(HNMO) - Hôm nay, 31-3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg 2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1-4-2020 trên phạm vi toàn quốc. Các giải pháp về cách ly xã hội không đồng nghĩa với phong tỏa đất nước, Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình.
Với đời sống xã hội, người dân không cần lo lắng về sinh hoạt thường ngày bởi vẫn có thể ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men...
Người dân vẫn được đi mua lương thực, thực phẩm bình thường
Trong 15 ngày thực hiện cách ly toàn xã hội, người dân vẫn có thể ra ngoài khi có việc thật cần thiết, hoặc mua hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh. Vì vậy, người dân không cần đổ dồn đến các siêu thị vào một thời điểm, tránh tập trung đông người dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ghi nhanh của phóng viên Báo Hànộimới vào thời điểm 13h ngày 31-3, một số người dân đã rục rịch đi mua hàng thiết yếu cho gia đình. Lượng khách đến các siêu thị tăng hơn so với thời điểm buổi sáng và những ngày trước.
Chẳng hạn lúc 13h, một số siêu thị ở khu đô thị Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, khá vắng người đến mua. Chị Nguyễn Thị Hương (toà nhà CT2B) cho biết: "Tôi chỉ đi mua một số đồ dùng, thực phẩm bổ sung chứ không tích trữ. Tôi nghĩ siêu thị sẽ luôn cung cấp đầy đủ thực phẩm trong những ngày tới nên không mấy lo lắng".
Cũng giống như chị Hương, nhiều người dân sống ở khu vực này cũng tỏ ra bình thản, không có cảnh rồng rắn xếp hàng ở siêu thị mua thực phẩm hay hàng tiêu dùng.
Còn tại siêu thị Tmart trên đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), người dân đến mua đông hơn đầu giờ sáng. Các mặt hàng được lựa chọn nhiều là mỳ tôm, giấy vệ sinh, rau củ quả. Tại quầy rau rủ quả, một số kệ đã có dấu hiệu vơi. Trong khi đó, các mặt hàng khác như mì tôm, dầu ăn... còn nhiều. Người mua đông, xếp thành hàng nên phải chờ đợi thanh toán. Tại đây, có vài người mua nhiều nhưng đa số mua đủ dùng vài ngày.
Chị Nguyễn Thị Hà (ở ngõ 72 Lĩnh Nam) cho biết, sau khi nắm được thông tin thực hiện cách ly toàn xã hội, chị ra siêu thị mua một thùng mì tôm và 1kg bánh đa khô về nấu ăn sáng cho cả gia đình. Những mặt hàng khác chị chỉ mua đủ dùng trong hai ngày vì biết rằng nhu yếu phẩm vẫn được bảo đảm cung ứng đầy đủ.
Lúc 13h30, tại siêu thị BigC Long Biên, lượng người tới mua sắm đã tăng. Quầy thanh toán có hàng dài khoảng 15 người với các xe hàng đầy. Hai nhân viên quầy hàng liên tục nhắc người mua xếp hàng. Các mặt hàng được nhiều người lựa chọn là dầu ăn, mì tôm, sữa, giấy vệ sinh và củ quả để được lâu như bí đỏ, bí xanh, khoai tây, khoai sọ…
14h, tại siêu thị Vinmart ở số 85 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, lượng khách đến cũng tăng hơn hôm qua. Chủ yếu khách mua thực phẩm tươi đủ dùng trong 2-3 ngày, các kệ hàng từ rau quả, thực phẩm tươi sống vẫn đầy ắp. Dù phải xếp hàng thanh toán nhưng người mua luôn giữ khoảng cách an toàn.
Chị Trần Thanh Thảo, nhà ở toà 24T2, khu đô thị Hapulico cho biết, cũng có nghe thông tin cách ly toàn xã hội, nhưng vì nhà hết đồ nên tiện ghé mua, chứ không có nhu cầu tích trữ vì từ ngày có dịch Covid 19, siêu thị này chưa khi nào khan hiếm bất kỳ hàng hoá gì và những ngày tới siêu thị vẫn hoạt động bình thường. Vì vậy, việc tích trữ là không cần thiết, không phải ăn thực phẩm để lâu, không tươi ngon…
Tại các chợ dân sinh ở một số quận trên địa bàn Hà Nội chiều 31-3, sức mua và giá một số mặt hàng có tăng nhẹ.
