Kinh tế

Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp

Mai Hữu 12/08/2024 - 10:35

Sáng 12-8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Đề xuất giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cùng cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiến hành rà soát 46 luật có liên quan. Kết quả rà soát cho thấy không có sự chồng chéo về phạm vi quản lý và không ảnh hưởng đến việc quy hoạch, hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến khoáng sản.

“Theo kết quả rà soát về mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật theo nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội, có 4 nội dung trong Luật Khoáng sản năm 2010. Dự thảo Luật đã được chỉnh lý các quy định đã tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến 4 nội dung theo yêu cầu”, ông Lê Quang Huy nói.

Về phân loại khoáng sản, dự thảo Luật quy định Chính phủ sẽ xây dựng danh mục khoáng sản nhóm I, II, III trong Nghị định hướng dẫn chi tiết để có cơ sở thực hiện. Về ý kiến liên quan đến khoáng sản làm vật liệu san lấp, dự thảo Luật đã quy định là khoáng sản nhóm IV và được thực hiện theo thủ tục hành chính đơn giản.

Bên cạnh đó, theo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều được dự thảo Luật giao có kèm theo danh mục khoáng sản theo từng nhóm và sẽ rà soát, bổ sung đất hiếm thuộc khoáng sản nhóm I và các khoáng sản nhóm III sẽ được nêu cụ thể trong danh mục này. Do vậy sẽ bảo đảm không có sự lẫn lộn giữa các nhóm khoáng sản, không có khoảng trống pháp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo. Ảnh: media.quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo. Ảnh: media.quochoi.vn

Đa số thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng tình với phương án giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản (giữ như quy định của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch hiện hành). Theo đó, các nội dung quy hoạch về diện tích, quy mô thăm dò, khai thác, chế biến sẽ được bộ chuyên ngành rà soát, điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp luyện kim, vật liệu xây dựng; hạn chế tình trạng khép kín trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, đa số thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đồng tình với phương án dự thảo Luật đã quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch và các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch theo hình thức rút gọn và theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Dự thảo Luật đã quy định khoáng sản nhóm IV bao gồm: Các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất, sét có tên gọi khác chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải mỏ. Đây là những khoáng sản có công nghệ khai thác đơn giản, nhu cầu sử dụng có tính thời điểm, đặc biệt là phục vụ những công trình, dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp. Do đó, cần có quy trình cho phép khai thác đơn giản, rút gọn thông qua thủ tục đăng ký.

ubtvqh5.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Cần kiểm soát chặt chẽ hơn

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề nghị dự thảo Luật cần rà soát bảo đảm hệ thống pháp luật, bảo đảm công tác tổ chức thực hiện không xảy ra vướng mắc.

Về phân loại khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định, quy định này phù hợp theo mục đích, công năng sử dụng. Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng cần bổ sung tiêu chí về giá trị sử dụng để phân loại một số khoáng sản đặc thù.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, cần giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản. Phương án này sẽ tiếp tục duy trì phân công trách nhiệm các bộ lập các quy hoạch khoáng sản như thực tế hiện nay, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương theo phân công của Chính phủ và hạn chế xáo trộn chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn tại địa phương.

ubtvqh6.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, quy định về đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV là nội dung mới về cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục hành chính so với quy định pháp luật hiện hành về khoáng sản trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án, công trình giao thông, xây dựng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu thực hiện không tốt có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng, lợi dụng “dùng cho công trình quốc gia thì ít mà bán ra ngoài thì nhiều”, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, môi trường. “Cần kiểm soát hoạt động khai thác chặt chẽ hơn, tuân thủ quy hoạch và phải có thời hạn phù hợp với quy mô của mỏ khoáng sản đã thăm dò; kiểm soát khối lượng, sản lượng khai thác và sử dụng khoáng sản”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan bám sát, cập nhật toàn bộ tinh thần, chỉ đạo của Bộ Chính trị được nêu trong Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 10-2-2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong quá trình xây dựng Luật Địa chất và khoáng sản.

Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá kỹ tác động chính sách nếu thay đổi đầu mối tổ chức quy hoạch. Với điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, các bộ, ngành cần có ý kiến chuyên môn về khả năng quy định riêng đối với lĩnh vực khoáng sản như trong dự thảo Luật hay sẽ thảo luận khi sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.