(HNM) - Đây là tinh thần chung toát lên từ Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm (ATTP) do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 27-4. Vi phạm trong lĩnh vực ATTP đã trở nên có hệ thống, đe dọa trực tiếp đến nòi giống Việt Nam. Và nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này là việc xác định trách nhiệm, xử lý kỷ luật khi để xảy ra tình trạng mất VSATTP trên địa bàn còn quá yếu. Trong khi đó, những đối tượng trực tiếp tham gia vào các hành vi liên quan đến sản xuất, vận chuyển, buôn bán… thực phẩm "bẩn" khi bị phát hiện gần như chỉ bị xử lý hành chính.
Có thể nói công tác quản lý ATTP thời gian qua gần như chạy theo vi phạm. Hầu hết vụ việc do báo chí và các cơ quan chức năng của trung ương phát hiện, trong khi không ai hiểu rõ tình hình trên địa bàn bằng đội ngũ cán bộ cơ sở. Nhưng ngạc nhiên là, với đầy đủ ban, ngành, nhưng chính quyền cơ sở gần như "bất lực" trước vi phạm xảy ra trên địa bàn, trong khi nói như một đại biểu thì "người dân chỉ đổ đống cát lập tức chính quyền đã biết". Điều đó cho thấy, "nếu không quy trách nhiệm cụ thể thì sẽ khó thành công". Đặc biệt, phát hiện địa phương nào có vi phạm thì người đứng đầu địa phương đó, gồm: Chủ tịch, bí thư, thanh tra... phải chịu trách nhiệm.
Tại hội nghị nêu trên, lãnh đạo TP Hà Nội cũng thừa nhận những biện pháp của thành phố trong quản lý ATTP thời gian qua chưa đủ sức răn đe. Rõ nhất cho thực tế này là chỉ trong quý I-2016, số vụ vi phạm trong quá trình sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh thực phẩm "bẩn" được phát hiện đã bằng một nửa so với năm 2015. Việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, 10 phường, xã, thị trấn sau 4 tháng triển khai thừa lúng túng, thiếu kiên quyết. Tổ chức thanh tra nhưng vẫn nặng về thủ tục hành chính, chủ yếu thanh tra trên giấy tờ, khi phát hiện sai phạm không xử phạt. Tâm lý "họ hàng, làng xóm" cũng là nguyên nhân làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm...
Xét cho cùng, trách nhiệm người đứng đầu là đương nhiên, nhưng để có được những bữa ăn "sạch" thì tất yếu phải phòng ngừa tận gốc. Cụ thể: Nông dân không dùng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; thương lái không buôn bán, tàng trữ; lái xe không tham gia vận chuyển… thực phẩm "bẩn". Đặc biệt, phải chấm dứt được tình trạng nể nang không xử phạt và xử lý nghiêm những trường hợp tiếp tay cho vi phạm của một số cá nhân khi thực thi công vụ. Liệu có thể chấp nhận việc một thương lái ở TP Hồ Chí Minh mua lợn tại Đồng Nai về giết mổ và bị phát hiện có chất cấm, nhưng số lợn này có đầy đủ giấy tờ đạt tiêu chuẩn VietGAP do Bộ NN&PTNT ban hành? Vấn đề đằng sau câu chuyện này rất cần được làm rõ.
Trong bối cảnh vấn đề ATTP ngày càng "nóng", sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành là cần thiết. Điều này thể hiện rõ tiêu chí của một "chính quyền hành động". Đặc biệt, một số đề xuất quyết liệt từ các địa phương như: Tiêu hủy gia súc, gia cầm nếu phát hiện nhiễm chất cấm ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai; triển khai lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP tại đồng bộ 30 quận, huyện, thị xã và giống như mô hình 141 (TP Hà Nội); đề nghị cựu chiến binh tham gia giám sát vấn đề ATTP… là rất đáng lưu ý. Đặc biệt, những cơ sở vi phạm liên quan đến thực phẩm "bẩn" phải được công khai trên loa truyền thanh cơ sở để mọi người dân được biết. Người dân cũng phải mạnh dạn tố giác các tổ chức, cá nhân sản xuất, tiêu thụ, tàng trữ, vận chuyển… thực phẩm "bẩn" đến các cơ quan quản lý.
"Cuộc chiến" với thực phẩm "bẩn" phải được sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Chỉ có vậy mới được duy trì bền bỉ, tạo thành một phong trào sâu rộng trong toàn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.