Đơn cử, tại chợ Bông Đỏ, phường La Khê (quận Hà Đông) hay tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), tất cả quầy bán rau, củ, quả đều đông người mua. Giá các mặt hàng có tăng nhẹ. Cụ thể, su hào 10.000 đồng/củ; su su 20.000 đồng/kg... Chợ Nhân Chính, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) hồi 18h vẫn sáng đèn phục vụ người dân. Một số người bán hàng thịt lợn và rau củ vốn chỉ bán buổi sáng, chiều nay cũng tiếp tục mở quầy.
Khác với các chợ trên, tại khu vực quận Long Biên, dù lượng mua, bán tăng nhưng giá lại bình ổn.Tại chợ Gia Lâm (quận Long Biên) hồi 17h, người mua, người bán tấp nập, hàng hoá phong phú hơn ngày thường. Các mặt hàng giá vẫn ổn định. Đáng chú ý, các hàng bán thực phẩm tươi sống rất đông khách.
Dồi dào nguồn cung hàng thiết yếu
Ngày 31-3, tin từ Bộ Công Thương cho biết, đến nay, tất cả các địa phương và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước đã có phương án cụ thể về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường. Các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Đối với việc vận chuyển hàng hóa, ngoài phương án cụ thể của từng địa phương, Bộ cũng đã có các phương án, kể cả với trường hợp phong tỏa.
Chiều 31-3, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, ngành Công Thương thành phố đã có kịch bản cung ứng hàng và trong bất kỳ tình huống nào, các hệ thống phân phối của Hà Nội cũng bảo đảm hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân, kể cả khi lượng mua sắm của người dân tăng gấp 1,5-2 lần.
Các doanh nghiệp cung ứng hàng lớn đã dự trữ hàng hóa từ khá sớm, đồng thời chủ động nguồn cung sẵn sàng bổ sung, đưa hàng về Hà Nội khi nhu cầu gia tăng đột biến. Hiện, lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn bảo đảm cung ứng cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày.
Một số đơn vị bán lẻ lớn, như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị BigC, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống các siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart), hệ thống siêu thị Đức Thành... đã tăng lượng dự trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 300% đến 500% so với bình thường. Hệ thống Co.opmart tăng lượng hàng hóa dự trữ với trị giá 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng phục vụ nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết, hệ thống BigC đã thực hiện mở cửa sớm và đóng cửa muộn hơn, với nguồn hàng thực phẩm tươi sống tăng gấp 300%. Ngoài ra, thời gian này, BigC đã đánh dấu vị trí để khách đến mua hàng giữ khoảng cách an toàn khi xếp hàng thanh toán.
Cùng với việc bảo đảm cung ứng đủ hàng hoá phục vụ người dân, các siêu thị cũng song hành thực hiện hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch như: Trang bị dung dịch sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt, phát khẩu trang cho khách hàng… Đặc biệt, để bảo đảm việc giữ khoảng cách tối thiểu, nhiều hệ thống còn kẻ vạch, dán ký hiệu giữ khoảng cách tối đa 2m cho người dân khi tới đây mua sắm, dựng kính chắn tại điểm thu ngân hay trang bị mũ có tấm che mặt cho nhân viên quầy thu ngân...
Tại siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy), hàng loạt tấm kính chắn và tấm dán quy định chỗ đứng của khách hàng ở quầy thanh toán đã được lắp để hạn chế tình trạng đứng quá sát nhau. Hệ thống loa của siêu thị cũng liên tục nhắc nhở khách hàng chấp hành nghiêm chỉnh hướng dẫn.
Tại siêu thị Vinmart Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy), toàn bộ nhân viên quầy thu ngân được trang bị mũ có gắn tấm chắn bảo vệ toàn bộ mặt, đồng thời, dưới sàn siêu thị cũng gắn các tấm dán quy định chỗ đứng của khách hàng. Nhân viên thường xuyên điều tiết khách hàng đến những quầy trống để không xảy ra tình trạng tập trung người quá gần nhau.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, tại các quầy hàng, nhất là quầy rau củ, quả, thực phẩm tươi sống, khách hầu hết chỉ tập trung chọn đồ chứ chưa để tâm đến việc giữ khoảng cách an toàn, mặc dù một số siêu thị thường xuyên phát loa nhắc nhở. Thậm chí, nhiều người dường như không nhìn thấy các vạch giới hạn, các ký hiệu phân cách được các siêu thị, cửa hàng tiện ích chuẩn bị, vẫn “hồn nhiên” chen lấn.
Do diện tích nhỏ hơn nên tại các cửa hàng tiện ích, các miếng dán giữ khoảng cách cũng không bảo đảm đủ khoảng cách 2m. Vì vậy, mỗi người dân khi đến mua sắm cần chủ động nâng cao ý thức tự giác bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.