(HNM) - Mặc dù đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới nhiều chương trình liên quan, song các hoạt động nhằm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TƯ về việc tiếp tục đẩy mạnh Nghị quyết 36-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới vẫn diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau để phù hợp với tình hình. Nhân dịp Xuân Tân Sửu và tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TƯ, Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với ông Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài về vấn đề này.
- Xin ông cho biết tình hình cộng đồng kiều bào ta sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TƯ?
- Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TƯ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, gia tăng về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2015, đến nay cộng đồng kiều bào đã có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Vai trò, vị thế và uy tín của người Việt Nam trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao. Đại bộ phận bà con đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại trong tất cả các lĩnh vực, có tiềm lực đáng kể về trình độ khoa học, kỹ thuật.
Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Tính đến cuối năm 2020, kiều bào đã có 362 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Riêng năm 2020, Ngân hàng Thế giới cho biết, kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 15,686 tỷ USD, tương đương 5,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhiều năm qua, bà con ở nước ngoài luôn đồng hành, tham gia quyên góp, ủng hộ đồng bào trong nước. Đặc biệt, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, cộng đồng kiều bào đã ủng hộ khoảng 35 tỷ đồng cùng nhiều vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch ở trong nước. Trong đợt lũ lụt ở miền Trung vừa qua, tính đến nay, kiều bào đã quyên góp được khoảng 34 tỷ đồng, cùng nhiều hàng hóa nhằm hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
- Công tác vận động trí thức, doanh nhân kiều bào đóng góp sáng kiến xây dựng đất nước là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Ông đánh giá thế nào về hoạt động này thời gian qua?
- Những năm gần đây, đã có nhiều sáng kiến tập hợp, kết nối trí thức người Việt tại địa bàn đóng góp cho các vấn đề phát triển đất nước được đề xuất và triển khai. Các tổ chức của trí thức, doanh nhân đóng vai trò rất lớn trong việc kết nối, quy tụ cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài. Các hội đoàn tiêu biểu như Nhóm sáng kiến Việt Nam (Mỹ), Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE Global (Pháp), Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu… đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, gắn liền với bối cảnh và nhu cầu của trong nước.
Đáng chú ý, thời gian vừa qua, có nhiều hội đoàn mới thành lập, trong đó hầu hết quy tụ các thành phần trẻ, dưới 40 tuổi, thuộc thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba hoặc du học sinh ở lại, bước đầu có nhiều hoạt động kết nối trong cộng đồng và hướng về đất nước. Xu hướng này phần nào thể hiện vai trò ngày càng lớn của kiều bào trẻ trong sinh hoạt cộng đồng và tiềm năng đóng góp của lực lượng này cho đất nước. Đây là một tín hiệu đáng mừng khi các trí thức, doanh nhân trẻ mặc dù đang tập trung phấn đấu, xây dựng sự nghiệp ở nước ngoài nhưng vẫn tâm huyết và đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều nhà khoa học, doanh nhân, các văn nghệ sĩ, vận động viên kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao... Đặc biệt, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã diễn ra sôi nổi, dân chủ và rộng khắp cả ở trong và ngoài nước. Tính đến nay, kiều bào thuộc nhiều tầng lớp như chuyên gia, trí thức, doanh nhân, sinh viên, người lao động... tại nhiều quốc gia đã đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện.
- Việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống và ngôn ngữ mẹ đẻ luôn được bà con ta ở nước ngoài dành sự quan tâm rất lớn. Ông có ý kiến gì về vấn đề này, thưa ông?
- Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn có ý thức giữ gìn và giáo dục con cháu về những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Hầu hết các gia đình kiều bào vẫn giữ nếp sinh hoạt ăn Tết Âm lịch như ở trong nước, có bàn thờ tổ tiên, ông bà với không gian thờ cúng được bài trí theo phong tục, tập quán Việt Nam, duy trì truyền thống kính trên, nhường dưới, tổ chức các lễ hội truyền thống, nấu và phổ biến các món ăn mang đậm hương vị quê nhà...
Trong những năm qua, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa, góp phần khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy truyền thống Việt Nam, mang “hồn văn hóa”, “tiếng quê hương” đến cho người Việt Nam ở nước ngoài. Tiêu biểu có chương trình Xuân Quê hương, đoàn nghệ thuật biểu diễn phục vụ cộng đồng nhân dịp Tết Nguyên đán, đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè Việt Nam…
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt từ khi Chỉ thị 45-CT/TƯ ra đời, nhiều chính sách, biện pháp đã được ban hành và thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Hằng năm, Ủy ban phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào. Đến nay, đã có hơn 300 giáo viên kiều bào được tập huấn về nghiệp vụ sư phạm, trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng ở nước sở tại. Bên cạnh đó, từ năm 2015, Ủy ban đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ sách giáo khoa, học liệu, truyện tranh lịch sử và dân gian cho thiếu nhi, cung cấp trang thiết bị giảng dạy, học tập, đáp ứng phần nào nguyện vọng của kiều bào ta ở khắp năm châu, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.
- Trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Vậy trong thời gian tới, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài có biện pháp gì để khắc phục, thưa ông?
- Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn nhiều kế hoạch công tác của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều hoạt động lớn đã phải dừng lại. Tuy nhiên, các sự kiện không bị gián đoạn hoàn toàn. Ủy ban đã phối hợp với nhiều cơ quan hữu quan tổ chức một số hội nghị trực tuyến để lắng nghe ý kiến của các trí thức, doanh nhân kiều bào khắp thế giới hiến kế xây dựng quê hương. Trong thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ đổi mới phương pháp tiếp cận, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các chuyên gia, doanh nhân kiều bào tìm hiểu thị trường trong nước, xây dựng cơ sở dữ liệu cho chuyên gia trí thức, kiều bào ở nước ngoài. Ngoài ra, Ủy ban cũng sẽ tăng cường hoạt động hướng tới các kiều bào đang đầu tư, làm việc trong nước trong bối cảnh việc đi lại giữa các quốc gia bị hạn chế.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.