Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dân ngại “đụng chạm” với cơ quan công quyền

Hà Phong| 20/10/2012 05:58

(HNM) - Công tác bồi thường của Nhà nước đã được thể chế hóa từ gần 3 năm qua bằng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) nhưng vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống như kỳ vọng.

Đang xuất hiện tình trạng người dân ngại đi kiện hoặc không đủ chứng lý để kiện. Bản thân các bộ, ngành cũng có vướng mắc vì thiếu cơ chế phối hợp trong quá trình giải quyết.

Điểm lại tình hình và kết quả triển khai Luật TNBTCNN trong gần 3 năm qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cho biết: Tính từ ngày 1-1-2010 đến 30-9-2012, các cơ quan có TNBT đã thụ lý 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại (bao gồm 54 vụ việc trong lĩnh vực hành chính, 90 vụ việc trong hoạt động tố tụng và 24 vụ việc ở mảng thi hành án dân sự). Trong đó, đã giải quyết được 122 vụ việc với tổng số tiền phải chi trả là hơn 16 tỷ đồng. Đáng lưu ý, số tiền bồi thường trong lĩnh vực tố tụng khá cao - gần 8 tỷ đồng, chứng tỏ còn khá nhiều sai sót liên quan tới việc vây bắt nghi phạm, giải quyết các vụ án.

Một buổi tọa đàm đánh giá việc triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.


Theo Phó Vụ trưởng Vụ 1 (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) Nguyễn Duy Giảng, thời gian qua, ngành đã tiếp nhận, thụ lý 65 đơn thư, kiểm tra, thẩm định và đề nghị cấp kinh phí bồi thường 60 trường hợp với tổng số tiền bồi thường gần 6,5 tỷ đồng. Hiện vẫn còn tồn đọng một số vụ việc chưa giải quyết xong bởi người bị thiệt hại chưa thống nhất về mức bồi thường, dẫn đến khiếu nại kéo dài. So với ngành kiểm sát, số vụ việc yêu cầu bồi thường của các bộ, ngành khác không nhiều. Đến nay, Bộ Công an mới giải quyết bồi thường 2 trường hợp với số tiền 180,5 triệu đồng. Tương tự, Bộ Tài chính cũng chỉ tiếp nhận có 7 trường hợp, đã giải quyết 5 trường hợp và các công chức liên quan đã hoàn trả 19 triệu đồng tiền bồi thường vào ngân sách nhà nước…

Mặc dù vậy, theo nhận định của Cục Bồi thường Nhà nước "chưa vội lấy làm mừng với kết quả trên". Đang tồn tại tình trạng công dân yêu cầu giải quyết bồi thường nhưng cá nhân người thi hành công vụ tự thương lượng với người bị thiệt hại nhưng không tuân theo đúng quy trình hiện hành. Có nơi cơ quan bao che, gây khó khăn cho việc thống kê. Hoặc có những đơn của công dân không đủ điều kiện thụ lý hay người bị thiệt hại ngại kiện vì e sẽ gặp bất trắc khi yêu cầu bồi thường. Thế nên, công tác tổng kết gặp khó khăn, khó có con số chính xác tuyệt đối. Cho dù hoạt động quản lý hành chính chủ yếu phát sinh lỗi ở địa phương nhưng việc giải quyết rất khiêm tốn, đến nay vẫn có 24 tỉnh, thành phố báo cáo chưa phát sinh yêu cầu bồi thường.

Một nguyên nhân quan trọng khiến số vụ việc tiếp nhận bồi thường chưa nhiều là vì thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể. Trên thực tế, mặc dù Luật TNBTCNN có hiệu lực thi hành từ ngày đầu tiên của năm 2010, nhưng không thể vận dụng ngay. Đến ngày 3-3-2010, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật. Tiến độ triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn để áp dụng cho các lĩnh vực cụ thể cũng không đồng đều. Trong khi Bộ Tài chính đã hoàn thành Thông tư quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện trách nhiệm BTNN thì tiến độ xây dựng các chính sách liên quan đến bồi thường trong mảng hành chính, tố tụng hình sự do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ đảm nhận còn chậm vì thiếu cơ chế phối hợp. Đối với công tác quản lý nhà nước chung do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo mới đang ở giai đoạn xin ý kiến các bộ, ngành. Ở lĩnh vực thi hành án hình sự, Bộ Tư pháp tuy được giao giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhưng công tác nghiệp vụ lại thuộc thẩm quyền của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Chính điều này, đang gây ra sự lúng túng và thiếu đồng bộ trong quá trình giải quyết bồi thường cho cá nhân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, ngay cả luật gốc cũng có những điểm chưa kín kẽ. Theo quy định tại điều 4 Luật TNBTCNN, thời hiệu người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường là 2 năm kể từ khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của cán bộ thi hành công vụ. Hướng dẫn này không hợp lý theo nguyên tắc tính thời hiệu thông thường, gây bất lợi cho người bị thiệt hại. Vì trên thực tế có những trường hợp người bị thiệt hại không nhận được văn bản xác định hành vi trái pháp luật hoặc khi nhận được thì văn bản này đã hết thời hiệu, khiến yêu cầu bồi thường của họ không được thụ lý. Như vậy, vô hình trung Luật TNBTNN đã đặt thêm thủ tục đối với người bị thiệt hại trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình. Và không khó hiểu khi một bộ phận người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngại "đối đầu" với cơ quan công quyền. Việc họ chưa yêu cầu đền bù không phải là vì các cơ quan nhà nước đang hoạt động quá hoàn hảo, mà chủ yếu là do ngại cảnh "dài cổ" chờ đợi và thiếu cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người dân ngại “đụng chạm” với cơ quan công quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.