Hà Nội kết nối

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Vừa phòng, chống IUU, vừa hỗ trợ bảo đảm sinh kế cho ngư dân

Nhóm phóng viên 16/10/2024 - 12:29

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong 5 trung tâm nghề cá của Việt Nam và có đội tàu lớn nên được đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) chú ý trong giám sát gỡ thẻ vàng thủy sản. Đến giữa tháng 10-2024, tỉnh đã cơ bản hoàn thành các phần việc, phục vụ đợt thanh tra sắp tới của EC.

a513.jpg
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra giấy tờ tàu cá trước khi xuất bến. Ảnh: BP.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Những ngày đầu tháng 10-2024, đoàn công tác của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thực hiện kiểm tra thực địa mới nhất công tác tuần tra, kiểm soát thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) tại nhiều đồn biên phòng trên địa bàn và các kíp tàu trực ngoài biển.

Qua kiểm tra, đoàn ghi nhận các tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản) đã được quản lý chặt chẽ, không được ra khơi. Bộ đội Biên phòng đã thực hiện đồng bộ nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả về phòng, chống IUU đến bà con ngư dân.

a512.jpg
Bộ đội Biên phòng đến từng tàu kiểm tra và vận động ngư dân tuân thủ các quy định trong đánh bắt thủy sản. Ảnh: BP.

Trước đó, từ cuối tháng 9-2024, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã tổ chức nhiều đợt cao điểm kiểm tra các tàu cá và tuyên truyền cho ngư dân không tham gia đánh bắt cá trái phép tại nhiều địa bàn xung yếu.

Theo Đại tá Đào Xuân Ánh, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 9 tháng năm 2024, Bộ đội Biên phòng đã xử phạt 87 vụ vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng, bao gồm các tàu cá có vi phạm với thiết bị giám sát hành trình VMS và tàu không bảo đảm giấy tờ, có ý định vượt trạm ra biển hoạt động.

a516.png
Ngoài khơi, lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển cũng giám sát hoạt động của các tàu cá. Ảnh: BP.

Các cấp chính quyền của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tích cực vào cuộc, chung tay phòng, chống IUU. Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bố trí nhân lực làm việc tất cả các ngày trong tuần hỗ trợ tối đa cho ngư dân hoàn thành thủ tục đăng ký tàu cá. Còn Cục Thuế tỉnh cũng đã miễn lệ phí trước bạ cho ngư dân, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cấp phép.

Cấp cơ sở cũng có những cách làm hiệu quả. Đơn cử, từ giữa tháng 9-2024 đến nay, UBND thị trấn Long Hải, huyện Long Điền đã tổ chức và duy trì nhiều tổ tuyên truyền phòng chống IUU.

Các thành viên trong tổ gặp gỡ trực tiếp các chủ tàu cá, phổ biến một số quy định của pháp luật, vận động họ ký bản cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Thị Na, tính đến đầu tháng 10-2024, cơ quan chức năng đã kiểm tra thực tế khoảng 720/1.140 tàu cá “3 không”. Dự kiến đến trước ngày 30-12-2024, tất cả các tàu “3 không” còn có thể hoạt động sẽ có giấy phép hợp lệ.

Với 2.605 tàu khai thác hải sản vùng khơi, tỉnh đã xác định có 547 tàu chưa đủ điều kiện hoạt động (giấy phép hết hạn, nằm bờ do làm ăn thua lỗ, tàu hư hỏng, mục nát, ngân hàng kê biên chờ thanh lý, chưa lắp máy giám sát hành trình, vi phạm IUU,…) để quản lý tốt hơn nữa.

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân

Cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định về đánh bắt thủy sản nhằm góp phần cùng cả nước sớm gỡ bỏ thẻ vàng thủy sản của EC với Việt Nam, ngành chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn luôn đồng hành cùng bà con ngư dân để giải quyết những vướng mắc phát sinh, phát triển sinh kế bền vững.

a511.jpg
Bà con ngư dân huyện Long Điền đặt câu hỏi liên quan đến thủ tục xuất bến cho tàu cá tại buổi làm việc với đại diện cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: BP.

Được chứng kiến một buổi làm việc mới đây giữa đại diện 31 hộ ngư dân huyện Long Điền và đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi cảm nhận rõ hơn điều này. Theo đó, các ngư dân đề nghị các cấp chính quyền giải thích vì sao tàu của bà con chỉ đánh bắt ven bờ, đi về trong ngày nhưng vẫn không được xuất bến.

Trung tá Phạm Thân Quyến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Tỉnh đã giải thích cặn kẽ, giúp bà con hiểu thêm rằng tàu dài từ 6-12m phải được đăng ký và có giấy phép khai thác thủy sản; dài trên 12m phải có thêm đăng kiểm; tàu dài trên 15m phải có thêm thiết bị giám sát hành trình và giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; tàu thay động cơ phải được đăng ký, phê duyệt... Ngư dân cũng được Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hướng dẫn để sớm hoàn thành thủ tục giấy tờ cho tàu thuyền được xuất bến.

Tài liệu tuyên truyền của cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về phòng chống IUU. Nguồn: Sở NN-PTNT.

Với những ngư dân đang làm nghề giã cào (lưới kéo tận diệt thủy sản), vốn là sinh kế nhiều năm nay của nhiều bà con, việc chuyển đổi cách hoạt động không dễ. Theo ngư dân Nguyễn Chí Hùng (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ), tàu giã cào đóng theo kiểu riêng, lưới riêng. Nay thay đổi cách thức đánh bắt, bà con sẽ buộc phải thay đổi cả kết cấu tàu. Đó là chưa kể việc phải thay đổi cả máy móc, cách thức vận hành tàu thuyền và kỹ năng đánh bắt cá cho ngư dân.

Việc thay đổi trên cần rất nhiều vốn và chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng và các cấp chính quyền. Hiện ngành Nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang xây dựng Đề án Chuyển đổi nghề cho tàu cá đang hoạt động khai thác ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản, trong đó hỗ trợ vốn; dạy nghề và giúp chuyển đổi nghề để bà con có sinh kế bền vững hơn. Các bên liên quan đang nỗ lực hoàn thiện Đề án này, trình cấp có thẩm quyền thông qua trong thời gian sớm nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Vừa phòng, chống IUU, vừa hỗ trợ bảo đảm sinh kế cho ngư dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.