Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà báo Hữu Thọ: Khôi phục văn hóa từ trong gia đình

Võ Lâm| 21/06/2013 05:51

(HNM) - Ở tuổi 81, nhà báo lão thành Hữu Thọ vẫn khiến người tiếp xúc với ông ngạc nhiên bởi sự minh mẫn và lòng nhiệt tình của người cầm bút...

- Tham gia chấm vòng chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ VII - 2012, có vẻ như ông khá tâm đắc với loạt bài “Tiếp cận văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện đại” của Báo Hànộimới?

- Tôi là người Hà Nội nên rất quan tâm đến văn hóa Hà Nội. Thực ra không phải đến khi chấm Giải Báo chí quốc gia tôi mới đọc loạt bài này mà tôi đã đọc trên Báo Hànộimới Điện tử ngay từ khi những bài đầu tiên xuất bản. Tôi ấn tượng bởi thái độ, góc nhìn của các tác giả khi đánh giá về văn hóa Hà Nội, về con người Hà Nội. Đó là thái độ đúng mực, khách quan và thuyết phục. Lâu lắm rồi tôi mới thấy có loạt bài báo viết về văn hóa Hà Nội có được thái độ đúng mực như vậy. Thời gian qua, chúng ta đã nghe, đã xem nhiều bài báo viết về văn hóa Hà Nội, nhưng thái độ của tác giả thường hơi quá, chê trách không đúng mực.

Nhà báo Hữu Thọ.


- Nhưng rõ ràng Hà Nội đang có nhiều hiện tượng phản văn hóa khiến nhiều người bức xúc, lo lắng?

- Những cái xấu như “bún mắng, cháo chửi” chỉ là hiện tượng cá biệt ở Hà Nội. Còn việc xếp hàng ăn phở dù có thể là “chưa văn minh”, nhưng cũng có cái lý thú của nó. Tôi cũng đi ăn phở Bát Đàn và cũng vui vẻ xếp hàng như mọi người. Thực tế có nhiều thứ tưởng chừng không phù hợp nhưng nếu bỏ đi thì văn hóa không còn thi vị, cuộc sống chúng ta mất mát một điều gì đó, như nhiều người tiếc nhớ tiếng rao hàng vào ban đêm chẳng hạn. Paris sẽ không còn là Paris, nếu bỏ đi 1 vạn quán cà phê vỉa hè. Hà Nội cũng có văn hóa vỉa hè, nhưng chúng ta chưa quản lý tốt. Nên cần khắc phục cái chưa tốt đó.

- Hà Nội đã triển khai thực hiện chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn. Theo ông, đâu là vấn đề cần lưu ý?

- Chúng ta cần biết rằng, hỏng kinh tế có thể khắc phục trong vài năm, nhưng hỏng văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử thì “sửa chữa” có khi mất vài thế hệ. Xây dựng văn hóa cũng không thể bằng mệnh lệnh hành chính được. Văn hóa là trầm tích của thái độ ứng xử chứ không phải bằng cấp. Nên cùng với nhiều biện pháp tổng hợp, triển khai đồng bộ, chúng ta cũng cần phải có thời gian và sự kiên trì.

Ngày trước nhà tôi ở phố Hàng Khoai, rất nghèo, nhưng chị tôi mỗi khi ra khỏi nhà đều phải mặc áo dài, nếu không sẽ bị bố mẹ mắng. Theo tôi, muốn khôi phục văn hóa Hà Nội, cần phải tập trung khôi phục văn hóa ứng xử từ trong gia đình. Văn hóa Hà Nội xưa đều từ trong gia đình mà ra. Bố mẹ bảo ban con cái, anh em nhắc nhở nhau dần dần thành thói quen, nếp sống.

- Nhưng xây dựng văn hóa có lẽ không thể thiếu các chế tài nghiêm khắc. Sắp tới đây Luật Thủ đô có hiệu lực, Hà Nội có thể tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa. Ông đánh giá sao về điều này?

- Văn hóa là mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội và con người với tự nhiên. Xây dựng văn hóa rất cần có kỷ cương. Nhưng roi vọt không tạo nên văn hóa. Chỉ có thể coi đây là biện pháp quan trọng, không thể là biện pháp quyết định được.

Dẫu sao, Thủ đô là phải văn hóa. Tôi buồn nhất là khi thanh niên, trẻ em viết bậy lên tháp Hòa Phong, cưỡi lên đầu rùa trong bia Văn Miếu. Nếu chúng ta để lại một xí nghiệp thì càng để càng cũ, càng hỏng, nhưng chúng ta để lại công trình văn hóa thì càng cũ, càng quý. Nên bất kỳ người Hà Nội nào cũng cần có trách nhiệm và quyết tâm xây dựng văn hóa, nhất là những người có chức trách, thẩm quyền.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Hữu Thọ: Khôi phục văn hóa từ trong gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.