(HNMCT) - Từng trực tiếp cầm súng ở chiến trường Lào trong những năm chiến tranh chống Mỹ, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã có nhiều bài thơ để tri ân đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc. Trong số những bài thơ gợi nhớ về một thời hào hùng đó, Màu hoa đỏ (được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc) gây ấn tượng mạnh hơn cả bởi bài thơ nói lên tâm sự của cả một thế hệ thanh niên gạt bỏ tình riêng lên đường cứu nước.
1. Trong căn gác 2 của khu nhà tập thể ở “phố nhà binh” Lý Nam Đế (Hà Nội), nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã kể cho tôi nghe những câu chuyện về đời lính gian khổ, khó khăn nhưng cũng rất đỗi vinh quang, tự hào mà ông cùng đồng đội đã trải qua cách đây nửa thế kỷ. Tất nhiên, trong cuộc trò chuyện giữa chúng tôi - một người từng đi qua cuộc chiến và một người sinh ra, lớn lên trong hòa bình - còn là những sẻ chia về sự hy sinh của những người lính "mùa xuân ấy ra đi từ đó không về".
Trải qua nhiều cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm kéo dài trong lịch sử nên đề tài chiến tranh, thương binh - liệt sĩ luôn chiếm một phần không nhỏ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Những trang viết về sự hy sinh của người lính, của những người mẹ, người vợ bao giờ cũng đem đến cho người đọc niềm xúc động thiêng liêng và lòng biết ơn sâu sắc. Trong đó, Màu hoa đỏ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu được đánh giá là bài thơ đã chạm được vào trái tim người nghe, khiến bất cứ ai cũng không khỏi bồi hồi, xao xuyến.
Bốn câu thơ đầu là những dòng tự sự với những điệp ngữ “có người lính” và điệp từ “ra đi” đã khắc sâu ấn tượng cho người đọc. Những câu thơ tiếp theo rộng mở về thời gian, không gian và đối tượng phản ánh: "tên anh", "đá núi", "mây ngàn", "cây cỏ", "sương núi", "núi cao", "tình mẹ"... Cái hay của tứ thơ là sự chuyển hóa, hòa quyện của mây ngàn hóa bóng mẹ và mẹ hóa thành sông núi trong câu "Mây ngàn hóa bóng cây che" và "Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con". Còn người con - người lính mà linh hồn đã hóa thành màu hoa đỏ rực cháy trong thời gian, không gian linh thiêng và bất tử.
Bài thơ đậm chất bi tráng, có sức khái quát cao và sự lay động rộng rãi từ nguyên mẫu là những bông hoa chuối rừng đến màu hoa đỏ của hy sinh, chiến thắng và bất tử; từ một bóng mây ngàn, một dáng núi đến giang sơn Tổ quốc; từ một người chiến sĩ, một người mẹ đến hàng triệu người con ưu tú đất Việt.
Bài thơ mang nhiều ý nghĩa sâu sắc nhưng để phổ biến rộng rãi như hiện nay có lẽ là nhờ vào “đôi cánh âm nhạc” mà người nhạc sĩ mặc áo lính Thuận Yến đã khéo léo chắp vào khuông nhạc của mình. Nhắc đến ca khúc này, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu kể, hồi ấy nhà nhạc sĩ Thuận Yến cũng ở gần trụ sở Tạp chí Văn nghệ quân đội nên thỉnh thoảng hai người qua lại “ôn cố tri tân”. “Hôm đó, hai anh em ngồi ôn lại những kỷ niệm chiến trường, nhớ về những anh em kẻ còn người đã khuất và tiếc rằng vẫn chưa tìm thấy hài cốt những đồng đội chính tay mình chôn cất. Nhạc sĩ Thuận Yến đã chủ động bàn bạc và đề nghị tôi tìm tứ thơ, còn anh sẽ đảm nhiệm phần phổ nhạc như để trả nợ về tinh thần” - nhà thơ Nguyễn Đức Mậu nhớ lại.
Thêm một điều đặc biệt là khi bài thơ này ra đời (năm 1990), ban đầu nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đặt tên là Thời hoa đỏ, nhưng khi phổ nhạc (năm 1991), nhạc sĩ Thuận Yến đã bàn với ông đổi thành Màu hoa đỏ. Bởi vào những năm tháng đó, suốt dọc đường hành quân chỉ gặp màu rực đỏ của hoa chuối rừng, nó gợi lên không khí hào hùng, chiến thắng, tác động không ít đến tinh thần chiến sĩ. Hơn nữa, trước đó đã có bài hát Thời hoa đỏ cũng rất nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng, phổ nhạc bài thơ cùng tên của nhà thơ Thanh Tùng.
Nói về bài thơ và bài hát Màu hoa đỏ, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu rất tâm đắc với phần thể hiện của NSƯT Thanh Lam. “Là “con gái rượu” của nhạc sĩ Thuận Yến, vì thế không ít lần Thanh Lam được nghe cha mình hát và cắt nghĩa tỉ mỉ, chi tiết về nội dung, hàm ý muốn chuyển tải. Với lợi thế ấy cùng tài năng của mình, Thanh Lam đã hát Màu hoa đỏ bằng một chất giọng căng đầy năng lượng khiến người nghe sởn gai ốc”, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu chia sẻ.
