bị mất nhà bất cứ lúc nào.
Chuyện tưởng như đùa đang xảy ra tại chung cư Harmona, chung cư Bảy Hiền Tower và có khả năng ở nhiều dự án khác. Nơi thì chủ đầu tư thế chấp toàn bộ công trình từ lúc nào mà người mua nhà không hay biết. Nơi thì cư dân mới dọn vào ở được vài tuần thì có nguy cơ phải dọn ra vì chung cư bị… cắt điện, nước do chủ đầu tư vi phạm xây dựng, cơ quan chức năng đình chỉ thi công và áp dụng biện pháp ngăn chặn là cắt điện, nước tại công trình.
Việc chủ đầu tư chung cư Bảy Hiền Tower, quận Tân Bình, vi phạm xây dựng bị cắt điện, nước làm ảnh hưởng đến cư dân. (Ảnh chụp chiều 2-6) Ảnh: HTD |
Trước mắt, với sự cam kết của chính quyền địa phương, cư dân chung cư Harmona đã bớt nỗi lo lắng phải dọn ra khỏi nhà để bàn giao tài sản cho ngân hàng. Nhưng nếu hai tuần nữa chủ đầu tư không có mấy trăm tỉ đồng trả cho phía ngân hàng thì câu chuyện này sẽ giải quyết ra sao? Quyền lợi của người mua có “đọ” nổi với ưu thế của ngân hàng khi về mặt pháp lý, việc thế chấp tài sản của chủ đầu tư với ngân hàng vẫn được phía ngân hàng nhận định là đúng pháp luật và giao dịch này đã đăng ký tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP đúng trình tự thủ tục. Trong khi đó, việc mua nhà của người mua chỉ mới dừng lại ở hợp đồng mua bán với chủ đầu tư, chưa được đăng ký quyền sở hữu.
Tại chung cư Bảy Hiền Tower, quận Tân Bình, việc chủ đầu tư vi phạm xây dựng đâu phải lỗi của người mua. Lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định việc đình chỉ thi công, cắt điện, nước là làm đúng quy định. Chủ đầu tư cho cư dân dọn vào ở trong lúc công trình chưa hoàn thành, chưa được nghiệm thu về chất lượng là không đúng. Nhưng tại sao các cư dân dọn vào công trình đang làm dở dang như thế mà chính quyền lại không biết?
Những sự việc trên thật sự làm chúng tôi hoang mang. Biết đâu chung cư nơi mình chọn mua căn hộ tương tự như Harmona, cũng đang bị chủ đầu tư thế chấp; hoặc biết đâu giống như chung cư Bảy Hiền Tower, có vi phạm nào đó trong thủ tục, thi công.
Ai có trách nhiệm thường xuyên kiểm soát hoạt động các ngân hàng để kịp thời chấn chỉnh việc buông lỏng quản lý tài sản thế chấp? Ai giám sát việc thực thi các nội dung trong giấy phép xây dựng? Xin đừng để xảy ra nghịch lý rằng giấy phép xây dựng cấp cho công trình chung cư thì rất khó nhưng cấp rồi lại để chủ đầu tư và đơn vị thi công tự tung tự tác. Xin chấm dứt chuyện chủ đầu tư bán nhà nhiều lần, thế chấp ngân hàng trong lúc nhà đã bán, sử dụng tiền của người mua kiểu “mượn đầu heo nấu cháo” nên trù trừ làm thủ tục cấp giấy cho người mua… Xem tivi thấy một phụ nữ đứng trước chung cư Bảy Hiền Tower khóc ròng, một phụ nữ khác thì thất thần “cầu xin chính quyền giải quyết giùm”, tôi cảm thấy bất bình thay cho họ. Họ phải làm gì? Khiếu nại ư, kiện cáo ư? Chỉ e rằng được vạ má sưng. Nếu tình hình trên tiếp tục, liệu người ta có thể yên tâm tìm đến nhà chung cư? Có ai muốn cả đời dành dụm tiền của để có được nơi tá túc nhưng tất cả sự an yên của mình lại may rủi tùy thuộc vào thái độ trách nhiệm của cơ quan quản lý hay cung cách làm ăn của chủ đầu tư?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.