(HNMCT) - Tôi cứ hình dung về họa sĩ Nguyễn Thị Hiền như thế này: Một người đàn bà đứng với cây cọ trong tay, giá toan căng trước mặt, bên lề đường phố tấp nập người qua, chẳng ra ngơ ngác, chẳng ra khôn ngoan, như không nghe gì, thấy gì ngoài bức tranh đang hình thành trong đầu, bức tranh sắp được đổ ào ra qua bàn tay kỳ tài, nhưng lại ôm trọn vũ trụ vào những nét màu của mình.
1. Trời Hà Nội trước rằm tháng Giêng mưa sụt sùi, lạnh tê tái. Căn nhà 5 tầng trên phố Trần Khát Chân đón tôi bằng những bức tranh lặng lẽ bí ẩn. Từng bức, từng bức dõi theo tôi qua nhịp cầu thang đi lên để gặp người đàn bà vẽ suốt hơn nửa thế kỷ qua. Dường như đôi khi cần phải sống chậm lại, và thụ hưởng một không gian riêng khác, để nhận ra vũ trụ vẫn đang bao bọc quanh mình.
Là con gái cả của nhà văn Kim Lân, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền có một tuổi thơ mà theo tôi là hạnh phúc hơn nhiều đứa trẻ khác, cho dù chị sinh ra lớn lên ở thời kỳ khó khăn của đất nước. Đó chính là quãng thời gian chị sống tại khu Đồi Cháy thuộc ấp Cầu Đen, Nhã Nam, Yên Thế, Bắc Giang, nơi bao nhiêu văn nhân, nghệ sĩ đã từng lưu dấu, bởi đây là nơi trung chuyển để lên chiến khu Việt Bắc. Hàng xóm của gia đình nhà văn Kim Lân ngày ấy toàn là các bậc kỳ nhân: Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Phùng Quán, Nguyễn Huy Tưởng, Anh Thơ, Đỗ Nhuận, Trần Văn Cẩn, Phùng Cung, Nguyễn Tư Nghiêm...
Đó cũng là cơ hội để cô bé Hiền thường nhòm qua cửa, xem bác Nghiêm, bác Cẩn... vẽ từ những nét đầu tiên. Rồi cái ngày Thủ đô được giải phóng lại được cùng bố và các cô bác trở về Hà Nội bên dòng người trên những chuyến xe phất khăn lụa xanh, hát vang bài ca Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi.
Nhớ cái quả đồi tuổi thơ da diết, Hiền đòi bố mua cho bút màu và giấy để vẽ. Đồi Cháy hiện lên cùng với cô bé Hiền và dưới chân là đàn gà ríu rít đón mồi... Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền kể rằng, chính bà cũng không ngờ bức tranh đầu tay Quả đồi của em ấy lại được trao giải thưởng quốc tế ở Hungary, mở đầu cho hàng loạt bức tranh được bà vẽ trong sự khuyến khích của nhà văn Kim Lân. Nào là sông Hồng, trường học, nào là bể cá, búp bê... Cứ vẽ ra là bố Kim Lân lại gửi đi dự thi ở đâu đó. Có nhiều bức còn đoạt được Huy chương Bạc tại Ấn Độ hay giải thưởng tại Ba Lan và nhiều nước khác... Rồi bà được mọi người gọi là thần đồng hội họa bởi các bức vẽ ban đầu ấy vô cùng sống động, thể hiện tài năng và tư duy khác biệt.
Vốn là người theo học vẽ từ họa sĩ Nguyễn Gia Trí, nhà văn Kim Lân nhất định ngăn cản con gái theo nghiệp viết văn. Ông hướng con gái theo hội họa. Dẫu có thời kỳ khó khăn nhưng không khi nào Hiền thiếu màu vẽ, giấy vẽ. Bố Kim Lân thường mua hoa quả, các bức tượng về cho con gái vẽ, không cho ai đụng đến cho tới khi Hiền vẽ xong. Và Nguyễn Thị Hiền đã thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Yết Kiêu, trở thành học trò của những họa sĩ nổi tiếng như Đinh Trọng Khang, Huy Oánh, Tạ Thúc Bình. Bà còn được các họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Văn Cao, Sĩ Ngọc dạy thêm... Có lẽ vì thế, hiếm có ai như họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, khi được giới thiệu vào Hội Mỹ thuật Việt Nam có tới 4 chữ ký của các danh họa Việt Nam: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng.
2. Cuộc đời sáng tác của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Tranh của bà bán được ở rất nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Nauy, Thụy Điển, Ba Lan, Australia, Mỹ, Philippines... Ngoài ra, bà còn vẽ mấy trăm bức chân dung cho các đại sứ, các chuyên gia... của 20 quốc gia trên thế giới.
