Công việc sưu tầm di cảo của nhà văn Vũ Trọng Phụng được ông Sơn, con rể cụ Phụng, chăm chút, âm thầm, không tiếc công sức. Rồi vợ chồng ông còn dành dụm xây Nhà lưu niệm cho nhà văn trong mảnh đất gia đình với nhiều kỷ vật...
Ông Nghiêm Xuân Sơn |
Công việc sưu tầm di cảo của nhà văn Vũ Trọng Phụng được ông Sơn, con rể cụ Phụng, chăm chút, âm thầm, không tiếc công sức. Rồi vợ chồng ông còn dành dụm xây Nhà lưu niệm cho nhà văn trong mảnh đất gia đình với nhiều kỷ vật...
Cùng với thời gian, tài năng văn học Vũ Trọng Phụng ngày càng được khẳng định. Biết bao công việc phải làm của giới văn học, gia đình và cả những người yêu văn học mấy chục năm qua mới có được. Trong đó có một người, gần như suốt một đời sưu tầm, gìn giữ di sản của nhà văn họ Vũ, ấy là người con rể của nhà văn - ông Nghiêm Xuân Sơn.
Duyên số hay là tình yêu văn học đã đưa chàng trai nhà họ Nghiêm gắn bó với nhà văn họ Vũ.
Cái buổi ban đầu sâu nặng ấy còn mãi trong ông cho đến suốt cuộc đời: “Năm 18 tuổi, người bạn thân của tôi là thầy dạy kèm Vũ Mỵ Hằng. Đến thăm bạn đang dạy học, tình cờ gặp cô học trò bé bé xinh xinh thùy mị, hiền lành ấy khiến lòng tôi xao xuyến bâng khuâng. Sau này biết Hằng là con gái nhà văn họ Vũ mà tôi thích từ nhỏ, tình yêu càng lớn dần. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tôi và Hằng tham gia công tác đoàn thanh niên, cùng dạy bình dân học vụ nên càng có điều kiện hiểu nhau. Năm 1956, ra công tác, bắt đầu một cuộc sống gia đình với người mình yêu thương, tôi hạnh phúc vô cùng”.
Vào một ngày đông giá lạnh (1939), nhà văn họ Vũ ho đến xé phổi rồi âm thầm ra đi từ một gian nhà mới thuê, trống huơ trống hoác ở 73 Ngã Tư Sở, kề bên căn nhà Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu vừa từ giã cõi trần ai. Đám tang không kèn không trống, bạn bè và gia đình đưa ông đến nghĩa trang phía tây Hà Nội. Một nấm mồ như bao nấm mồ của những người lao động nghèo khổ giữa đất trời lạnh lẽo.
Năm 1957, mến mộ tài năng người quá cố, ông chủ Nhà xuất bản Minh Đức có sáng kiến in lại tác phẩm “Vỡ đê” và vận động bạn bè cùng những người quý mến nhà văn xuất bản tập san “Vũ Trọng Phụng với chúng ta” mới có tiền xây mộ cho nhà văn. Ai cũng tưởng, thế là nhà văn khốn khó ở đời được mồ yên mả đẹp.
Nhưng rồi, gần mười năm sau, năm 1965, khu nghĩa trang ấy phải di rời, nhường chỗ cho việc xây dựng khu công nghiệp. Vợ chồng ông Sơn bàn với gia đình bốc mộ cha về quê nhà để tiện việc hương khói.
Làm xong một việc lớn, hai vợ chồng ông thở phào nhẹ nhõm, những tưởng thế là yên ổn cho cả người chết lẫn người sống. Nhưng rồi đâu có yên, cuối năm 1972, Mỹ đánh phá Hà Nội.
Không biết những tên cướp trời từ bên kia đại dương có đọc văn Vũ Trọng Phụng không mà cũng cay cú ném bom cả vào khu nghĩa địa ông nằm. Rồi một công trình mới phục vụ quốc phòng xây dựng trên đất nghĩa địa, thế là một lần nữa mộ cụ Phụng phải chuyển về nghĩa trang Quán Dền cách đó 3 km.
Chưa hết, năm 1985, Hà Nội làm đường mương thoát nước thải cho thành phố đi qua khu nghĩa địa Quán Dền. Đau xót vì phải nhiều lần chuyển mộ cha, mà không biết lần thứ năm đã là lần chuyển cuối cùng chưa, nên lần này vợ chồng ông Sơn tính sẽ đưa mộ nhà văn tài hoa về trong vườn nhà.
