(HNM) - Theo quy định, sau khi hết hạn khai thác khoáng sản, doanh nghiệp phải tiến hành cải tạo đất, phục hồi môi trường. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Quốc Oai, hàng loạt mỏ đá đã hết hạn khai thác nhưng doanh nghiệp không hoàn thổ, khôi phục lại mặt bằng, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các hộ dân sinh sống xung quanh.
Mấy năm nay, người dân xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) luôn thấp thỏm lo âu về nguy cơ sạt lở đất, đá và vỡ hồ chứa nước do các mỏ đá chưa hoàn trả mặt bằng. Ông Bạch Công Lưu ở xã Phú Mãn cho biết: “Những mỏ đá đã ngừng hoạt động nhiều năm nhưng mỗi lần đi qua khu vực này, tôi vẫn sợ. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, đất, đá trên núi có thể bất ngờ lăn xuống. Những khu vực này từng bị sạt lở, hoa màu bị vùi lấp”.
Theo thống kê, huyện Quốc Oai có 7 mỏ đá, trong đó 5 mỏ đá đã ngừng hoạt động. Các đơn vị khai thác là: Công ty cổ phần Đầu tư khai thác khoáng sản Sotraco, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng khai thác mỏ Thuận Phát, Công ty cổ phần Cơ giới lắp máy và xây dựng, Công ty cổ phần Vimeco (tại xã Phú Mãn) và mỏ đá của Công ty TNHH Bình Minh (tại xã Đông Xuân).
Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai Đào Thị Quỳnh cho biết, các mỏ đá này đều hết giấy phép khai thác từ năm 2019 nhưng đến nay chưa đơn vị nào thực hiện nghĩa vụ hoàn trả môi trường như cam kết. Nguy hiểm nhất là mỏ đá tại thôn Đồng Vỡ, xã Phú Mãn do Công ty cổ phần Vimeco khai thác để lại một hồ nước rộng 5.000m2, sâu 40-45m, tạo thành "túi nước khổng lồ" treo lưng chừng núi, đe dọa nghiêm trọng tính mạng người dân.
“Khi còn hoạt động, các doanh nghiệp đều hứa thực hiện nghiêm theo hợp đồng và không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, vậy mà đến nay lại buông trách nhiệm. Để bảo đảm an toàn, tạm thời chúng tôi phải quây hàng rào thép gai và cắm biển cảnh báo nguy hiểm”, Chủ tịch UBND xã Phú Mãn Đinh Ngọc Sơn nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, pháp luật quy định chủ các mỏ đá phải hoàn thổ và phục hồi môi trường khi hết hạn hợp đồng khai thác khoáng sản. Việc hoàn trả do đơn vị giám sát độc lập, đánh giá nghiệm thu, đạt yêu cầu mới được rút đi. Tuy nhiên, UBND huyện đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện nghĩa vụ đối với địa phương nhưng đều không có hồi âm. Huyện đã báo cáo UBND thành phố có chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp này.
Về vấn đề này, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam, ngày 17-3-2021, Sở đã có Công văn số 1713/STNMT-KS gửi Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng khai thác mỏ Thuận Phát và ngày 22-4-2021 có Công văn số 2788/STNMT-KS gửi Công ty cổ phần Vimeco yêu cầu khẩn trương chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định tại Khoản 2, Điều 55 và Khoản 3, Khoản 4, Điều 58 Luật Khoáng sản; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp lập đề án đóng cửa mỏ, gửi hồ sơ về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30-6-2021 để thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt. Sau ngày 30-6-2021, nếu các đơn vị chưa thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ giao Thanh tra xử lý vi phạm theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4, Điều 49, Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24-3-2020 của Chính phủ.
Hy vọng với sự vào cuộc của Sở Tài nguyên và Môi trường, các khu vực khai thác đá trên địa bàn huyện Quốc Oai sớm được xử lý dứt điểm để bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất của người dân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.