(HNM) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Văn hóa cứu quốc (1/4/1943 - 1/4/2013), tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ trong một con ngõ ở cuối phố Hàm Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), để nghe chị Nguyễn Thị Nhã, con gái nhà văn Nguyên Hồng, kể về người cha yêu quý của mình.
Nhà văn Nguyên Hồng. |
Đến với Đề cương Văn hóa Việt Nam
Với chúng tôi, lớp hậu thế, nhà văn Nguyên Hồng hiện lên sừng sững với “Bỉ vỏ” và “Những ngày thơ ấu” - những tác phẩm đã sớm gieo vào tâm hồn non nớt, trong trắng của chúng tôi lòng thương cảm, xót xa lớp người dưới đáy xã hội. Năm 1937, mới 19 tuổi, tác phẩm “Bỉ vỏ” của ông đã được nhận giải thưởng của nhóm Tự lực văn đoàn. Năm 1938, “Những ngày thơ ấu” được giới thiệu trên báo Ngày nay. Đó cũng là thời kỳ báo chí công khai của Đảng, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tầng lớp văn nghệ sĩ có xu hướng tiến bộ, yêu nước. Nhà văn của xóm Cấm, Hải Phòng đã tìm đọc “Tuyên ngôn đảng cộng sản” của Karl Marx và Friedrich Engels, “Vấn đề dân cày” của Qua Ninh và Vân Đình, “Ngục Kon Tum” của Lê Văn Hiến, “Người mẹ” của Maxim Gorki rồi bí mật liên hệ với các đồng chí làm báo Thời thế (chi nhánh của báo ở đường Cát Dài, Hải Phòng) như Bùi Vũ Trụ, Vũ Thiện Chân và được phân công làm nhiệm vụ liên lạc với tiểu trí thức, viên chức, học sinh Hải Phòng. Ông tạm nghỉ viết truyện ngắn, xông pha đến khu mỏ Vàng Danh, nơi đang sôi sục cuộc bãi công của công nhân; vào Vinh chứng kiến công nhân Bến Thủy đấu tranh; lên Bắc Giang điều tra thực trạng đồn điền của thực dân Pháp. Thực tiễn đã cho ông thấy ý nghĩa mới mẻ của cuộc sống mới. Khoảng cuối xuân năm 1938, Nguyên Hồng lên Hà Nội, chuẩn bị tham dự mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1938 do Mặt trận Dân chủ Đông Dương tổ chức. Ông gặp Như Phong, đang làm biên tập cho báo Thời thế. Tình bạn tri kỷ sớm gắn bó hai ông. Trong căn gác của Như Phong ở 36 Đồng Xuân, họ cùng nhau đọc sách, viết báo, dạy nhau hát những bài ca dân chủ. Ngày 1-5-1938, Nguyên Hồng đi mít tinh trong đoàn nhà báo nhà văn. Có đủ cả Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Vũ Ngọc Phan, Thạch Lam. Nguyễn Công Hoan…
Từ Hải Phòng lên Hà Nội, Nguyên Hồng cùng anh em tòa soạn báo Thời thế “ăn cơm nhà, vác ngà… thế giới”. Ông kể lại trong hồi ký: “Ban đầu, tòa soạn ở phố Nhà thương khách, sau chuyển đến ngõ Phạm Phú Thứ, gần chợ Hàng Da. Báo ra hai kỳ một tháng nhưng vốn liếng không có lấy 10 đồng bạc... Đã có chuyến, tất cả tiền bán báo thu nhặt kỳ trước cộng với cả tiền riêng của anh em, đặc biệt là tiền cầm những quần áo quý giá nhất cho hiệu Vạn Bảo mà cũng chưa đủ chuộc báo về phát hành”. Cuối năm 1938, Nguyên Hồng tham gia chợ phiên do Đoàn Thanh niên Dân chủ tổ chức, bán tranh ảnh, sách báo chính trị để lấy tiền ủng hộ nhân dân Trung Quốc chống phát xít Nhật xâm lược. Không khí hoạt động sôi nổi ấy đã thổi vào trang văn của Nguyên Hồng luồng sinh khí mới. Ông viết một loạt truyện ngắn cho báo Thế giới và Ngày nay, trong đó, “Hàng cơm đêm”, “Nhà bố Nấu”, “Người đàn bà Tàu”, “Giọt máu”, “Buổi chiều xám”, “Những giọt sữa” phản ánh chuyển biến nhận thức chính trị và tình cảm nhân đạo sâu sắc của ông trong phong trào tranh đấu vì hòa bình, dân chủ, tự do. Đặc biệt, truyện “Những mầm sống” đăng trên số 1 báo Mới (1-5-1939), đã vang lên khát vọng sống tự do và cuộc cách mạng sẽ bùng lên từ lớp thợ thuyền lam lũ. “Bao nhiêu mầm sống nảy nở đã chín muồi sắp chồm dậy, sắp xé tung sự trùm lấn, đè ép để tự do thở hít ánh sáng và khí trời để tràn lên mênh mông”.