2. Một sáng tác khác về đề tài thương binh - liệt sĩ của Nguyễn Đức Mậu cũng rất nổi tiếng là Nấm mộ và cây trầm. Nếu như Màu hoa đỏ được sáng tác khi ông đã trở thành một cây bút trong làng văn học nghệ thuật, nó có độ lùi thời gian và ít nhiều tác giả đã có những trải nghiệm trong cuộc đời thì Nấm mộ và cây trầm lại ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh khi Nguyễn Đức Mậu mới chỉ 22 tuổi. Đó là một bài thơ dài, gồm 3 phần Tưởng nhớ, Hy sinh, Ra đi.
Nguyễn Đức Mậu kể, năm 1969 trung đoàn ông nhận nhiệm vụ chiến đấu ở khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Đông Bắc Lào). Mới vào "thử lửa" được mấy tháng, quân số đã bị thương vong khá nhiều, phần vì sốt rét, vì bom mìn hay vì trực tiếp quần nhau với giặc. Nguyễn Đức Mậu có người bạn thân hy sinh trong trận đánh đồi Mâm Xôi, cạnh thị xã Xiêng Khoảng. Ông nhớ đó là một đêm mùa đông, ở nghĩa trang biên giới, máy bay Mỹ thả đèn dù, ném bom. Ánh sáng đèn dù treo lơ lửng, lúc nhập nhoạng lúc bùng lên trên các lùm cây, ngọn đồi. Những cây thông bị cháy chĩa thẳng lên trời như những nén nhang lớn. Dưới ánh sáng đèn dù, dưới tàn lửa của những cây thông, ông cùng các chiến sĩ trong tổ vận tải tranh thủ đào huyệt, khâm liệm và chôn xác đồng đội. Từ khung cảnh đầy chất bi tráng đó, ông đã nảy ra cái tứ để viết bài thơ Nấm mộ và cây trầm.
Trong bài thơ, cây thông ở nghĩa trang biên giới được thay thế bằng hình tượng cây trầm, một loài cây quý, thay cho nén nhang thắp lên mộ người bạn. “Phải nói rằng hồi đó tôi chưa phải là người viết có tay nghề, hay nói đúng hơn tôi còn chập chững những bước đi ban đầu trong sáng tác, nhưng có lẽ thành công là do tứ bài thơ vững, do cảm xúc mạnh đã tạo đà cho cách diễn đạt liền mạch. Bài thơ được viết nhanh, câu nọ nối câu kia, đoạn này nối đoạn khác. Từ một trường hợp hy sinh của bạn mình, tôi có được những đoạn thơ khái quát về sự hy sinh lớn lao của người chiến sĩ”, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu kể.
3. Từ thời điểm bài thơ Nấm mộ và cây trầm ra đời đến nay đã tròn 50 năm, nhưng theo Nguyễn Đức Mậu thì nó thường gợi lại cho ông kỷ niệm nhức nhối khó quên với người đồng đội đã hy sinh trên chiến trường đất bạn. Nhắc đến bài thơ này, ông lại rưng rưng nhớ về câu chuyện cách đây gần 30 năm, trong một chuyến công tác tại Hải Phòng, nhà thơ Thanh Tùng dẫn ông đến thăm nhà một người công nhân cao tuổi, có con trai tên là Hùng hy sinh ở mặt trận. Điều xúc động là người cha ấy còn lưu giữ bài thơ Nấm mộ và cây trầm và thuộc lòng nó mặc dù biết nhân vật trong bài thơ không phải con trai mình.
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu bảo, bài thơ Nấm mộ và cây trầm còn gợi cho ông những suy nghĩ mông lung về nghiệp làm thơ. Cách đây nửa thế kỷ ông mới bước vào nghề, ở độ tuổi trẻ trung sôi nổi, làm thơ để bày tỏ những buồn vui, cảm xúc của riêng mình. Còn bây giờ, bút lực của ông có vững hơn, mọi suy nghĩ về lẽ đời thấu đáo hơn nhưng nếu cằn cỗi, thiếu cảm xúc, đa ngôn tự huyễn hoặc mình thì ông sẽ sa vào ngõ cụt của sự bế tắc. Có lẽ vì suy nghĩ như vậy mà năm nay đã bước sang tuổi 71 nhưng ông vẫn là người “gác cổng” tận tụy, tâm huyết cho hai ấn phẩm của Hội Nhà văn Việt Nam là Báo Văn nghệ và Tạp chí Thơ. Dường như với Nguyễn Đức Mậu thì chỉ có công việc đọc, biên tập thơ của các tác giả gửi về tòa soạn mới là cách để ông chạy đua với sự lão hóa của bộ óc và nuôi dưỡng được những cảm xúc sáng tác trong ông.
Đại tá - nhà thơ Nguyễn Đức Mậu sinh năm 1948 tại xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ông từng là Trưởng ban Thơ của tạp chí Văn nghệ quân đội và hiện là Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều tập thơ, trường ca, tiểu thuyết, truyện ngắn và phê bình. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2001) cho tập Trường ca Sư đoàn và hai tập thơ Cây xanh đất lửa, Cánh rừng nhiều đom đóm bay; Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2001 cùng nhiều giải thưởng cao quý khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.