Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ nợ xấu tăng trở lại

Hà Linh| 04/12/2021 06:25

(HNM) - Hiện nợ xấu ngân hàng có nguy cơ tăng trở lại, với tỷ lệ 1,9%, gần bằng với tỷ lệ nợ xấu của năm 2017. Nếu không sớm xử lý, thành quả của 5 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có thể bị đe dọa. Vì vậy, các ngân hàng đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm các hệ số an toàn khi cho vay. Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề xuất Quốc hội sớm luật hóa quy định xử lý nợ xấu.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: Nguyễn Quang

Tỷ lệ nợ xấu lên tới 1,9%

Ông Lê Trung Kiên, cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, giai đoạn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng 2016-2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng đã giảm từ 1,99% vào cuối năm 2017 xuống 1,9% năm 2018 và 1,63% năm 2019. Tuy nhiên, con số nợ xấu này tăng trở lại lên 1,69% vào cuối năm 2020 và lên 1,9% theo số liệu mới nhất năm 2021, cho thấy tác động lớn của đại dịch Covid-19.

Theo đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nợ xấu tăng mạnh, làm chậm tiến độ xử lý và giảm hiệu quả thu hồi nợ. Bên cạnh đó, quy định pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, thị trường mua, bán nợ vận hành chưa hiệu quả. Tính đến nay, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ ngày 15-8-2017) là 424,1 nghìn tỷ đồng, đã xử lý được 364,1 nghìn tỷ đồng.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho hay, nhờ các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng thời gian qua đã được xử lý nhanh, góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, một số quy định như quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, thay đổi đăng ký giao dịch bảo đảm khi mua, bán nợ xấu... còn vướng mắc.

"Nợ xấu là vấn đề luôn hiện hữu với ngành Ngân hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đến nợ xấu tăng đột biến mà bản thân các tổ chức tín dụng không thể tự xử lý, cần phải có cơ chế đặc thù của Nhà nước", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Ứng phó hiệu quả

Để ứng phó hiệu quả, về dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là cần thiết. Theo đại diện các ngân hàng, việc luật hóa quy định giúp các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu hiệu quả, thực chất, bền vững; các nhà đầu tư an tâm hơn khi mua, bán các khoản nợ xấu/tài sản bảo đảm.

Đại diện Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 chỉ có hiệu lực 5 năm (đến ngày 15-8-2022). Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu đang được thực hiện sẽ chấm dứt, tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Vì vậy, VAMC, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội về việc hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nhằm tiếp tục duy trì các chính sách tại Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Thực tế có 3 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vì vậy, trước mắt việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh cũng là cách các ngân hàng giảm nợ xấu phát sinh. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các ngân hàng phải tiếp tục xem xét cho vay mới trên nền tảng nợ đã được cơ cấu mà bản chất là nợ xấu. Do đó, việc xem xét cho vay phải đặt bên cạnh yêu cầu an toàn. Việc luật hóa quy định xử lý nợ xấu trên cơ sở Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ giải quyết được vướng mắc lâu nay trong việc xử lý nợ khi người vay cố tình chây ỳ. Xử lý thu hồi nợ xấu hiệu quả sẽ giúp các ngân hàng tiết kiệm nguồn lực và chi phí, cũng là điều kiện để giảm thêm lãi suất cho vay với doanh nghiệp và người dân.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, áp lực lạm phát và áp lực điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới là rất lớn. Đối với thị trường trong nước, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Thời gian qua, các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực tài chính của mình. Khi nợ xấu gia tăng, các tổ chức tín dụng phải dùng nguồn lực tài chính của mình để xử lý. Do vậy, nếu để tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng bị suy giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả và an toàn của hệ thống. Về điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất song vẫn phải bảo đảm tỷ lệ an toàn của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống nhằm tránh những tác động lan truyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ nợ xấu tăng trở lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.