Có lần bà tiếp đoàn kiến trúc sư Đài Loan (Trung Quốc) sang, họ đã biết gallery của bà nhưng khi về nhà riêng, bắt gặp những bức tranh treo trên tường họ hỏi: “Các bức tranh ở đây ai vẽ?”. Bà đáp: “Tôi vẽ”. Đoàn khách lúc ấy mới biết chủ gallery xinh xắn kia chính là một “tay cọ” có hạng. Và rồi họ đòi mua hết tranh treo trong nhà. Bà chỉ giữ lại 4 bức vẽ bà nội, bố Kim Lân, con gái, và người bạn thân. Vậy mà sau đó, có người trong đoàn kiến trúc sư nói trên đã quay lại tới 4 lần, để thuyết phục bà “giúp” cho họ mua nốt...
Năm 1974, khi đi vẽ ở Thái Bình về, bà thất thần khi toàn bộ tranh treo trong ngôi nhà trên phố Hạ Hồi không còn nữa. Hóa ra gallery Xunhasaba đã cho người đến mượn bố Kim Lân để cho khách xem. Khách đó là đoàn nhà báo của Mỹ và Nhật. Họ muốn được xem tranh của các họa sĩ Việt Nam thời chiến tranh, và đã thuyết phục để mua hết bộ tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cùng 1 bức của họa sĩ Thành Chương - em trai bà. Tuy rất buồn khi phải chia xa những “người bạn thân thiết”, nhưng bấy giờ ý thức quảng bá nghệ thuật cho thế giới biết đến các nghệ sĩ Việt Nam thời chiến tranh rất cao, nên bà đành chấp nhận. Toàn bộ số tiền bán tranh đó giúp bà mua được căn nhà ở phố Trần Quý Cáp, nơi gắn bó khá lâu với bà, nơi bà thường ngồi vẽ.
Thành công trong cuộc đời sáng tác của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền còn thể hiện qua nhiều triển lãm quốc tế. Năm 2009, tại triển lãm tranh quốc tế ở Tây Ban Nha do Vua và Hoàng hậu nước này tổ chức, bà có 55 bức tranh tham dự, sánh cùng tác phẩm của các danh họa nổi tiếng thế giới từ nhiều thế kỷ trước và các họa sĩ đương đại. Điều đáng nói là khi triển lãm còn chưa khai mạc, trong số tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã có hơn một nửa được đặt mua. Bức có giá thấp nhất là 5.000 euro (khổ 40 x 42cm). Bức có giá cao nhất là 25.000 euro (khổ 80cm x1m). Bà là họa sĩ Việt Nam đầu tiên được tham gia triển lãm này.
Tuy nhiên, những bức tranh không phải lúc nào cũng có chung sự may mắn, thuận lợi. Năm 1987, khi bà chuẩn bị sang Pháp dự triển lãm tranh thì “có chuyện”: Toàn bộ 40 bức tranh được đóng gói và đã gửi đi, thế nào mà không thể tới nơi cần đến. Rồi là những bức tranh bị “thất thoát” khi thay đổi chỗ ở, có bức phải mua lại với giá vài chục triệu đồng. Cũng có những “vụ” không thành do nguyên nhân bất khả kháng, như lần Tổng thống Philippines và phu nhân mời bà vẽ chân dung. Bên bạn đã chuẩn bị mọi việc kỹ càng. Vậy mà bà đã không thể sang do vướng việc gia đình, đành phụ tấm lòng và làm lỡ dở công việc của bạn.
3. Viết về họa sĩ Nguyễn Thị Hiền thì phải nhắc đến mối tình giữa bà với nhà thơ Lưu Quang Vũ. Định mệnh dẫn dắt hai người gặp nhau không đúng lúc, nên thời kỳ yêu Nguyễn Thị Hiền là lúc thơ Lưu Quang Vũ ẩn chứa nhiều vĩ tầng lãng mạn, da diết.
Bây giờ, trên tường nhà họa sĩ Nguyễn Thị Hiền ở Hà Nội, nơi bà hay ngồi tiếp khách, phía trên là bức tranh chữ bà họa thơ Lưu Quang Vũ tặng: “Mỗi bức tranh của em/ Như một ô cửa/ Mở tới tình yêu/ Ở đó lòng em ra với mọi người/ Ở đó mọi người đi tới bên nhau”.
Sau này vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, bà tiếp tục mở phòng tranh, rồi phát triển thành công ty. Bà điều hành công ty, phụ đỡ chồng, và vẽ. Sinh năm 1946, người đàn bà có số mệnh thiên phú tài hoa này đã cầm cọ hơn nửa thế kỷ. Và cho đến nay, tranh của bà vẫn mang nét ẩn dụ, tinh tế, giản dị mà sang trọng, tươi mới mà trầm lắng. Mùa đông năm 2020, bà bay ra Hà Nội ngồi vẽ, chuẩn bị triển lãm tranh về những người bạn của cha mình và của mình. Những ngày đông giá rét xứ Bắc luôn có gì đó bí ẩn, quyến rũ, ngỡ như nâng đỡ nội lực sáng tạo ở người đàn bà không bao giờ biết đầu hàng số phận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.