(HNM) - Một hiện tượng ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, công khai hơn khiến nhiều người lo lắng, đó là việc thách thức, nhục mạ, tấn công người thi hành công vụ.
Theo Tờ trình Chính phủ của Bộ Công an kèm theo dự thảo "Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ", trong 10 năm (từ 2002 đến 2012) đã có 8.513 vụ chống người thi hành công vụ với 13.706 đối tượng. 90% các vụ là chống lại lực lượng công an. Hành động chống người thi hành công vụ thể hiện ở nhiều cấp độ, từ cãi cọ, chửi bới thô lỗ tới các hành vi xúc phạm nhân phẩm, tính mạng của người đại diện pháp luật. Những vụ như bắn vào lực lượng công an, cho xe lao thẳng vào cảnh sát giao thông, hất cảnh sát lên nắp ca pô rồi chạy với tốc độ cao một đoạn dài, ngày càng được phản ánh nhiều trên báo chí, dư luận.
Tìm nguyên nhân của những hành động hung hãn, côn đồ, coi thường pháp luật này, có thể thấy: Thứ nhất là, cái ác đang lan tràn, kẻ xấu ngang nhiên hoành hành, coi thường kỷ cương phép nước, làm giảm uy tín của những người đại diện pháp luật. Thứ hai là, người dân uất ức vì ngang trái, bất công nên đã có những hành động quá khích cần lên án và răn đe nhưng cũng đồng thời cần giáo dục, xử lý những kẻ thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức quyền để thể hiện rõ sự nghiêm minh của chế độ, giải quyết tận gốc những tệ nạn ấy; Thứ ba là, cơ chế pháp lý chưa rõ ràng, chưa đủ mạnh, đủ nghiêm để răn đe, ngăn chặn, bảo vệ pháp luật và những người đại diện pháp luật.
Nếu tin vào những nguyên nhân chủ yếu đó thì việc ban hành nghị định này là rất cần thiết. Không thể có tình trạng lực lượng công an, cảnh sát nhiều nhưng hiệu quả lại không cao. Không thể có tình trạng trang bị cho những người thi hành công vụ không thiếu nhưng khi lâm sự thì hầu hết những trang bị đó đều không phát huy được tác dụng, người có trách nhiệm bảo vệ pháp luật luôn rơi vào thế bị động vì không có quyền sử dụng những trang bị đó để tự vệ hoặc tấn công tội phạm trong trường hợp nguy hiểm. Một thực tế nữa là những kẻ chống đối hiểu rất rõ rằng mình sẽ an toàn vì công an rất hạn chế việc sử dụng những vũ khí đang có...
Nhưng đây mới chỉ là một mặt của vấn đề. Ai cũng biết rằng trong lực lượng thực thi pháp luật bên cạnh số đông người tốt còn có không ít kẻ xấu. Được nới rộng quyền sử dụng những công cụ trấn áp, điều gì sẽ xảy ra nếu trong những trường hợp diễn ra chớp nhoáng, không có đủ chứng cứ và người làm chứng, những kẻ xấu hoàn toàn có thể vi phạm điều lệnh, nội quy, quy trình… trong khi thi hành công vụ gây hệ lụy cho xã hội. Sử dụng súng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Thế nào là trong giới hạn phòng vệ chính đáng, thế nào là không xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người khác cũng rất cần công khai, minh bạch. Bởi lẽ, sự bình tĩnh, kiên nhẫn, điều không phải ai, lúc nào, ở đâu cũng giữ được.
Bởi thế kiên quyết ủng hộ nhưng cũng kiên quyết đòi hỏi người dân phải tôn trọng người thi hành công vụ nhưng người thi hành công vụ cũng phải tôn trọng nhân dân, tôn trọng pháp luật để phục vụ dân. Chỉ có thế nghị định mới phát huy mặt tích cực, không bị lợi dụng, thiên lệch, không để xảy ra tình trạng lạm quyền...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.