Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyễn Tuấn: Từ nhạc sĩ tay ngang đến “Tiếng gáy thời gian”

Hoàng Lân| 15/09/2012 08:51

(HNMO) - Học đàn bên trại tị nạn Hồng Kông năm 12 tuổi, 14 tuổi cùng 1 người bạn đồng niên khiếm thị lập ban nhạc “Cánh Gà” (Tuấn chơi Guitar Bass), Nguyễn Minh Tuấn bén duyên với âm nhạc một cách tự nhiên và đầy ngẫu hứng. Có lẽ, chất lãng đãng, phiêu bồng cũng ngấm vào các sáng tác của anh, nên các ca khúc của anh nghe rất đời thường nhưng cũng đầy gai góc.

Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn


* Cuộc đời lang bạt tạo nên tâm hồn nghệ sĩ

Nguyễn Tuấn bảo, anh bập bẹ đánh đàn khi ở trại tị nạn ở Hồng Kông. Năm 16 tuổi về Việt Nam sau nhiều năm lang thang nơi xứ người, Tuấn xếp đàn vào góc nhà và đi làm công nhân. Tuấn làm thợ mộc một thời gian thì bén duyên sang âm nhạc. Ca khúc đầu tiên của anh là “Xúc cảm phút giao mùa”, viết năm 17 tuổi.

Tuấn vẫn tự nhận mình có cuộc sống lông bông, cũng vì sự lông bông đó anh giúp anh có nhiều cái nhìn khác nhau về cuộc sống. Có lần thất nghiệp, Tuấn la cà đến một quán café sinh viên. Không ngờ, đó lại là nơi chắp cánh cho tâm hồn nghệ sĩ của anh được bay bổng, thăng hoa. Anh thường xuyên lui tới đây để đàn hát, say sưa thả mình vào không khí đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Năm 1997, Tuấn tham gia ban nhạc “The Ocean” (trường Đại học Hàng Hải) và tham dự “Liên hoan các ban nhạc sinh viên toàn quốc”, thi cùng các ban nhạc nổi tiếng của các trường ĐH cả nước. Tuy không mang về giải thưởng nào, nhưng phần dự thi của ban nhạc cũng kịp để lại cho khán giả ấn tượng tốt về con người và thành phố Hải Phòng. Sau cuộc thi, Tuấn được trường đứng ra tổ chức đêm nhạc riêng giới thiệu những ca khúc đầu tiên của anh.

Nguyễn Tuấn dự định tổ chức đêm nhạc "Tiếng gáy thời gian" để giới thiệu rộng rãi hơn những sáng tác của mình


Quãng nghỉ đời sống âm nhạc của Tuấn là thời điểm 1998 - 2003. Tuấn lao vào công việc kinh doanh và quên sạch mọi thứ liên quan đến âm nhạc. Nhưng cuối cùng thì cái nghiệp vẫn đeo đẳng và bắt Tuấn phải sòng phẳng với nó… Tuấn lao vào viết như điên dại để thỏa mãn nhu cầu giãi bày của mình.

Năm 2006, Tuấn tham gia chương trình Bài hát Việt với tác phẩm “Em là ai” do ca sĩ Khắc Hiếu thể hiện. Cũng chính ca khúc này, năm 2007 thí sinh Nguyễn Phước Vũ Bảo hát trong đêm chung kết cuộc thi “Tiếng hát truyền hình TP Hồ Chí Minh” và được nhận giải cao nhất cuộc thi.

Tháng 7/2007, Tuấn mang bài “Tiếng gáy thời gian” tham dự Bài hát Việt và nhận được “Giải phối khí hiệu quả” của tháng.

Năm 2008, Tuấn gia nhập nhóm M6, một nhóm các nhạc sĩ khá có tiếng tăm trong giới sáng tác Hà Nội. Thành viên của M6 gồm nhà văn Ngô Tự Lập (thủ lĩnh), họa sĩ Nguyễn Lê Tâm (nhóm “Đồng hồ báo thức”), Trần Đức Minh (Minh Tó), Nguyễn Thắng (Thắng sáo) - nhạc sĩ của Đài tiếng nói VN và Nguyễn Vĩnh Tiến - kiến trúc sư… Năm 2010, M6 cho ra album đầu tiên: “Hà Nội M6 Phố” cho dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuấn đóng góp 2 ca khúc “Bồ Câu Hạt Thóc” và “Áo Cũ Dây Phơi”.

* “Tiếng gáy thời gian” đánh thức bản ngã nghệ sĩ

Nguyễn Tuấn luôn tự nhận mình là kẻ tay ngang trong âm nhạc, và cũng vì thế những sáng tác của anh dù đã lên tới hơn 100 ca khúc nhưng anh mới chỉ giới thiệu chúng trong khuôn khổ tại các cuộc “nhậu” với bạn bè, trên vỉa hè, hay trong các quán nhỏ giao lưu với học sinh, sinh viên. Tuấn bảo viết nhạc trước hết là để chơi, để thỏa mãn cái tôi của mình. Rồi một số ca khúc của Tuấn được giới chuyên môn đánh giá cao, trong đó có “Em là ai” và “Tiếng gáy thời gian”. Âm nhạc của Tuấn đời thường nhưng có cái “e” dân gian khá rõ, cũng vì thế người nghe nhạc của Tuấn vẫn thấy sự gần gũi, dung dị.

Một thời gian dài làm nghệ thuật không chuyên, Tuấn đã ý thức hơn con đường nghệ thuật của mình không thể chỉ dừng ở việc sáng tác ngẫu hứng, biểu diễn ngẫu hứng. Đó cũng là lý do mà Nguyễn Tuấn thực hiện một đêm nhạc riêng mang tên “Tiếng gáy thời gian” vào ngày 21/9 tại biệt thử Sum Villa, Hồ Tây, để giới thiệu rộng rãi hơn các sáng tác của mình. Đêm nhạc có sự tham gia của các ca sỹ: NSƯT Lâm Phương, Thái Thùy Linh, Lê Giang, Hà Minh Tiến, Tuấn Dũng, Phương Thảo, Lê Thiết Cường và giọng hát của chính tác giả Nguyễn Tuấn.

Trong đêm nhạc này, Nguyễn Tuấn sẽ giới thiệu một số ca khúc trong gia tài hơn 100 ca khúc ở các mảng Trào phúng – Xã hội và Trữ Tình. Đó là "Tiếng gáy thời gian", " Em là ai", "Chổi xuân", "Ông già mù", "Chiếc xe đòn", "Gái bán than"…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Tuấn: Từ nhạc sĩ tay ngang đến “Tiếng gáy thời gian”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.