Sở hữu chiếc xe hơi tại Việt Nam không phải là chuyện đơn giản bởi giá xe bán ra khá đắt đỏ. Và điều khiến nhiều người lo ngại nhất lại là chi phí nuôi xe.
Để sở hữu một chiếc xe từ đại lý đến khi lăn bánh, người Việt sẽ phải chịu từ 10 -12% phí trước bạ. Sau đó sẽ là phí đăng ký biển số và đăng kiểm, loại phí này phân biệt giữa Hà Nội và các địa phương khác. Với người dân có hộ khẩu Hà Nội, phí đăng ký biển số là 20 triệu đồng (xe con), còn đối với người dân các tỉnh, phí đăng ký biển số là 2 triệu đồng/xe.
Ngoài phí cố định ban đầu, người tiêu dùng sẽ phải trả thêm các loại phí thường niên, hằng năm như phí đường bộ khoảng 1,6 triệu đồng/năm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự hơn 435.000 đồng/năm; các loại bảo hiểm xe hơi tự nguyện khác (va đụng, cháy nổ…) tuỳ theo giá trị khoảng từ 4 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm.
Như vậy, phí cố định cho người sở hữu xe hơi mỗi năm là 2 triệu đồng tiền phí sử dụng đường bộ, bảo hiểm dân sự; phí trước ba thấp nhất là 30 triệu đồng, trung bình khoảng 60 - 80 triệu đồng và cao nhất có thể đến cả tỷ đồng/chiếc.
Thông thường, các loại xe từ 300 đến dưới 600 triệu đồng, nếu phí trước bạ là 10%, người dân sẽ phải trả thêm khoảng từ 30 triệu đồng đến 60 triệu đồng/chiếc. Đối với các xe có giá từ 600 triệu đồng trở nên đến 1 tỷ đồng (phân khúc này đang có doanh số tốt nhất hiện nay), phí trước bạ cao nhất có thể lên đến 120 triệu đồng/chiếc.
Tính thêm cả các phí thường niên, người muốn sở hữu xe có giá từ 300 đến 600 triệu đồng sẽ phải trả thêm khoảng 40 đến 70 triệu đồng/chiếc xe. Còn đối với người dân Hà Nội, phí tăng thêm có thể là 55 triệu đồng đến 90 triệu đồng. Mức giá xe đến tay người tiêu dùng sẽ vào khoảng 350 triệu đồng đến 720 triệu đồng.
Đối với các xe có giá trị cao hơn từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng, chi phí sở hữu xe sẽ tăng thêm từ 85 đến 120 triệu đồng/xe.
Với người dân Hà Nội, phí trước bạ chênh với các tỉnh khác là 2% và phí đăng ký biển số xe là 18 triệu đồng, phí tăng khá nhiều so với các địa phương. Lấy ví dụ chiếc xe Vios của Toyota, giá bán đại lý là 520 triệu đồng, người dân Hà Nội phải trả thêm khoảng 85 triệu đồng để lăn bánh xe. Trong khi đó, người dân tại các tỉnh chỉ phải trả thêm khoảng 52 đến 55 triệu đồng để chính thức lăn bánh chiếc xe.
Ngoài các chi phí cố định, thường niên, chi phí vận hành, hao mòn chiếc xe ô tô hiện nay khá cao và nhanh. Chi phí vận hành của chiếc xe bao gồm chi phí nhiên liệu, phí đỗ xe, phí cầu đường…
Đối với chi phí nhiên liệu, đa số xe mới, phân khúc hạng A và B hiện nay đều là các dòng xe có dung tích xylanh thấp, tiết kiệm nhiên liệu, đặc biệt là các dòng xe của Nhật. Lượng tiêu thụ xăng dao động từ 4,5 lít/100km đối với đường trường, đường hỗn hợp (phố, đường trường) vào khoảng 6 - 7 lít/100km, còn đường phố sẽ dao động khoảng 7 - 9 lít/100km.
Các xe dung tích từ 1.0L đến 1.5L thường tiêu thụ xe hơi thấp, còn các loại xe có dung tích từ 2.0L trở lên đến 3.0L tiêu thụ xăng khá cao, xe 2.0L tiêu thụ thấp nhất 7 lít/100km đường trường, đường phố vào khoảng 9 lít/100km trở lên.
Trong chi phí vận hành, ngoài chi phí xăng dầu là chi phí chính, lớn nhất, còn có chi phí bến bãi, đỗ xe và chi phí cầu đường. Trung bình hộ gia đình có xe hơi gửi xe mất từ 700.000 đồng đến 2 triệu đồng/tháng, nhiều người phải trả chi phí khoảng 3 triệu đồng hoặc hơn ở các bãi giữ xe trung tâm hoặc khu căn hộ cao cấp. Các loại phí cầu đường tính trên di chuyển của từng cá nhân.
Đó là chưa nói đến việc một số thành phố lớn vẫn chưa áp dụng biện pháp thu phí vào nội đô một cách đại trà, nên tiết kiệm đáng kể chi phí cho người sở hữu xe cá nhân.
Một chi phí khác mà chiếc xe nào cũng gặp phải là hao mòn xe, xe ô tô hiện nay có tỷ lệ hao mòn nhanh hơn bởi các yếu tố mẫu mã và vòng đời sản phẩm thay đổi nhanh hơn, từ đó kéo theo chi phí sửa chữa, nâng cấp, cải tiến có phần nhiều hơn, đắt đỏ hơn.
Trung bình vòng đời xe hiện nay thay đổi nhanh hơn do thay đổi mẫu mã, công nghệ, động cơ và nhiên liệu nhanh hơn. Từ động cơ máy dầu, sang máy xăng, từ máy xăng sang động cơ hỗn hợp xăng điện (hybrid), rồi động cơ điện, tương lai là động cơ khí khi hydro… khiến giá trị chiếc xe từ khi đến tay người sử dụng cho đến lúc thải loại ra mất giá rất nhanh, đặc biệt là các dòng xe cao cấp.
Bên cạnh đó, thiết kế, mẫu mã xe cũng thay đổi nhanh theo thị hiếu của thời cuộc, sự phát triển của nhân loại. Những mẫu xe thiết kế cũ đã và đang yếu thế hơn so với các mẫu xe thiết kế hiện đại, kiểu mới, con lai giữa nhiều loại xe khác nhau để đảm bảo đáp ứng thị hiếu của nhóm khách hàng trọng tâm.
Hiện nay, đi tiên phong về thiết kế kiểu dáng xe hơi là các dòng xe châu Âu như Italia, Đức, Pháp, rồi đến các dòng xe Hàn Quốc, Nhật Bản và sau đó là Mỹ. Những thiết kế thế hệ mới của xe hơi đã và đang khiến giá các dòng xe thế hệ cũ được người tiêu dùng sở hữu rẻ nhanh hơn, có khi vừa sử dụng vài năm giá xe bán lại đã mất giá từ 30% đến 50%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.