Tại nhiều bến xe lớn của Hà Nội như Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát, lượng khách đổ về đông hơn nhiều ngày thường khiến không khí buổi chiều cuối cùng trước ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 khá ngột ngạt.
Mỗi khi xe mở cửa, người dân chen chân lên để nhanh chóng có chỗ ngồi về quê. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Bến xe gồng mình “cõng” khách
Theo ghi nhận của phóng viên, dòng người đổ về khu vực bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình ngày một đông kể từ khoảng 2 giờ chiều nay (29/4).
Khu vực nhà chờ của bến xe mặc dù có 2 khu vực ghế nghỉ khá rộng nhưng đã nhanh chóng bị lấp đầy với lượng khách hàng lớn hơn hẳn thường ngày. Tại các cửa bán vé, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An là những tuyến người dân tập trung đông nhất.
Không muốn đợi chờ phía trong bến, nhiều người ngại mua vé tìm cách rút ngắn thời gian bằng cách xách đồ “đón lõng” phía ngoài cửa bến hoặc phía đường xe quay đầu.
Mặc dù lực lượng chức năng đã lường trước vấn đề này và có xe đi dọc khu vực trên nhưng một số xe vẫn kịp rình để “vớt” thêm khách ngay sau khi xuất bến. Tình hình này khiến khu vực đường Giáp Bát, Kim Đồng khá căng thẳng trong buổi chiều nay.
Tại bến xe Mỹ Đình, tình hình cũng căng thẳng không kém. Dòng người đổ qua tuyến đường khá hẹp là Cầu Giấy, Xuân Thủy, Mai Dịch khiến những con phố này vốn đã ngộp thở thường ngày lại càng thêm khó thở trong buổi chiều trước kỳ nghỉ lễ.
Tuyến đường Phạm Hùng chạy qua cổng bến Mỹ Đình vốn khá thoáng nhưng cũng khó tránh khỏi tình trạng ùn tắc cục bộ. Trong sân của bến xe là khu vực cấm xe nên dòng người đi bộ phải lếch thếch đồ đạc nối dài từ phía đầu đường Phạm Hùng vào phía sân trong khu vực bến xe.
Trục đường Phạm Văn Đồng lượng phương tiện ken cứng, còi xe inh ỏi khiến tuyến đường ùn tắc cả đoạn dài.
Ùn tắc giao thông ngay khu vực xung quanh bến xe Mỹ Đình. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Lẫn trong đoàn người về quê, chị Nguyễn Thị Quýnh, quê Phú Thọ bảo rằng, chiều này chị đã phải xin nghỉ làm sớm để về đón con rồi ra bến xe cho kịp.
“Từ Hà Nội về Việt Trì chỉ mất 1 tiếng rưỡi tới 2 tiếng nhưng mà càng về chiều thì xe càng đông. Năm ngoái, con tôi nhỏ nên người ta thương nhường chỗ cho cháu nhưng mà cũng phải chen chúc phát sợ,” chị Quýnh nói.
Cũng tại bến Mỹ Đình, đông nhất thời điểm chiều nay là các tuyến xe về các huyện bởi lượng xe cung ứng cho khu vực này khá ít và tần suất không nhiều. Theo nhiều người dân, chuyến cuối cho các xe đi huyện thường chỉ tới 15-16 giờ nên nhiều người cố gắng chen chân lên xe mặc dù nhiều tuyến đã chật cứng.
Đình chỉ nhà xe tăng giá vé
Theo đại diện lãnh đạo các bến xe Hà Nội, chiều ngày 29 và cả ngày 30/4 sẽ là lúc cao điểm nhất tại bến. Do đó, các đơn vị này đã tăng cường phương tiện để chuyển tải người dân về quê nghỉ lễ đồng thời có các biện pháp ngăn ngừa nhà xe tăng giá bất thường dịp lễ, nhồi nhét hành khách.
Ông Nguyễn Quốc Uy, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, lượng khách qua bến chiều 29 và 30/4 đợt này có thể đạt 45.000 người, 100% lực lượng bến xe đã được huy động chia làm 3 ca để phục vụ hành khách đi lại.
Bên cạnh đó, theo ông Uy, ngay tại cửa ra bến xe, các nhân viên của bến sẽ kiểm tra số lượng hành khách trên xe trước khi xuất bến. Nếu xe chở quá số khách quy định sẽ không được xuất bến.
Để ứng phó với tình trạng nhà xe tăng giá bất thường dịp lễ, các bến xe đã tổ chức cho nhà xe ký cam kết không tăng giá vé trái quy định, vị Giám đốc bến xe Mỹ Đình tiết lộ, trước dịp nghỉ lễ, có 3 nhà xe đề nghị tăng giá vé nhưng bến xe không đồng ý. Còn nếu hành khách thông tin nhà xe thu tiền xe quá mức giá niêm yết, sau khi xác minh là đúng, bến xe sẽ đình chỉ phương tiện đó từ 5-15 ngày.
Người dân xếp hàng dài vào mua vé tại bến xe Mỹ Đình. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
“Dịp lễ Giỗ tổ vừa qua, bến xe Mỹ Đình cũng đã nhắc nhở khoảng 40 nhà xe. Đến chiều nay, chưa ghi nhận trường hợp xe khách nào chèn ép hành khách,” ông Uy khẳng đinh.
Được biết, trong đợt nghỉ lễ này, bến xe Mỹ Đình đã tăng cường thêm khoảng 300-400 xe khách, bến xe Giáp Bát tăng thêm khoảng 200 xe khách để chạy các tuyến Hà Nội đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh.
Các số điện thoại đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: phản ánh về vi phạm trong hoạt động vận tải: 096 266 5953, 096 404 5445, 097 749 7891, 091 690 8085, 091 343 2383, 091 790 8085; phản ánh về tai nạn giao thông, trật tự an toàn giao thông: 086 891 1911, 099 321 1111, 098 908 8719, 093 617 3906, 099 591 8666; số đường dây nóng của Cục Cảnh sát giao thông: 069 234 2608 (máy bàn, không thể nhắn tin). Công ty Bến xe Hà Nội cũng công bố số đường dây nóng của Bến xe Mỹ Đình: 091 355 0524; Bến xe Giáp Bát: 091 330 5885; Bến xe Gia Lâm: 091 323 4684. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.