Kinh tế

Đề xuất thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo năm

Đình Hiệp 05/11/2024 - 18:32

Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản đã quy định theo hướng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.

toan-canh(1).jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 5-11. Ảnh: Quochoi.vn

Tăng trách nhiệm của tổ chức khai thác khoáng sản

Chiều 5-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Trước khi thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

quang-huy.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo. Ảnh: quochoi.vn

Về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác (Điều 8), ông Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản hằng năm hỗ trợ chi phí đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường nhằm tăng cường hơn trách nhiệm của tổ chức khai thác khoáng sản.

Đối với nội dung này, có hai loại ý kiến khác nhau. Trong đó, ý kiến thứ nhất cho rằng, cần bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 8 theo phương án 1 như dự thảo Luật (Chính phủ đề nghị bổ sung). Phương án này tạo căn cứ pháp lý để bắt buộc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện trách nhiệm hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Tuy nhiên, quy định này chuyển từ trách nhiệm hỗ trợ với mức hỗ trợ mang tính chất tự nguyện của Luật Khoáng sản hiện hành thành trách nhiệm hỗ trợ mang tính bắt buộc là chính sách mới chưa có đánh giá tác động; không quy định nguyên tắc về mức thu dễ dẫn đến tùy tiện trong áp dụng.

Việc cho phép “phần kinh phí hỗ trợ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được hạch toán vào chi phí sản xuất” dẫn đến chưa thống nhất với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trái với nguyên tắc chi phí được tính trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

dai-bieu-2.jpg
Các đại biểu dự phiên thảo thảo luận tại hội trường chiều 5-11. Ảnh: quochoi.vn

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần giữ như quy định của Luật Khoáng sản hiện hành theo phương án 2 tại khoản 3 Điều 8 dự thảo Luật. Phương án này không phát sinh chính sách mới; bảo đảm bản chất của việc hỗ trợ kinh phí (cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện trách nhiệm hỗ trợ nhưng tự nguyện về mức hỗ trợ).

Tuy nhiên, theo phương án này dễ dẫn đến việc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản tùy ý trong việc thực hiện trách nhiệm hỗ trợ (không bắt buộc). Hiện nay, có ít địa phương triển khai chính sách này và có khác nhau trong việc quy định trách nhiệm (bắt buộc hay tự nguyện) của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. “Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ nội dung này”, ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.

Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 101), ông Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến cho rằng, quy định về tiền cấp quyền là không khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn; một số ý kiến đề nghị bỏ nội dung thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đồng thời xem xét tăng mức thu thuế tài nguyên khoáng sản; làm rõ sự khác nhau giữa tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên, có giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, qua 13 năm thực hiện, chính sách “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” đã góp phần hạn chế đầu cơ, giữ mỏ để chuyển nhượng, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, đồng thời cũng là một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

dai-bieu-1.jpg
Các đại biểu dự phiên thảo luận tại hội trường chiều 5-11. Ảnh: quochoi.vn

Để giải quyết những hạn chế, vướng mắc hiện nay, dự thảo Luật đã quy định theo hướng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.

Với quy định nêu trên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ không bị ảnh hưởng bởi trữ lượng địa chất, trữ lượng không được khai thác, không thể khai thác hết; hoặc vì lý do khách quan chưa thể đưa mỏ vào khai thác.

nguyen-huu-thong.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Vừa xin được cấp phép lại chuẩn bị xin cấp phép gia hạn

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo và phần tiếp thu giải trình của các đơn vị liên quan. Đại biểu quan tâm đến vấn đề thực hiện dự án đầu tư, công trình tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (điểm b khoản 1, Điều 35), quy định tất cả dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia, có thời gian hoạt động lâu dài, còn lại phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép mới được triển khai.

Theo đại biểu, trên thực tế có nhiều công trình nhỏ như điện, đường, trường, trạm… phải thực hiện ngay nhưng vẫn phải chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ mới được triển khai. “Điều này sẽ rất khó khăn và kéo dài thời gian chờ đợi không cần thiết, đặc biệt đối với các địa phương có nhiều khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Nếu thực hiện theo dự thảo thì sẽ phát sinh nhiều bất cập trong thực tiễn nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần sửa đổi để phù hợp, theo hướng chỉ cần quy định đối với những công trình, dự án mang tầm quốc gia”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị.

dieu-huynh-sang.jpg
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 101), đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) cho rằng, ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các loại khoáng sản sử dụng tại khu vực hoạt động khoáng sản. Bởi khi sử dụng khoáng sản để xây dựng các công trình nội bộ trong giai đoạn xây dựng cơ bản, giai đoạn khai thác và cải tạo phục hồi môi trường thì khối lượng khoáng sản vẫn nằm tại dự án, doanh nghiệp chưa tiêu thụ ra bên ngoài nên chưa phải nộp tiền khai thác.

do-thi-lan.jpg
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh), quy định về thời hạn khai thác và thời gian gia hạn khai thác khoáng sản là chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương và chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng như chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.

Luật Đầu tư quy định, các dự án trong khu vực công nghiệp khai thác không quá 70 năm và ngoài khu vực công nghiệp thì không quá 50 năm. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ bản của dự án cũng đã mất từ 8-10 năm. Trên thực tế, nhiều dự án khai thác than đã và đang thực hiện, thời gian cả đời của dự án trên 40 năm, nhiều dự án 43-45 năm, bao gồm cả thời gian để cấp phép và thời gian gia hạn.

“Mỗi lần gia hạn chỉ được 2-3 năm. Như vậy lại vừa làm, vừa chuẩn bị để xin giấy phép gia hạn. Đề nghị gia hạn thời gian khai thác nhiều lần rất bất cập”, đại biểu Đỗ Thị Lan nêu ý kiến.

Đại biểu Đoàn Quảng Ninh kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu quy định thời gian cấp phép khai thác, khai thác khoáng sản, trữ lượng khoáng sản và căn cứ trên trữ lượng khoáng sản, điều kiện địa chất của khoáng sản, dự án và điều chỉnh quy định về thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm.

bo-truong.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Trong đó có các ý kiến thảo luận về chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản; quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác; trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản; điều chỉnh quy hoạch khoáng sản; số lượng giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp cho một tổ chức; quản lý khoáng sản nhóm IV; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.