Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà cách mạng Phan Ðăng Lưu qua hồi ức của thầy tôi

Nhà thơ Thanh Thảo| 19/02/2023 14:12

(HNNN) - Tôi quê ở Quảng Ngãi, khi vừa biết nói đã được tập gọi bố tôi bằng thầy, do ông muốn theo cách gọi của miền quê Nghệ An, thường gọi bố bằng thầy, mẹ bằng u. Nhưng thầy tôi lại dạy tôi gọi mẹ bằng má, vì tôi quê Quảng Ngãi.

Học sinh Trường THCS Phan Ðăng Lưu (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) nghe giới thiệu tóm tắt cuộc đời, hoạt động của nhà cách mạng tiền bối Phan Ðăng Lưu. Ảnh: Thành Đạt

Phải lan man một chút như thế trước khi vào chuyện về hai người tù của thực dân Pháp, cùng bị đày ải tại Nhà đày Buôn Ma Thuột ở độ tuổi gần bằng nhau, tuổi thanh xuân. Thầy tôi tên Hồ Thiết, rất ngưỡng mộ một người bạn tù tuổi trẻ như mình, đó là nhà cách mạng Phan Đăng Lưu (1902 -1941).

Đã ở tù tây thì không phân biệt đảng viên hay không đảng viên, từng giữ chức vụ gì trong Đảng hay chỉ hoạt động cách mạng. Thầy tôi từng là đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng, đảng mà ông Phan Đăng Lưu là một trong những người sáng lập, và là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ rất sớm. Trong bài thơ “Quê mẹ” tặng Huế, in trong tập thơ “Từ ấy”, nhà thơ Tố Hữu có viết một đoạn:

“Con lớn lên, con tìm cách mạng/ Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi/ Mẹ không còn nữa, con còn Đảng/ Dìu dắt con khi chửa biết gì”.

“Anh Lưu” ở đây là Phan Đăng Lưu, còn “anh Diểu” là Nguyễn Chí Diểu, hai bậc đàn anh của nhà thơ Tố Hữu trên trường cách mạng.

Trở lại với hai người bạn tù ở Nhà đày Buôn Ma Thuột. Thầy tôi phải nằm nhà đày này 9 năm, do hai lần cùng nhóm với ông Nguyễn Duy Trinh nổi lên đấu tranh, tuyệt thực phản đối chế độ nhà tù và hai lần bị tăng án. Sau này có dịp lên Đắk Lắk, tới thăm Nhà đày Buôn Ma Thuột và thấy tấm bảng có ghi danh thầy tôi trong nhóm “quậy nhà tù” bị tăng án hai lần. Nhóm ấy có 12 hay 13 người gì đó.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, thầy má tôi về sống ở quê Mộ Đức (Quảng Ngãi). Mỗi khi tôi có dịp về quê thăm thầy má mình, thường được thầy tôi kể chuyện cho nghe. Trong những câu chuyện thầy tôi kể về thời còn trẻ, không thể không nhắc đến việc ông ở tù tại Nhà đày Buôn Ma Thuột và người bạn tù Phan Đăng Lưu, mà ông coi là tấm gương sáng ngời của sự bền gan quyết chí học tập trong tù. Sau này, người ta hay nói “nhà tù là trường học lớn”, tôi nghe chuyện thầy tôi kể thì đúng là vậy. Không những là trường học chung chung, nhà tù của thực dân Pháp còn là nơi tù nhân học “bách nghệ”, nghĩa là được dạy, không chỉ kiến thức mà còn về kỹ năng, nghề nghiệp.

Thầy tôi kể, hồi đó ông Phan Đăng Lưu không chỉ là một lãnh tụ của Đảng, mà còn là người tổ chức nhiều lớp học, trong đó nổi bật nhất là lớp học Pháp ngữ. Cứ mỗi sáng, khi không phải lao động khổ sai, tù nhân lại quây quần nghe “thầy” Phan Đăng Lưu lên lớp về Pháp ngữ. Đủ cả bộ “nghe, nói, đọc, viết”. Tù nhân yên tâm học; mỗi lần hỏi nghĩa của từ là “thầy” Phan Đăng Lưu giảng cho ngay, dễ nhớ và nhớ lâu. Thầy tôi kể, bộ “Pháp - Việt từ điển” và bộ “Việt - Pháp từ điển” của Đào Duy Anh, ông Phan Đăng Lưu đều thuộc nằm lòng. Hỏi đâu nói đó, ngược xuôi đều trả lời được, không hề sai. Lúc đó, tù nhân trong Nhà đày Buôn Ma Thuột gọi Phan Đăng Lưu là “bộ từ điển sống”. Lúc mới nghe chuyện này, tôi hơi ngỡ ngàng, chưa kịp hiểu. Nhưng khi nghe thêm chuyện, tôi tin đây là chuyện thật. Vậy thì ông Phan Đăng Lưu đúng là người có trí nhớ siêu việt, là người kỳ tài.

Trong Nhà đày Buôn Ma Thuột hồi đó còn có những bậc túc nho như cụ Hồ Tùng Mậu mà thầy tôi và ông Phan Đăng Lưu đều thân thiết, vì cụ Mậu không chỉ giỏi chữ Nho mà còn là bậc cách mạng đàn anh. Cùng thời đó còn có ông Phạm Kiệt giỏi võ, lại có ông rất giỏi vẽ truyền thần chân dung, có ông thì giỏi cờ tướng, có ông giỏi chơi đàn...

Nghe thầy tôi kể, sinh hoạt trong xà lim như trong một lớp học với nhiều nhóm học khác nhau và “lớp trưởng” chính là ông Phan Đăng Lưu.

Với thầy tôi, khi vào tù chỉ học tiếng Pháp ở trình độ tiểu học, nhưng nhờ sự hướng dẫn của “thầy” Phan Đăng Lưu, ông đã đạt trình độ tiếng Pháp tương đối khá. Sau bao nhiêu năm, khi tập kết ra Bắc rồi được sang thăm Liên Xô, cụ thân sinh tôi còn đọc được báo Sự thật bản in tiếng Pháp.

Thầy tôi kể, ông Phan Đăng Lưu ra tù trước, rồi khi được Đảng cử sang Hồng Kông (Trung Quốc) dự hội nghị của Quốc tế Cộng sản, bước xuống thuyền ông mới trau dồi tiếng Hoa. Vậy mà khi sang tới Hồng Kông, ông đã có thể giao tiếp bằng tiếng Hoa.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan Đăng Lưu đã dừng ở năm 1941. Ông bị thực dân Pháp xử bắn vì “tội” lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, dù ông được Trung ương Đảng đặc phái vào Nam Kỳ để truyền đạt lệnh ngừng cuộc khởi nghĩa vì tình hình chưa chín muồi, khởi nghĩa sớm sẽ bị thực dân Pháp dập tắt. Nhưng khi ông vào tới Sài Gòn thì cuộc khởi nghĩa đã nổ ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà cách mạng Phan Ðăng Lưu qua hồi ức của thầy tôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.