(HNM) -Đồng chí Hồ Tùng Mậu tên khai sinh là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15-6-1896 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. 55 năm cuộc đời, 31 năm đi làm cách mạng, Hồ Tùng Mậu - người đồng chí, người anh em chí thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là niềm tự hào của quê hương xứ Nghệ,
Đồng chí Hồ Tùng Mậu. |
"Cái nợ non sông trót hẹn hò/Ðường đời bao quản bước quanh co/(…) Anh hùng khôn luận nơi thành bại/Thà chết còn hơn mất tự do". Đó là những vần thơ khảng khái trong bài "Tin tưởng" của Hồ Tùng Mậu. Ý chí kiên cường của người cộng sản đã biến nơi địa ngục thành cảm hứng của những vần thơ ngập tràn niềm tin và hy vọng. Bài thơ ra đời trong những năm tháng ông bị giam trong nhà tù Kon Tum, nơi Hồ Tùng Mậu đã lập ra "Hội tao đàn ngục thất" cùng các đồng chí sáng tác thơ để tuyên truyền đường lối cách mạng, giữ vững khí phách, trau dồi bản lĩnh của người cộng sản.
Năm 1920, ở vào tuổi 24, Hồ Bá Cự đổi tên thành Hồ Tùng Mậu, rời gia đình, bước vào con đường đấu tranh cách mạng. Ông bí mật sang Thái Lan, rồi đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, ông cùng những thanh niên yêu nước thành lập Tâm Tâm Xã (Tân Việt Thanh niên Đoàn). Khi Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô đến Quảng Châu (tháng 11-1924), ông là người đảm nhận vai trò liên hệ giữa Nguyễn Ái Quốc với Phan Bội Châu. Tháng 12-1924, ông đã giúp Nguyễn Ái Quốc gặp gỡ, trao đổi với các thành viên chủ chốt của Tâm Tâm Xã, khi đó ngoài Hồ Tùng Mậu, còn có Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ, Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt… Cuộc gặp gỡ này đã tạo nên bước ngoặt căn bản trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Tùng Mậu. Ông và những người cùng chí hướng trong Tâm Tâm Xã đã sớm trở thành những người học trò, những người cộng sự tin cậy của Nguyễn Ái Quốc.
Sự nhạy bén, thông minh và quyết đoán của Hồ Tùng Mậu được thể hiện rõ trong hai sự kiện. Một là, ngày 11-5-1925, mật thám Pháp bắt Phan Bội Châu ở Ga Bắc Thượng Hải rồi bí mật đưa về Hà Nội giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Hồ Tùng Mậu đã kịp thời viết một bài báo ký tên Hồ Mộng Tống tố cáo âm mưu hãm hại cụ Phan của Pháp trên báo chí Trung Hoa. Bài báo đã góp phần khơi dậy phong trào đấu tranh rộng lớn đòi thả Phan Bội Châu. Hai là, vào tháng 6-1931, Hồ Tùng Mậu đã báo cho các đồng chí của mình về việc Nguyễn Ái Quốc bị bắt giam trái phép, khiến chính quyền Anh ở Hồng Kông không thể thực hiện âm mưu câu kết với chính quyền Pháp ở Ðông Dương hãm hại Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc. Hồ Tùng Mậu cùng Trương Vân Lĩnh tích cực liên hệ với Hội Quốc tế Cứu tế Đỏ nhờ can thiệp và vận động được luật sư Francis Henry Loseby đấu tranh pháp lý buộc chính quyền Anh trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Tùng Mậu có 14 năm bị kẻ thù giam cầm trong các nhà tù: Sài Gòn, Hỏa Lò, Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Trà Khê. Dẫu chịu nhiều khổ đau nơi địa ngục, con người Hồ Tùng Mậu vẫn sáng ngời phẩm chất người cộng sản, đoàn kết anh em tù chính trị, kiên trì đấu tranh chống lại những âm mưu xảo quyệt của kẻ thù. Khi Nhật đảo chính, hất cẳng Pháp ở Đông Dương, Hồ Tùng Mậu cùng đồng chí kịp thời thoát khỏi ngục tù đế quốc trở về với quê hương.
Sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân giao nhiệm vụ cho hai cán bộ dày dạn kinh nghiệm là Lê Thiết Hùng và Hồ Tùng Mậu lãnh đạo quân sự và chính trị trên địa bàn Chiến khu IV. Chính ủy khu Hồ Tùng Mậu đã nhanh chóng xây dựng tổ chức Ðảng trong Chiến khu bộ, trong các chi đội của cả 6 tỉnh, hình thành hệ thống công tác chính trị - tư tưởng trong lực lượng vũ trang chiến khu. Hồ Tùng Mậu đã vận dụng chính sách đại đoàn kết dân tộc và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, góp phần giữ vững vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, bám sát chỉ đạo cuộc chiến đấu ở vùng Bình - Trị - Thiên. Từ tháng 12-1949, đảm nhiệm trọng trách Tổng Thanh tra, Hồ Tùng Mậu đã tổ chức, lãnh đạo cơ quan Thanh tra Chính phủ hoạt động hiệu quả ngay từ những ngày mới thành lập. Với tác phong chan hòa, bình dị và khảng khái, với phẩm chất cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, với tinh thần tận tụy, Hồ Tùng Mậu đã làm việc quên mình, mãi mãi là tấm gương sáng cho lớp lớp cán bộ ngành Thanh tra noi theo.
Chiều 23-7-1951, trên đường đi công tác qua thị trấn Còng (Thanh Hóa), Hồ Tùng Mậu đã hy sinh trong trận oanh kích bằng máy bay của Pháp. Biết tin ông mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh thương tiếc viết: "Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, đoàn thể mất một người đồng chí trung thành và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc, cộng vào trong một lòng tôi!".
Hồ Tùng Mậu là nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối, là tấm gương suốt đời phấn đấu, cống hiến cho lý tưởng của Đảng, của cách mạng, lấy độc lập của Tổ quốc, tự do cho đồng bào làm lẽ sống.
“Đồng chí Hồ Tùng Mậu với Cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An” Sáng 14-6, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học "Đồng chí Hồ Tùng Mậu với Cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An". Hơn 30 tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học tại hội thảo tập trung vào 4 vấn đề: Ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đến sự hình thành nhân cách và lý tưởng cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu; Những đóng góp và vai trò quan trọng của đồng chí Hồ Tùng Mậu đối với Đảng, Nhà nước trên nhiều lĩnh vực; Đồng chí Hồ Tùng Mậu là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất, đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; Tình cảm và ảnh hưởng của đồng chí Hồ Tùng Mậu đối với nhân dân và Đảng bộ Nghệ An. Hội thảo được tổ chức nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động, những cống hiến của đồng chí Hồ Tùng Mậu đối với Cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An, đồng thời bày tỏ sự tri ân của Đảng và nhân dân ta đối với nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu và tài năng của Đảng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.