(HNM) - 11 tháng qua, cả nước tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Đây là một điểm sáng của nền kinh tế nước ta trong một năm có nhiều diễn biến bất lợi cũng như những thách thức gây hệ lụy đối với hoạt động
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử xuất khẩu tại Công ty Samsung Việt Nam. Ảnh: Bảo Lâm |
Vốn đăng ký mới tăng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam đã thu hút 1.175 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 13,779 tỷ USD, tăng 73,3% so với cùng kỳ năm 2012 và 446 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,036 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 20,815 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm 2012. Kết quả này gần gấp đôi chỉ tiêu đưa ra từ đầu năm, vượt xa dự báo của các cơ quan chức năng và giới quan sát quốc tế.
Nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm nhất, với 557 dự án đăng ký mới, thông qua tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 16,078 tỷ USD, chiếm 77,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,031 tỷ USD, chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bất động sản với 20 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 884 triệu USD. Giới đầu tư quốc tế, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia vẫn đang kỳ vọng ở tương lai khả quan khi đầu tư ở Việt Nam, chủ yếu là đối tác Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc cũng như các nước ASEAN. Gần đây, một số tập đoàn đã khảo sát thực tế, tìm hiểu khả năng đầu tư xây dựng khu kinh tế mở Vân Đồn (Quảng Ninh), với số vốn khoảng 7 tỷ USD.
Kết quả xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu thô) trong 11 tháng qua đạt hơn 81 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Như vậy, mức xuất khẩu của khối DN này vẫn chiếm gần 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nói chung, trở thành nguồn cung cấp ngoại tệ cũng như khẳng định vị thế của hàng hóa "Made in Vietnam" trên thị trường thế giới. Nhờ xuất khẩu đạt mức cao nên khu vực ĐTNN đã xuất siêu 12,218 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 96 triệu USD.
Thúc đẩy giải ngân, tăng cường quản lý
Về vốn thực hiện, các dự án ĐTNN đã giải ngân 10,55 tỷ USD, tăng 5,5% với cùng kỳ năm ngoái. Tuy kết quả không quá nổi bật, nhưng vẫn đánh dấu sự quyết tâm "bám trụ" lâu dài của giới đầu tư ngoại ở Việt Nam và càng đáng ghi nhận trong bối cảnh không ít chủ đầu tư chưa hết khó khăn nhưng vẫn dồn lực vào thị trường Việt Nam. Các chuyên gia nhấn mạnh, luợng vốn giải ngân là quan trọng nhưng quan trọng hơn là vốn ĐTNN được giải ngân rất nhanh, đặc biệt tập trung vào một số dự án quy mô lớn, có công nghệ cao như sản xuất điện thoại và linh kiện hoặc sản phẩm điện tử của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) cũng như một số dự án áp dụng công nghệ cao khác. Những dự án này sau khi được cấp phép đã triển khai với tốc độ rất nhanh, thiết lập dây chuyền đồng bộ và đưa ra sản phẩm mang đẳng cấp quốc tế dành cho xuất khẩu. Rõ ràng, qua những dự án như vậy, Việt Nam thu hút được công nghệ mới, đồng thời gia tăng tổng kim ngạch xuất khẩu kết hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là tại địa bàn các tỉnh tiếp nhận dự án.
Tuy năm 2013 đã được đánh giá là thành công trong thu hút vốn ĐTNN, nhưng để "nắn" dòng vốn ngoại tiếp tục "chảy" mạnh và đúng hướng, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính quyền các tỉnh, thành phố cần cải thiện liên tục về môi trường đầu tư, kinh doanh; các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động ĐTNN; nâng cao yêu cầu về năng lực tài chính và trình độ công nghệ của dự án đối với nhà đầu tư… Mặt khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xác định sẽ đưa hoạt động thu hút ĐTNN sang giai đoạn mới và đã đến lúc kiên quyết từ chối các dự án sử dụng nhiều đất, công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia khuyến nghị rằng, để tránh tình trạng một số nhà đầu tư hứa hẹn hoặc đăng ký dự án rồi "để đấy" hoặc thiếu năng lực triển khai thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu biện pháp "trói mềm" nhà đầu tư bằng một số phương cách như theo dõi chặt chẽ tiến trình triển khai dự án, kịp thời nhắc nhở và yêu cầu thực hiện nếu có biểu hiện chậm trễ, yêu cầu chủ đầu tư giải ngân đúng cam kết… Đặc biệt, gần đây có ý kiến đang được nhiều cơ quan, địa phương đồng thuận là nghiên cứu khả năng quy định nhà đầu tư phải ký quỹ khoảng 10% giá trị dự án trước khi được cấp phép để tỏ rõ quyết tâm và khả năng tài chính của mình. Vấn đề đặt ra là vừa quản lý hiệu quả, vừa tạo dựng môi trường và cơ chế bình đẳng về cơ hội làm ăn cho các nhà đầu tư, từ đó nâng cao hình ảnh, uy tín của thị trường Việt Nam trên trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.