Thạch Thất có 2.156 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, để bảo đảm công tác an toàn thực phẩm, huyện yêu cầu các xã, thị trấn treo khẩu hiệu tuyên truyền Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024 dọc các trục đường chính.
Thời gian qua, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về an toàn thực phẩm, huyện Thạch Thất đã tăng cường kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất tới sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường để kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiểm soát từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban, với hơn 800 hộ thành viên, sản xuất hơn 300ha đất nông nghiệp; hợp tác xã đã thực hiện thành công mô hình trồng rau trái vụ như: Khoai tây, cải bắp, bí đao, su hào... cho thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha/năm. Để bảo đảm chất lượng rau, củ, quả cung cấp cho thị trường, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài ra, các ngành chức năng của huyện Thạch Thất hướng dẫn triển khai mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, có thương hiệu. Đến nay, các sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã đều cung cấp cho bếp ăn tập thể, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh sản xuất an toàn, nhiều mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm đã được huyện triển khai có hiệu quả như: Mô hình kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người tại 23 xã, thị trấn; mô hình tuyến phố văn minh tại thị trấn Liên Quan, xóm chợ xã Đại Đồng; mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại thị trấn Liên Quan. Một số mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm đã tạo ra những sản phẩm thực phẩm an toàn như: Trang trại Hoa Viên - xã Yên Bình, Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải…
Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Thất Vương Thị Ngọc Diên cho biết, huyện có 2.156 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, để bảo đảm công tác an toàn thực phẩm, huyện yêu cầu các xã, thị trấn, treo khẩu hiệu tuyên truyền Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024 dọc các trục đường chính; chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với Công an huyện, Đoàn thanh niên huyện tổ chức tuyên truyền bằng xe lưu động dọc các trục đường chính của huyện, các ngõ, xóm tập trung đông dân cư; tổ chức phát thanh thường xuyên các nội dung về vấn đề an toàn thực phẩm trên hệ thống thông tin cơ sở; tổ chức 23 buổi tọa đàm, phát 3.200 tờ rơi, áp phích; đồng thời phổ biến, hướng dẫn người dân cách lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn…
“Cùng với công tác tuyên truyền, từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan chức năng của huyện và các xã, thị trấn đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với 402 cơ sở. Kết quả kiểm tra có 11 cơ sở vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, trong đó tập trung chủ yếu vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Cơ quan chức năng huyện đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 cơ sở với số tiền 75 triệu đồng. Nhờ đó, thời gian qua, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm đông người. Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có ý thức tốt hơn trong việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng thực phẩm ngày càng có ý thức hơn, sáng suốt hơn trong việc lựa chọn thực phẩm chế biến cho gia đình”, bà Diên cho biết thêm.
Truy xuất nguồn gốc tại các bếp ăn tập thể
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện vẫn còn khó khăn do các cơ sở thực phẩm trên địa bàn chủ yếu nhỏ lẻ, khó thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật. Một số cơ sở hoạt động theo mùa vụ hoặc hoạt động không hiệu quả, không thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý. Hàng hóa thực phẩm ngày càng phong phú về chủng loại, mẫu mã, nhiều hàng hóa thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường gây khó khăn cho quá trình kiểm soát. Vẫn còn hiện tượng thực phẩm được vận chuyển từ nơi khác vào huyện vào thời điểm đêm và sáng sớm, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Một bộ phận người dân còn chưa có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, chạy theo lợi nhuận trước mắt, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Kinh phí chi cho hoạt động quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Không chỉ trong Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm mà công tác bảo đảm an toàn chất lượng nông sản, thực phẩm được huyện chú trọng, thực hiện xuyên suốt cả năm. Để tháo gỡ khó khăn và tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Phùng Khắc Sơn cho biết, huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm tại các trường tiểu học có tổ chức ăn bán trú trên địa bàn huyện. Các bếp ăn tập thể trường học, khu, cụm công nghiệp; các nhà hàng lẩu nướng; cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất nước đóng chai, nước đá dùng liền.
Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá hồ sơ năng lực, điều kiện thực tế của các đơn vị cung ứng thực phẩm vào các trường học năm học 2024-2025 theo Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 8-3-2024 về đánh giá năng lực các đơn vị cung cấp thực phẩm, cung cấp suất ăn sẵn cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện năm học 2024-2025. Qua đó, để giám sát chặt chẽ việc cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các bếp ăn tập thể, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, huyện tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, bố trí kinh phí cho Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện, các xã, thị trấn để triển khai các hoạt động quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thực chất, hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.