Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người Việt có khoảng 8 đến 11 năm phải sống chung với bệnh tật

Theo Thùy Giang (Vietnam+)| 26/12/2020 09:00

Trong gánh nặng bệnh tật kép, người Việt Nam thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm.

Hơn 2.000 người cao tuổi đồng diễn dưỡng sinh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng cao, ở mức 73,5 tuổi, nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm.

Đáng lưu ý, trong gánh nặng bệnh tật kép, người Việt Nam thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm, đòi hỏi điều trị và chăm sóc lâu dài.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết như vậy nhân các hoạt động của Ngày dân số Việt Nam (26-12).

Dân số trong độ tuổi lao động chiếm 68%

Theo thống kê, quy mô dân số hiện nay của Việt Nam khoảng gần 96,5 triệu người (2019), đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, tỷ lệ tăng dân số 10 năm qua (2009-2019) trong khoảng 1,05-1,15%/năm, mức sinh thay thế được duy trì suốt 14 năm qua.

Từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, chiếm 68%. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi năm 2019, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, nhiều thành quả trong công tác nâng cao chất lượng dân số cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em đều giảm mạnh; tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với các quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương và đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay, dù đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, song công tác dân số cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Đó là mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền, tỉnh, thành phố, thậm chí có những nơi mức sinh đã xuống thấp như một số tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, mức sinh vẫn còn cao ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Đáng chú ý, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Lợi thế dân số vàng chưa thật sự được khai thác và phát huy hiệu quả bởi chưa có giải pháp đồng bộ…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: PV/Vietnam+

Bên cạnh đó, tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng chưa có hệ thống giải pháp chủ động thích ứng. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh chưa cao; tốc độ già hóa dân số nhanh, chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế…

Ưu tiên đầu tư hỗ trợ nguồn lực kịp thời

Phân tích về thực trạng, ông Nguyễn Xuân Trường chỉ rõ thực tế, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng già hóa dân số nhanh. Mạng lưới lão khoa chưa phát triển theo nguyên tắc kết hợp dự phòng, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ.

Bên cạnh đó, môi trường xã hội thân thiện với người cao tuổi chưa được quan tâm xây dựng và phát triển theo định hướng già hóa khỏe mạnh. Khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn.

Ngoài ra, tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ còn thấp. Các nội dung về dân số trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được chú trọng đúng mức. Các yếu tố dân số chưa được lồng ghép một cách hệ thống trong hoạch định, thực thi các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra...

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện Đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành về dân số và phát triển các cấp để trình Chính phủ trong năm 2020. Mục tiêu nổi bật là tăng cường chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng, chống dịch bệnh không lây nhiễm và triển khai dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp.

Bộ Y tế đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo, nhất là về công tác cán bộ, duy trì ổn định tổ chức bộ máy, ưu tiên đầu tư hỗ trợ nguồn lực kịp thời để công tác dân số triển khai đạt mục tiêu các nội dung mới.

Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tổng quát: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Đặc biệt, cần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người từ 60 tuổi trở lên để đảm bảo thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.

Ngày 26-11-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2161/QĐ-TTg về việc lấy tháng 12 hằng năm là Tháng hành động quốc gia về dân số.

Kể từ đó, hằng năm, ngành dân số đều tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày dân số Việt Nam 26-12.

Năm nay, Tháng hành động quốc gia về dân số được triển khai với chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Việt có khoảng 8 đến 11 năm phải sống chung với bệnh tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.