Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người lính Hà Nội dựng nhà “Anh bộ đội Điện Biên”

Lê Văn| 16/12/2012 07:48

(HNM) - Rời Hà Nội khi tuổi đời còn rất trẻ, vào sinh ra tử ở chiến trường Điện Biên Phủ, mòn chân trên từng cung đường của Tổ quốc, cuối cùng chọn TP Hồ Chí Minh dừng chân khi tuổi đã về chiều, người cựu chiến binh 81 tuổi vẫn canh cánh nỗi lòng khi chia sẻ với chúng tôi:


Ông Hồ Phúc với ngôi nhà “Anh bộ đội Điện Biên”.

Bây giờ, dù đã ở tuổi 81 nhưng trông ông Hồ Phúc rất khỏe mạnh. Ngày trước, trong chiến dịch Điện Biên Phủ ông giữ cương vị Đại đội trưởng pháo binh. Có lẽ sự rèn luyện trong khắc nghiệt chiến tranh đã tăng sức đề kháng cho ông. Ông bảo, chính những khoảng khắc hào hùng ấy đã thôi thúc ông phải làm một cái gì đó giữa đất phương Nam này.

Ông Phúc kể: "Năm 2009, nhân dịp hội ngộ các cựu chiến binh Tây Bắc giữa TP Hồ Chí Minh, bất ngờ gặp lại những đồng đội cùng chiến đấu năm xưa, tôi xúc động và nảy sinh ý tưởng xây dựng một "ngôi nhà" của những người lính từng chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ. Ngôi nhà đó có cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai của những người cựu chiến binh. Trong ngôi nhà đó, vợ chồng người lính sống ra sao; con cái của họ như thế nào…".

Điều thú vị là dù xây ngôi nhà mang tên "Anh bộ đội Điện Biên" (số 16 đường 10 khu phố 3, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) nhưng vì là người Hà Nội nên ông Phúc quyết định mang cả nét văn hóa quê hương vào đây, bởi "dù sống ở bất kỳ đâu, làm việc gì mình cũng mãi là người Thăng Long - Hà Nội, không thể lẫn vào đâu được!".

Nhà thơ Lê Nguyên - cũng người gốc Hà Nội - đã từng sáng tác bài thơ ca ngợi ngôi nhà, trong đó có câu: "Lạ, nhưng lại rất thân quen". Lạ vì đây là lần đầu tiên một người cựu chiến binh có ý tưởng xây một ngôi nhà dành cho tất cả những người lính đã từng chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ có nơi để gặp gỡ đồng đội, hàn huyên, ôn lại những kỷ niệm xưa. Quen là vì hình ảnh chùa Một Cột đặt ngay giữa sân đập vào mắt bất kỳ ai khi ghé thăm. Tại đó có cả tranh, thư pháp, hoành phi, câu đối, các câu danh ngôn, châm ngôn. Sau cánh cửa, bên phải là bức tranh phố cổ Hà Nội khá nổi bật mà ai cũng có thể nhận ra. Bên trong ngôi nhà bài trí theo phong cách đặc trưng Hà Nội, chính giữa là ban thờ tổ tiên, hai bên treo hoành phi, câu đối và bức tranh cổ "vinh quy bái tổ". Đặc biệt, không thể thiếu những bức ảnh ghi lại thời khắc kháng chiến. Các cựu chiến binh Tây Bắc đã "phong tặng" ông danh hiệu "Đại sứ thiện chí tình đồng đội". Nhà thơ Lê Nguyên sau khi đến đây đã sáng tác bài thơ riêng tặng ông, có câu: "Bạn ở đầu ô, nhà tôi bên hồ Hoàn Kiếm… Sẽ trở về trong trọn vẹn yêu thương".

Trong câu chuyện chân tình, ông nhấn mạnh đến "cảnh nhà" của người lính già. Vợ chồng phải hòa thuận, con cái được giáo dục và học hành tử tế. Đã đi qua đời lính và đang sống trong thời bình, ông vẫn trăn trở: "Nếu không có phương pháp giáo dục con cháu, người lính sẽ khổ ít nhất hai lần trong đời". Ông còn bảo, cái khổ lớn nhất của người già, đặc biệt người Hà Nội nơi phương xa là "đói tình cảm". Chính nhờ ngôi nhà "Anh bộ đội Điện Biên" mang đầy nét văn hóa đặc trưng Hà Nội đã giúp ông có đầy đủ tình yêu thương từ gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng đội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lính Hà Nội dựng nhà “Anh bộ đội Điện Biên”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.