Một sự phá lệ làng nhưng không ai là không thông cảm cho hoàn cảnh gia đình ông. Chính quyền địa phương đồng ý, Hội Nhà văn Việt Nam ủng hộ.
Lý lẽ của nhà nghiên cứu văn học Hoàng Thiếu Sơn củng cố thêm quyết tâm của vợ chồng ông: “Có thể tìm đâu cho nhà văn Vũ Trọng Phụng một mộ phần tốt hơn cái lòng đất làng Mọc này? Ngày trước Lamartine được nước Pháp cử quốc tang nhưng gia đình đã xin miễn để đưa thi hài về với thân quyến trong một hầm mộ đơn sơ. Selma Lagerlof qua đời, Quốc vương Thụy Điển đeo băng tang cùng với cung quyến, vương thất và toàn dân; tất cả các tàu thuyền đi trên biển đều kéo cờ báo tang. Nhưng thi hài nữ văn sĩ lại an táng chính nơi quê nhà trong cái trại thôn dã của gia đình…”.
Phần mộ nhà văn được chuyển về trong vườn nhà tại thôn Giáp Nhất, nay là cụm Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có bóng mát của ngọc lan tinh khiết, liễu rủ thướt tha và hoa bốn mùa tươi tốt.
Mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng ốp đá màu mận chín bình dị với một tấm đá hoa cương đen - quà tặng của 400 bạn đọc Thư viện Thủ đô yêu quý nhà văn với dòng chữ: “Thiên Hư Vũ Trọng Phụng (1912-1939) ông vua phóng sự đất Bắc. Tác giả: Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, Cạm bẫy người, Trúng số độc đắc…”.
Phía sau bức tường là phần mộ thân mẫu nhà văn: Cụ Phan Thị Khách mất ngày 19/12/1963; người bạn đời của nhà văn: Bà Vũ Mỵ Lương mất ngày 20/3/1976; con gái Vũ Mỵ Hằng mất ngày 8/11/1996 (28/9 năm Bính Tý) và cháu ngoại Nghiêm Vũ Tuấn mất 20/4/1962. Còn một ô đất trống ông Sơn dành cho mình khi “trăm tuổi” yên nghỉ cạnh phần mộ vợ cùng phần mộ những người thân mà mình suốt một đời tận tụy.
Công việc sưu tầm di cảo của nhà văn cũng được ông chăm chút, âm thầm, không tiếc công sức. Ông tìm gặp các nhà văn cùng thời với Vũ Trọng Phụng để nhờ chỉ bảo trong việc sưu tầm, cũng như cách ứng xử sao cho phải đạo liên quan đến việc xuất bản những tác phẩm của nhà văn quá cố.
Ông kể về một lần đi nhận nhuận bút sách “Vỡ đê” được tái bản: Năm 1976, tôi biết NXB Văn học in lại “Vỡ đê” phát hành tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng không biết vì lý do gì mà gần một năm sau vẫn không có bán ở các hiệu sách. Một hôm tình cờ gặp trên hè phố gần ga có bán “Vỡ đê”, mừng lắm, có vài quyển tôi mua hết.
Tối hôm đó vợ chồng tôi đến thăm cụ Nguyễn Tuân – nhà văn cùng thời, người đã viết “Một đêm họp đưa ma Phụng” đăng trên báo “Tao đàn” số đặc biệt tháng 12/1939. Chúng tôi khoe với cụ mới mua được sách “Vỡ đê” vừa xuất bản. Lão nhà văn cười tủm tỉm, thân tình bảo: “Cháu mua ở đâu?”. Tôi trả lời: “Cháu mua ở hè phố”. Trầm ngâm một lát cụ ngật ngật đầu: “Thế là tốt rồi, in được là có lộc”.
Không biết sau đó cụ trao đổi với những ai, nhưng khoảng một tháng sau, ông Vạn Lịch - bạn của cụ Nguyễn, là Chánh Văn phòng Tổng cục Đường sắt tìm gặp tôi. Ông hỏi: “Sơn là con rể cụ Vũ Trọng Phụng?”. Tôi trả lời: “Vâng”. Ông vui vẻ hỏi thăm gia đình nhà văn, rồi bảo: “Các cháu đến NXB nhận nhuận bút sách vừa tái bản”. Nói rồi ông cho vợ chồng tôi đi xe cơ quan đến NXB Văn học. Giám đốc Lý Hải Châu và nhà thơ Xuân Diệu niềm nở tiếp chúng tôi...
