(HNMCT) - Suốt hơn 6 thập niên qua, hòa trong dòng chảy văn hiến Thăng Long - Hà Nội, có một địa chỉ văn hóa rất đỗi quen thuộc, gần gũi với nhiều thế hệ người Thủ đô, đó là Thư viện Hà Nội.
Nơi đây, tình yêu đọc sách không ngừng được lan tỏa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, đưa tri thức nhân loại đến với người dân Thủ đô. Dẫu việc tiếp cận tri thức, thông tin giải trí ngày càng trở nên dễ dàng thông qua internet thì Thư viện Hà Nội vẫn luôn là một địa chỉ hội ngộ của những người yêu sách.
Nơi ghi dấu nhiều thế hệ bạn đọc
Với hệ thống các phòng phục vụ chức năng phong phú và đa dạng: Phòng đọc tự chọn, phòng đọc tổng hợp ngoại văn, phòng đọc báo và tạp chí, phòng mượn, phòng thiếu nhi, phòng địa chí, phòng khiếm thị, Thư viện Hà Nội có khả năng phục vụ mọi đối tượng, lứa tuổi bạn đọc. Trong những năm gần đây, mỗi năm Thư viện Hà Nội phục vụ hàng triệu lượt bạn đọc, một con số không nhỏ trong hệ thống các thư viện tỉnh, thành của nước ta.
Đặc biệt, thư viện không chỉ là nơi bạn đọc được tiếp cận đọc hay mượn những đầu sách phong phú mà còn là địa chỉ diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa bổ ích, hấp dẫn như ra mắt sách, giao lưu tác giả, giới thiệu tác phẩm, triển lãm trưng bày sách báo, hay các buổi nói chuyện chuyên đề. Trong đó nhiều chương trình được thiết kế, tổ chức hấp dẫn với các tiết mục văn nghệ, trò chơi đố vui sinh động dành cho bạn đọc nhỏ tuổi.
Với lịch phục vụ các ngày trong tuần (từ thứ ba đến chủ nhật), thư viện còn trở thành một điểm đến cuối tuần với nhiều gia đình như gia đình anh Bùi Xuân Hồng ở phường Nguyễn Du, vốn là bạn đọc từ thời niên thiếu, nay cả vợ chồng anh và hai con lại cùng lên thư viện đọc và mượn sách.
Mỗi dịp hè, Thư viện Hà Nội đón gần 400 bạn đọc nhỏ tuổi mỗi ngày, thậm chí có những bạn nhỏ được bố mẹ chuẩn bị sẵn đồ ăn trưa để có thể “cắm trại” tại thư viện cả ngày. Tháng 1-2021, “Dream Plus Library” - không gian văn đọc sách dành cho thiếu nhi của Thư viện Hà Nội đã ra mắt bạn đọc nhỏ Thủ đô. Với diện tích hơn 400m2, “Dream Plus Library” có phòng đọc mầm non, phòng đọc tiểu học, phòng đa phương tiện,... được thiết kế sinh động, hiện đại và tiện ích, thu hút các em đến đọc sách.
Đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện
Thư viện Hà Nội liên tục đổi mới hoạt động từ việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ đến đơn giản hóa thủ tục cấp đổi thẻ, tăng thêm nhiều tiện ích trong công tác phục vụ bạn đọc. Tháng 8-2016, bạn đọc có thể đăng ký thẻ trực tuyến, gia hạn mượn trả sách qua điện thoại, qua mạng. Năm 2020, vừa đảm bảo việc phục vụ bạn đọc và làm tốt nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, Thư viện Hà Nội đã có thêm dịch vụ đăng ký mượn sách online, bạn đọc có thể đặt sách qua mạng, cùng với các dịch vụ tư vấn thông tin cho bạn đọc, người dùng tin.
Hiện nay, thư viện đã xây dựng 5 bộ sưu tập số sách, báo, tạp chí với 3.900 tên tài liệu (khoảng 300.000 trang), giúp bạn đọc có thể tra cứu cơ sở dữ liệu (CSDL), tìm tài liệu, tìm tin từ xa dễ dàng, thuận tiện, thông qua trang web, trang mục lục truy cập công cộng trực tuyến (OPAC) của Thư viện Hà Nội.
Thư viện đã ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất sách nói cho người khiếm thị, CSDL sách nói được cập nhật trên trang Web của thư viện https://thuvienhanoi.org.vn, đến nay CSDL sách nói đã có 192 tên sách tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phục vụ bạn đọc với đối tượng là người khiếm thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Nhân lên những tình yêu đọc sách
Từ một phòng đọc sách nhân dân nhỏ bé cách đây 65 năm, giờ đây Thư viện Hà Nội đã trở thành một thư viện khang trang, hiện đại. Sự đổi thay, phát triển qua từng năm tháng của thư viện khiến những bạn đọc gắn bó lâu năm với thư viện cũng vui mừng chia sẻ niềm hạnh phúc và tự hào với các cán bộ thư viện.
Chị Phùng Đỗ Diễm (quận Tây Hồ, Hà Nội), khi đưa cô con gái 6 tuổi đến làm chiếc thẻ thư viện đầu tiên trong đời đã chia sẻ đầy hào hứng: “Mọi thứ thay đổi đẹp đẽ khác hoàn toàn ngày xưa”.
Bà Lê Thị Lý (77 tuổi, nhà ở quận Nam Từ Liêm) dù nhà xa, tuổi cao nhưng vẫn thường xuyên đến với “người bạn” Thư viện Hà Nội. Tình yêu với sách, tình yêu với Thư viện Hà Nội của bà Lê Thị Lý còn tiếp tục lan tỏa đến các thế hệ sau, để không chỉ con gái mà các cháu của bà cũng là những bạn đọc thân thiết của thư viện.
Đặc biệt, không chỉ phục vụ tại các phòng đọc, Thư viện Hà Nội còn luân chuyển hàng chục nghìn cuốn sách, báo để phục vụ lưu động các thư viện, tủ sách cơ sở, thư viện trường học tại các huyện ngoại thành Hà Nội, góp phần tạo nên một phong trào đọc sâu rộng trên địa bàn Thủ đô.
Ông Trần Văn Hà - Giám đốc Thư viện Hà Nội
Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển (15/10/1956 - 15/10/2021), Thư viện Hà Nội hiện lưu giữ một kho tàng sách, báo phong phú và đa dạng với 622.216 bản sách, gần 400 loại báo, tạp chí giúp bạn đọc tìm hiểu mọi lĩnh vực tri thức.
Đặc biệt, với hơn 20.000 tài liệu địa chí (sách Hán Nôm, sách ngoại văn, hương ước, thác bản văn bia...), Thư viện Hà Nội góp phần truyền tải những giá trị về văn hóa, vật chất, tinh thần, trí tuệ và tâm hồn người Thăng Long - Hà Nội đến với người dân Thủ đô, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc của Thủ đô, Thư viện Hà Nội đã góp phần vào thành tích chung của ngành thư viện hướng đến một xã hội đọc và học tập suốt đời.”
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.