Trên thị trường tiền tệ tuần qua (từ ngày 31-3 đến hết ngày 4-4), tỷ giá trung tâm tăng mạnh, lên 24.886 VND/USD, thiết lập mức cao nhất từ trước đến nay, khiến tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng tăng cao.
Cụ thể, phiên giao dịch đóng cửa tuần, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước tăng 32 VND/USD so với phiên trước đó, lên 24.886 VND/USD. Nếu so với tuần trước, tỷ giá trung tâm tăng 43 đồng, cao hơn mức tăng 30 đồng tuần trước.
Với biên độ 5%, các ngân hàng thương mại có thể giao dịch trong khoảng 23.642 - 26.130 VND/USD. Tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá tham khảo được điều chỉnh tăng 30 đồng chiều mua và 34 đồng chiều bán, ở mức 23.692 - 26.080 VND/USD.
Song, đóng cửa tuần, các ngân hàng thương mại lại niêm yết tỷ giá giảm nhẹ so với phiên trước đó, phổ biến ở mức 25.570 VND/USD (mua vào) - 25.960 VND/USD (bán ra), giảm 20 VND/USD.
Tính chung tuần qua, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD tăng khoảng 200 đồng chiều bán ra, trong khi tuần trước giữ nguyên. Đáng chú ý, ngày 3-4, các ngân hàng tăng mạnh giá USD bán ra, lên tới 160 VND/USD sau khi Mỹ công bố biểu thuế đối ứng với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong khi đó, trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND biến động ít hơn so với ngân hàng thương mại, song chiều bán ra vẫn tăng 76 VND/USD, đảo chiều so với diễn biến của tuần trước đó (giảm 10 đồng). Đóng cửa tuần, tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do ở mức 25.936 VND/USD (mua vào) - 26.036 VND/USD (bán ra), tăng 66 VND/USD.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY, đo lường giá trị của đồng USD so với rổ 6 loại tiền tệ chính trên thế giới, vẫn ở mức thấp trong vòng 6 tháng qua, hiện khoảng 102,03 điểm, giảm mạnh 9,4% so với đầu năm. Đồng USD bị bán tháo khi giới đầu tư rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.
Theo các chuyên gia, chính sách duy trì mặt bằng lãi suất thấp hiện nay đang đặt ra thách thức lớn đối với mục tiêu ổn định tỷ giá. Hai mục tiêu này về bản chất có xu hướng xung đột, nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng GDP lên mức 8%, thậm chí 10% trong thời gian tới, việc hạ lãi suất là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất thấp lại làm gia tăng áp lực lên tỷ giá, đặc biệt trong bối cảnh chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục bị thu hẹp.
Ngược lại, để ổn định hoặc kéo giảm tỷ giá, Việt Nam buộc phải nâng lãi suất, điều này lại đi ngược với nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá, đang đặt các nhà hoạch định chính sách trước một bài toán nhiều ràng buộc và không dễ dung hòa trong ngắn hạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.