Cuối năm 1939, Nguyên Hồng bị bắt cùng Như Phong. Ông bị giam ở Hải Phòng, nhưng lại may mắn được gặp đồng chí Tô Hiệu, được “vỡ” thêm rất nhiều điều về cách mạng giải phóng dân tộc. Tình đồng chí trong tù, nhường nhau từng manh áo rét, từng viên thuốc… tối tối vẫn học tập và cùng hát vang bài ca “Cùng nhau đi hồng binh” đã làm cho Nguyên Hồng trưởng thành trong trường tranh đấu. Ngày chia tay Tô Hiệu, ông rưng rưng: “Tôi áp mặt vào gò má lạnh buốt của Tô Hiệu, day day má với nhau. Tôi đã thoáng nhìn cặp mắt của Tô Hiệu mà tôi càng nhận thấy thêm nồng nàn một tấm tình, càng thấy thêm vằng vặc một sức sống, một tinh thần”. Năm 1940, lên căng Bắc Mê, ông đi làm cỏ vê, gánh gạch, khiêng đá cùng với đồng chí Xuân Thủy. Do có ý thức rõ ràng “tôi phải bằng bất cứ cách nào, bất cứ giá nào viết thêm những dòng chữ, có thêm những tác phẩm… để góp một phần nhỏ bé chứng tỏ sự sống của một nền văn học nghệ thuật chân chính và cách mạng”, nên hai năm trong lao tù, ông đã viết được bản thảo “Xóm cháy” nhưng bị bọn cai ngục lấy mất, làm ông phải cặm cụi ghi chép lại. Đó là chất liệu sống quý giá để sau này ông viết thành công tác phẩm “Sóng gầm”.
Ra tù, ông bị quản thúc ở Hải Phòng. Cuối năm 1942, Như Phong mang đến cho ông chỉ thị mới: lên Hà Nội chuẩn bị thành lập tổ chức Văn hóa cứu quốc.
Thực hiện chỉ thị của đồng chí Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt, tháng 3 năm 1943, tại 11 Hàng Đường, cuộc họp đầu tiên của văn nghệ sĩ Hà Nội, có mặt các ông Học Phi, Ngô Lê Động, Vũ Quốc Uy, Như Phong đã quyết định thành lập tổ chức Văn hóa cứu quốc (VHCQ) của văn nghệ sĩ ở Hà Nội. Sau đó, ông Vũ Quốc Uy và Như Phong đã tuyên truyền và phát triển thêm hội viên mới như Nguyên Hồng và Tô Hoài… Mùa thu năm 1943, trên gác thượng nhà số 124 phố Blockhaus Nord (nay là phố Phó Đức Chính), Bí thư Ban Cán sự Đảng Hà Nội Lê Quang Đạo đã họp với các văn nghệ sĩ và phổ biến bản Đề cương văn hóa Việt Nam. Nhóm VHCQ của các văn nghệ sĩ hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Quang Đạo, quyết định ra một tờ báo. Nhưng trong tình hình báo chí bị siết chặt lúc đó, việc ra báo hết sức khó khăn. Cuối năm 1943, NXB Bách Việt đồng ý in bản thảo của nhóm. “Xóm giếng” của Tô Hoài, “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng ra đời làm cho anh em rất phấn khởi.