Cứ như thế, hai vợ chồng ông trở nên thân thiết với các nhà văn nhà thơ, các nhà sưu tầm, nhà xuất bản nơi các tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng được tái bản.
Rồi vợ chồng ông bàn nhau dành dụm xây Nhà lưu niệm cho nhà văn trong mảnh đất gia đình. Nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng diện tích 60m2 do Kiến trúc sư Ngô Huy Giao thiết kế, một ngôi nhà ba gian, có đầu đao hình cong của những ngôi đình làng cổ được cách điệu vừa gần gũi vừa trang nghiêm, làm nền cho tòa nhà bốn tầng phía sau của con cháu.
Trên tường giữa nhà lưu niệm có nhiều ảnh nhà văn, tấm lớn nhất cỡ khoảng 50x80 cm do họa sĩ Mạnh Quỳnh gửi tặng. Theo nhà văn Thanh Châu, hồi đó nhà văn Vũ Trọng Phụng rất ít chụp ảnh, tấm ảnh này được tách ra từ một tấm ảnh chụp chung cùng các nhà văn Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Thế Lữ…
Có nhiều tủ kính lưu giữ những tác phẩm của nhà văn, những luận án nghiên cứu và những bài viết về nhà văn họ Vũ. Nhiều hiện vật thời trẻ như Giấy khai sinh, Đơn xin cấp học bổng; Giấy khám sức khỏe; Thẻ Nhà báo từ năm 1932 của nhà văn... được nhà sưu tầm Nguyễn Bá Đạm cất giữ tặng Nhà lưu niệm.
Suy nghĩ của nhà sưu tầm giúp ta hiểu thêm giá trị của những hiện vật còn lại: “Tôi nghĩ, bản thảo, giấy tờ và đồ dùng của các nhà văn lớn, các danh nhân ở nước ngoài thường được coi là báu vật, được sưu tầm và bảo quản chu đáo, có khi thành đối tượng của các cuộc bán đấu giá như báo chí thường đưa tin.
Ở ta việc này chưa được coi trọng. Vốn quý tài năng Vũ Trọng Phụng, cách đây hai mươi lăm năm, tôi đem đổi bức tranh chèo của Bùi Xuân Phái có giá chừng 6.000 USD để lấy toàn bộ di vật và bảo quản chu đáo. Mừng vì Nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng hoàn thành, tôi nghĩ không gì đáng đặt vào đây hơn là những di vật như thế”.
Hiện tại, ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có đường phố mang tên Vũ Trọng Phụng. Cùng với việc hoàn thành Nhà lưu niệm đã góp phần khẳng định giá trị đích thực của tài năng họ Vũ.
Vợ chồng ông Sơn đã tạo nên một cơ ngơi khá khang trang làm vui lòng người chín suối, thêm một địa chỉ văn hóa cho Hà Nội. Ngày càng có nhiều nhà văn, nhiều đoàn học sinh, sinh viên đến đây tham quan, nghiên cứu. Nhiều ý nghĩ, tình cảm chân thành được lưu giữ.
Nhà thơ Vũ Quần Phương có một cách đánh giá khái quát: “Tôi coi Vũ Trọng Phụng như một nhân vật thần thoại trong văn học Việt Nam. Hai mươi bảy tuổi, quá trẻ mà sự nghiệp đồ sộ đến kỳ lạ”. Nhà thơ Trinh Đường cùng thời với nhà văn họ Vũ để lại một dòng ngắn ngủi: “Xin quỳ trước “Số đỏ”, trước thiên tài của ông”.
Nhà thơ Hoàng Cầm thì như vẫn thấy nhà văn tài hoa hiện hữu, nâng đỡ cho thơ ông: “Anh Phụng ơi, nhiều lần giỗ anh tôi đều viết được những câu thơ được anh chị em hoan nghênh. Đấy là nhờ anh linh của anh, nhà văn lớn của đất nước”
Theo Ngọc Phúc (CAND)