(HNM) - Ngư dân của ta đi đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng luôn bị các loại tàu của Trung Quốc đâm va và thu ngư cụ, song tại sao họ vẫn kiên quyết bám trụ tại vùng biển này?
Ngư dân Lý Sơn chuẩn bị ngư cụ ra khơi bám biển. |
Tôi đến huyện đảo Lý Sơn đầu tháng 5 để tìm câu trả lời đúng vào thời điểm Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam 10 ngày. Cứ nghĩ tàu cá Lý Sơn nằm hàng dãy trong bến nghe ngóng tình hình nhưng thật bất ngờ vẫn có tàu từ Hoàng Sa về và vẫn có tàu đi ra đánh bắt ở vùng biển này. Ngư dân đầu tiên mà tôi gặp là ông Bùi Phải ở thôn Tây, xã An Hải. Điều làm tôi ngạc nhiên, ngoài 60 tuổi và hơn 40 năm liên tục đi biển nhưng sóng gió, nắng rát và hiểm nguy luôn rình rập, bao vây chỉ làm cho ngư dân này rắn rỏi và mạnh mẽ hơn. Ông lên bờ chừng dăm năm nay vì ba con trai muốn cha nghỉ ngơi. Ông tin các con có kinh nghiệm đi biển, biết cách đối phó với tàu Trung Quốc ngang ngược, ông bảo: "Nếu không tin thì tôi đã không ở nhà". Ông kể những ngày còn đi biển ông luôn có cách xử lý các tình huống khi tàu Trung Quốc giở trò, nhưng ông bảo: "Tôi còn thua các con tôi, mới đây khi tàu của chúng nó bị tàu Trung Quốc thu ngư cụ, cháu Bùi Ngọc Thanh là thuyền trưởng đã dũng cảm theo lên tận đảo giằng lại". Hỏi ông đi biển cũng chỉ là nghề mưu sinh lại đầy rủi ro sao không chuyển sang làm nghề khác, ông lắc đầu: Đành là mưu sinh nhưng ai cũng sợ thì ai giữ biển? Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, ông chỉ hai căn nhà nhỏ ngay sát bên cạnh: Bao nhiêu năm đi biển mà nhà của hai con tôi cũng chỉ có thế. Nếu không yêu biển thì chúng nó chạy xe ôm, vợ hai đứa làm nghề trồng hành có khỏe hơn không? Nghe ông nói, tôi tin ông nói rất thật.
Người thứ hai mà tôi gặp là ông Võ Văn Út ở xã An Vĩnh. Ngay trong lúc trò chuyện với ông, tôi vẫn không tin một người đàn ông có giọng nói nhỏ nhẹ, dáng vẻ hiền từ như thầy giáo làng mà có thâm niên mấy chục năm đi biển, lại đi trên những con thuyền nhỏ và đánh bắt ở Hoàng Sa. Sức khỏe yếu, ông lên bờ cùng vợ xoay sang nghề làm chả mực, bán cho cư dân trên đảo và khách du lịch. Biết ông là trưởng ban liên lạc của dòng họ Võ Văn, một trong những dòng họ có tiên hiền ra đảo Lý Sơn khai cơ từ năm 1604 và khai canh từ năm 1812, tôi hỏi về nghề đi biển của dòng họ Võ Văn, ông khiêm tốn kể và luôn nói rằng chuyện dòng họ là dịch từ gia phả ra… Cụ tổ của ông Út là Võ Văn Khiết, một trong nhưng binh phu đầu tiên được nhà Tây Sơn cử đi Hoàng Sa năm 1786 khi dân xã An Vĩnh, An Hải vẫn còn trong đất liền. Sau chuyến đi này, Võ Văn Khiết được ban tước Hội nghĩa hầu, đồng thời được nhà Tây Sơn giao nhiệm vụ tuyển chọn binh phu cho đội hùng binh Hoàng Sa hàng năm. Khi nhà Tây Sơn bị lật đổ, Nguyễn Ánh lập ra triều nhà Nguyễn thì ông Phú là con của cụ Khiết kế thừa công việc đi Hoàng Sa cho làng An Vĩnh. Lúc bấy giờ, ông Phú được phong tước là "Khâm sai thiết thủ Sa Kỳ hải môn kiêm chi Hoàng Sa các đội Cai cơ thủ ngự phú nhuận hầu". Bên cạnh dòng họ Võ Văn còn nhiều các dòng họ khác dẫn đầu đội hùng binh Hoàng Sa vào các đời vua Nguyễn sau này. Dòng họ Võ Văn bây giờ vẫn nối tiếp nghề đi biển của tổ tiên và Hoàng Sa luôn là điểm đến vì nó là biển của dòng họ. Trong khu mộ của họ Võ Văn trên đảo Lý Sơn, tính từ cụ tổ Võ Văn Khiết cho đến nay, họ Võ Văn đã có 45 ngôi mộ gió, nghĩa là có từng ấy người chết mất xác trên biển. Ông Út nói rằng khi nghiên cứu về dòng họ mình ông cũng muốn tìm ra câu trả lời vì sao họ Võ Văn ra biển là phải đến Hoàng Sa và bao nhiêu năm đọc gia phả, đọc sử sách triều Nguyễn, tìm hiểu người trong họ, ông cho rằng: "Tôi tin các cụ đi Hoàng Sa không chỉ đánh bắt hải sản mà lớn hơn tất cả là phụng mệnh triều đình, khẳng định cương vực để con cháu đời sau nhớ đây là đất của người Việt Nam. Các dòng họ khác cũng thế". Kiểm chứng lời ông Út, tôi lần giở lại lịch sử Lý Sơn và tôi tin ông Võ Văn Út.
