Pháp luật

Sau 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước:Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân

Hà Phong 22/11/2023 - 17:03

Sau 5 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017, các bộ, ngành và địa phương đánh giá, đây là công cụ pháp lý hữu hiệu bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; từng bước nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ.

Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật còn gặp một số vướng mắc; một số quy định của Luật chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc áp dụng vào thực tiễn.

Giải quyết 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại

Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư Pháp) Nguyễn Văn Bốn cho hay, triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2018), đến nay, các cơ quan chức năng đã thụ lý, giải quyết 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong đó, 103 vụ việc đã có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật (đạt 61,3%) với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là gần 77 tỷ đồng; 22 vụ việc đã đình chỉ và 43 vụ việc đang tiếp tục được giải quyết.

Trong số 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thì liên quan đến hoạt động quản lý hành chính chiếm 64 vụ việc, hoạt động tố tụng có 79 vụ việc...

Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Lê Thái Phương đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương có phương pháp tiếp cận công tác triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước rất đặc biệt. Đó là ưu tiên tập trung phòng ngừa, trong đó đề cao việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Mỗi cán bộ, công chức phải tự nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, không để xảy ra sai sót trong khi thi hành công vụ.

Sau 5 năm triển khai thi hành luật, vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước được phát huy kịp thời. Hoạt động giải quyết bồi thường đạt nhiều kết quả tích cực, giúp người bị thiệt hại giải tỏa áp lực về mặt tinh thần, lấy lại danh dự... Qua đó, góp phần nâng cao lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước; giảm thiểu những vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Lan tỏa quy định pháp luật đến người dân

Mặc dù, đạt được nhiều kết quả tích cực, song phản ánh của các bộ, ngành, địa phương cũng cho thấy, vẫn còn một số quy định của Luật chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc áp dụng. Nhiều quyết định chấm dứt tố tụng tuyên không rõ, khiến tiến độ giải quyết chưa được như mong muốn.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong quá trình giải quyết các vụ việc, cơ quan chức năng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Một số vụ việc xảy ra cách đây nhiều năm, hồ sơ vụ án không đầy đủ, thất lạc, tài liệu liên quan đến việc xác minh thiệt hại không thống nhất. Cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được việc giao nhận văn bản, quyết định xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường... Vấn đề nữa, đây là lĩnh vực khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, đòi hỏi cao về kinh nghiệm thực tế giải quyết bồi thường, xác minh thiệt hại. Trong khi đội ngũ công chức thực hiện tại các cơ quan chủ yếu là kiêm nhiệm, không ổn định.

Từ thực tế hỗ trợ pháp lý cho người dân, luật sư Đào Ngọc Lý, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý nhận định, các cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan tiến hành tố tụng phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa, nhất là với những vụ việc phức tạp, lấp các "lỗ hổng" về thể chế, mới có thể đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả hoạt động giải quyết bồi thường. Đặc biệt, đội ngũ luật sư là “cầu nối” giữa cơ quan nhà nước và người dân, do đó Cục Bồi thường nhà nước và các đơn vị liên quan cần quan tâm phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm, tập huấn luật để mọi đối tượng trong xã hội đều có cơ hội nắm rõ quy định của pháp luật.

Trưởng phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Tâm cũng cho rằng, thời gian qua, công chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước phải thực hiện nhiều nhiệm vụ mà lại chưa có điều kiện nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ. Khâu tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về thực hiện công tác bồi thường nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục… Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bồi thường nhà nước; kiện toàn lực lượng công chức, viên chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Cùng với đó, tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao năng lực của cán bộ, công chức để việc khiếu nại, tố cáo không bị kéo dài, bảo đảm được quyền và lợi ích của người dân…

Tại báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, với những vụ bồi thường nhà nước tồn đọng từ năm 2021 chuyển sang 2022, Bộ đã có văn bản đôn đốc các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm. Tính đến ngày 28-2-2023, các địa phương đã giải quyết xong 23/58 vụ.

Tại báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, với những vụ bồi thường nhà nước tồn đọng từ năm 2021 chuyển sang 2022, Bộ đã có văn bản đôn đốc các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm. Tính đến ngày 28-2-2023, các địa phương đã giải quyết xong 23/58 vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước: Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.