(HNM) - Chỉ cần gõ cụm từ “vay online”, “vay nhanh” trên các kho ứng dụng di động hoặc các công cụ tìm kiếm web, người tìm sẽ thấy xuất hiện nhan nhản các ứng dụng cho vay tiền siêu nhanh, với những lời hấp dẫn như vay tiền không cần thế chấp, vay tiền không cần gặp mặt. Tuy nhiên, nhiều người đã lâm vào vòng nợ nần, tán gia bại sản khi vướng vào tín dụng đen online.
Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua xác minh một số vụ tố giác vay nợ qua mạng, đã phát hiện những địa chỉ công ty quảng cáo cho vay trên mạng (online) là những địa chỉ "ma". Phương thức chung của hoạt động cho vay qua mạng là giao dịch ngầm. Khi người vay chậm trả nợ hoặc mất khả năng thanh toán, các "ông chủ" sẽ đòi nợ thông qua lực lượng đòi nợ thuê. Từ đó, phát sinh các hành vi trái luật như đe dọa, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người...
Chị Ngọc T. 21 tuổi ở quận 2 thành phố Hồ Chí Minh là một trong những nạn nhân điển hình của tín dụng đen online. Tháng 3-2019, vì cần tiền gấp, chị làm thủ tục vay 4,9 triệu đồng qua ứng dụng IDong.
Chỉ sau vài phút khai báo, gửi ảnh, chấp nhận những yêu cầu ứng dụng đưa ra, chị đã nhận được 4,2 triệu đồng. Số tiền 700.000 đồng còn lại được giải thích là trừ trước một phần tiền phí vay và lãi suất, thời hạn trả trong 13 ngày.
Đến hạn, chị T. không đủ tiền trả, ứng dụng tự động nâng lãi suất và liên tục nhắn tin đòi nợ. Đến tháng 6-2019, số tiền cả gốc, lãi, phạt trả chậm... đã lên đến gần 10 triệu đồng. Tin nhắn bêu riếu chị T. được bên điều hành ứng dụng gửi cho tất cả số điện thoại có trong danh bạ. Ảnh chị T. bị đưa lên mạng xã hội để gây áp lực đòi nợ.
Cũng là nạn nhân như chị T. nhưng chị Tuyết M. 24 tuổi tại Tiền Giang đã không thể chịu đựng được sức ép đòi nợ. Từ số tiền vay ban đầu 8 triệu đồng, không đủ khả năng trả, chị đã phải vay mới trả nợ cũ. Cuối cùng, khoản nợ của chị lên đến 200 triệu đồng. Cùng quẫn, chị M. đã tự tử, may được người nhà phát hiện kịp thời, cứu sống.
Nói về vấn đề này, Thượng tá Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an cho biết, các ứng dụng cho vay thường bắt người vay cho phép hệ thống truy cập danh bạ, kho ảnh trên điện thoại di động. Khi người vay không thể trả những khoản nợ lãi suất "cắt cổ", các chủ nợ online sẽ tìm mọi cách để gây sức ép...
Thông tin từ Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an cho thấy, những ứng dụng cho vay online đang có biểu hiện biến tướng của các hình thức tín dụng đen, đa cấp tài chính. Đặc biệt, mặc dù lãi suất các công ty đưa ra đều khoảng 20% để không vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhưng phí cho mỗi khoản vay rất cao. Nếu cộng cả lãi và phí thì có thể lên tới 30-60%/tháng, tương đương khoảng 360% đến 720%/năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành Công an đang tích cực phối hợp các đơn vị triển khai các nhóm giải pháp xử lý ngay khi phát sinh giao dịch tín dụng đen qua ứng dụng di động, không chờ đến lúc có các hành vi phạm tội khác.
Mới đây, Công an quận 2, thành phố Hồ Chí Minh vừa triệt phá thành công đường dây cho vay qua ứng dụng trên mạng, dưới hình thức tín dụng đen. Cơ quan công an đã bắt giữ 6 người Trung Quốc và 3 người Việt Nam.
Nhóm đối tượng này điều hành nhiều ứng dụng cho vay tiền nhanh qua điện thoại di động. Khách vay tiền phải chịu phí dịch vụ là 24% trên tổng số tiền vay, thời hạn vay là 6 ngày, lãi suất 4%/ngày. Nếu người vay chậm trả, phía công ty sẽ cho lực lượng đòi nợ làm đủ trò, như đe dọa, khủng bố, nói xấu trên mạng xã hội.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân khi phát hiện các vụ việc, băng nhóm nghi vấn liên quan hoạt động tín dụng đen, cần báo cơ quan chức năng. Tuyệt đối không nên vay tiền theo thông tin quảng cáo của các đối tượng, tổ chức không rõ danh tính, địa chỉ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.