Năm 1604, 15 tiên hiền từ hai làng An Vĩnh và An Hải ở đất liền ra đảo Lý Sơn khai cơ. An Vĩnh có 7 người, gồm: 2 người họ Võ, 2 họ Phạm, 2 họ Nguyễn và 1 họ Trần, An Hải có 8 người gồm: 3 họ Nguyễn, 1 họ Trương, 1 họ Dương, 1 họ Trần, 1 họ Võ và 1 họ Lê. Họ ra đảo bởi lẽ trước đó dong thuyền đi đánh cá ghé lên đảo thấy có nước ngọt, đất tốt. Ra tới nơi họ đã thống nhất với nhau phân vùng, chia đất trồng cây nhưng biển đánh cá là của chung. Sự thống nhất ngay từ những ngày đầu đã làm cơ sở để không dẫn đến tranh chấp đất đai giữa các dòng họ và từ đó cho đến sau này con cháu cứ theo tiên hiền. Sống ngoài đảo điều kiện thiếu thốn hơn ở đất liền nên các họ phải đoàn kết, dựa vào nhau và thời gian đã biến họ thành một khối thống nhất, điều đó đã làm nên sức mạnh trong sản xuất trên biển và chống lại kẻ ác.
Một người khác mà tôi gặp là ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải. Vóc dáng không to cao như ông Phải, ông Út, ông Chinh bé nhỏ nhưng trông dẻo dai và bền bỉ. Ông bảo hết việc nhà, việc xã lại việc nghiệp đoàn từ sáng đến tối mà ông chả thấy mệt dù đã hơn 60 tuổi. Ông có mấy chục năm đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, từng bị Trung Quốc bắt và nhốt. Chứng kiến ông liên lạc ICom với ngư dân ở trung tâm thông tin mới thấy trách nhiệm của ông với các đoàn viên. Trả lời câu hỏi "Tại sao ngư dân Lý Sơn quyết bám Hoàng Sa không sợ hiểm nguy?", ông Chinh chia sẻ "Chủ trương của Nhà nước cho ngư dân vay vốn để sản xuất trên biển đã có nhưng thực tế vay không dễ, mỗi chuyến đi biển ngư dân vẫn phải vay tiền của chủ vựa cá nhưng họ vẫn đi. Vì sao họ vẫn đi? Mưu sinh là một lẽ, bao đời nay tổ tiên các dòng họ ở Lý Sơn ra đó đánh bắt giờ Trung Quốc gây sự lại càng không thể không ra, bỏ biển của tổ tiên để lại thì sao các tiên hiền phù hộ cho?".
Ngư dân trẻ nhất tôi gặp là Bùi Văn Phải ở xã An Hải, Phải chừng 30 tuổi, to con và chắc nịch. Sáng 16-5, anh lại đi biển. Anh nói đơn giản "Thế nào thì cũng phải đi thôi". Qua thông tin, tôi biết tàu QNg 96417 của ngư dân Dương Văn Giầu đang khai thác hải sản đã bị tàu Trung Quốc lấy hết đồ đạc và cả Icom nên anh không thể báo được ngày về, tôi tìm đến nhà anh. Chị Bùi Thị Phước Thạnh vợ anh cùng con gái Dương Thị Xuân Trường vừa đi chùa cầu cho ba an toàn trở về. Nhìn chị Thanh tôi chợt nhớ câu ca dao:
Lấy chồng nghề ruộng em theo
Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm
Có vẻ nỗi buồn ám vào chị Thanh vì trong suốt cuộc nói chuyện hiếm thấy chị cười. Tôi đem băn khoăn hỏi hai cô con dâu ông Bùi Phải, hai chị cười "Chồng đi vào đất liền còn lo huống chi là đi biển nhưng quen rồi anh, con gái lấy chồng nghề biển không thể ủy mỵ, sướt mướt được, phải là chỗ dựa tin cậy cho chồng yên tâm ở ngư trường". Ra là đàn bà con gái Lý Sơn cũng nghị lực chả thua kém cánh đàn ông. Tôi bỗng nhớ gương mặt bé Dương Thị Xuân Trường con gái anh Giầu chị Thạnh, cháu đang học lớp 3 Trường Tiểu học An Hải, cháu hồn nhiên và đáng yêu vô cùng, khi mẹ bảo hát tặng các bác bài hát về Hoàng Sa, Trường Sa cháu hát ngay "Việt Nam ơi! Việt Nam ơi! Nước non ta sáng ngời ngàn xưa/ Này anh em, cùng ca vang/ Núi xanh xanh biển cả xanh xanh/ Đây Hoàng Sa, đây Trường Sa ta vẫn tự hào...". Bài hát "Đây Trường Sa - Đây Hoàng Sa", bé được cô giáo dạy từ năm học lớp 2, đã cùng tốp ca biểu diễn mỗi buổi văn nghệ của trường và "ba con vừa đi biển về cũng vô coi nữa".
Chỉ từng ấy người tôi gặp và trò chuyện nhưng họ đã trả lời cho tôi câu hỏi một cách cụ thể nhất, đáng tin nhất. Người dân đảo Lý Sơn, người miền Trung đi đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa rất giản đơn vì đó là biển của Việt Nam. Họ không lùi bước dù Trung Quốc ngang ngược, chắc chắn như vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.