Không ra sách báo được thì Hội VHCQ xoay sang diễn kịch để mở rộng hoạt động, tuyên truyền văn hóa cách mạng và tập hợp đội ngũ. Nhờ những buổi biểu diễn ấy mà đội ngũ VHCQ thêm đông, từ tháng 3-1945, có thêm nhiều hội viên mới như Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Thép Mới, Trần Huyền Trân, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Văn Lợi, Nam Cao…
Vừa hoạt động VHCQ, Nguyên Hồng vừa phát hành bí mật các báo Cờ giải phóng, Giải phóng, Độc lập đến các cơ sở và vẫn hăng say viết. Có lúc ông lên nhà Tô Hoài ở tạm hoặc đến ở cùng Nguyễn Huy Tưởng ở phố Pescadore (nay là phố Phù Đổng Thiên Vương). Ông sáng tác “Hơi thở tàn”, “Miếng bánh”, “Một trưa nắng”… những truyện ngắn này đã có ánh sáng của tư tưởng Đề cương Văn hóa Việt Nam soi rọi. Tháng 7-1945, tại ngôi nhà ở quê của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (xã Dục Tú, Đông Anh), Nguyên Hồng cùng một số hội viên Hội VHCQ viết bài cho số đầu tiên tờ Tiên phong, cơ quan ngôn luận của Hội VHCQ (sau Tổng khởi nghĩa, báo mới ra mắt bạn đọc).
Đưa văn học phục vụ nhân dân
Cách mạng thành công, Nguyên Hồng rời Hà Nội về ở làng quê Bắc Ninh. Năm 1947, ông cùng một số gia đình văn nghệ sĩ như Kim Lân, Trần Văn Cẩn, Đỗ Nhuận, Tạ Thúc Bình về ở ấp Cầu Đen (nay là xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, Bắc Giang). Ngôi nhà của ông đã trở thành mái nhà ấm cúng cho anh chị em văn nghệ sĩ mỗi khi ghé thăm. Năm 1947, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập. Nguyên Hồng là một trong những người đầu tiên góp công xây dựng báo Văn nghệ và cùng với Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Ngô Tất Tố… tham gia Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ, đưa văn học nghệ thuật phục vụ cuộc kháng chiến. Năm 1948, ông trở thành đảng viên Đảng Lao động Việt Nam và tham gia thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Chiến dịch Biên giới đã cuốn văn nghệ sĩ ra mặt trận. Tấm lòng đa cảm, hồn hậu của Nguyên Hồng như mạch suối nguồn nuôi dưỡng những trang văn trong khói lửa kháng chiến. Năm 1952, Nguyên Hồng phụ trách Trường Văn nghệ nhân dân Trung ương, đào tạo nhiều văn nghệ sĩ trẻ với tất cả niềm say mê hiếm có và tấm lòng đôn hậu.
Năm 1957, Nguyên Hồng trở về chốn cũ Nhã Nam để dốc sức cho sáng tác văn học. Bộ sử thi hoành tráng bốn tập “Sóng gầm” (1961), “Thời kỳ đen tối” (1968), “Cơn bão đã đến” (1973), “Khi đứa con ra đời” (1976) lần lượt ra mắt bạn đọc, đánh dấu thành công mới của nhà văn. Trong bộ sử thi này. Nguyên Hồng đã sáng tạo ra những nhân vật như những con người bằng xương bằng thịt, hết sức sống động và thật đến nỗi ta như đang sống cùng họ, bởi lòng yêu con người ở ông thật tràn đầy, thật hiếm hoi trên cõi đời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.