Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người anh hùng bất khuất tuổi mười hai

Quang Thái – Trần Văn Quý| 24/07/2017 11:42

(HNMO) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 -27/7/2017), chúng tôi có dịp về thôn Tri Thủy (xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên) để tìm hiểu về anh hùng liệt sỹ nhỏ tuổi Trương Văn Tôn.


Dâng trọn cuộc đời cho cách mạng


Bà Phạm Thị Hoa, ở thôn Tri Thủy (nguyên Xã đội phó Tri Thủy) năm nay đã ngoài 80 tuổi. Bà là nhân chứng duy nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của thôn hiện còn sống. Bà vẫn nhớ như in khoảnh khắc chiến đấu oanh liệt năm ấy của bộ đội ta và người anh hùng liệt sỹ Trương Văn Tôn. Liệt sỹ Trương Văn Tôn (1939 -1951) là con thứ tư trong gia đình có 5 anh chị em, chị cả mất sớm, còn 4 anh em đều tham gia cách mạng.

Bà Phạm Thị Hoa, nguyên Xã đội phó Tri Thủy, kể lại và chỉ dẫn nơi hy sinh của anh hùng liệt sĩ Trương Văn Tôn.


Sinh ra và lớn lên tại thôn Tri Thủy, anh Trương Văn Tôn đã chứng kiến tội ác dã man của thực dân Pháp đối với đồng bào ta, trong đó mẹ và 4 người em họ của anh đã bị sát hại. Quyết đền nợ nước, trả thù nhà, anh Trương Văn Tôn sớm giác ngộ cách mạng. Với tinh thần dũng cảm, thông minh, luôn có nguyện vọng tham gia hoạt động cách mạng, anh Trương Văn Tôn đã được đồng chí Vũ Văn Ân, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Hiệp Hòa (nay là xã Tri Thủy) trực tiếp giáo dục, rèn luyện làm hạt nhân cho phong trào cách mạng ở địa phương…

Bà Hoa tâm sự trong những giọt nước mắt: “Khổ thân anh ấy! Nhớ những ngày đầu tham gia cách mạng, anh Tôn thường xuyên phải hoạt động bí mật, nên bị bố mắng vì tưởng con ham chơi”.

Đầu năm 1951, anh Tôn được giao nhiệm vụ làm liên lạc như chuyển các chỉ thị, mệnh lệnh, công văn của Ủy ban Kháng chiến xã và xã đội cho lực lượng du kích trong toàn xã cùng các đơn vị liên quan để phối kết hợp tổ chức chiến đấu. Anh Trương Văn Tôn thường giả làm trẻ bắt cua, người cắt cỏ hay trèo lên ngọn cây bắt chim để quan sát tình hình địch. 

Sáng sớm 21-2-1951, thực dân Pháp đã huy động lực lượng đánh vào thôn Tri Thuỷ và Nhân Sơn (xã Tri Thuỷ). Bất chấp sự tấn công ác liệt của địch, chiến sỹ nhỏ Trương Văn Tôn, băng qua hòn tên mũi đạn để kịp truyền đạt mệnh lệnh đến các chốt, tổ chiến đấu của bộ đội và du kích. Kết thúc trận chiến, bộ đội, du kích của ta đã tiêu diệt và làm bị thương 30 tên địch, trong đó có 11 tên lính Pháp, thu nhiều chiến lợi phẩm. Bà Hoa trầm tư kể: “Giây phút đánh tan quân địch, mọi người đều ôm nhau và vui mừng trong những giọt nước mắt. Nhưng với anh Tôn, đây mới là sự bắt đầu của những khó khăn”.

Thất bại đau đớn, giặc Pháp tăng cường quân chi viện, chúng tập kích từ phía sông Hồng, khiến cuộc chiến không cân sức giữa ta và địch kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Trận chiến này đã làm một số bộ đội, du kích của quân ta hy sinh và nhiều người dân bị thương.

Để bảo toàn lực lượng, chiến sỹ Trương Văn Tôn được Xã đội Trưởng giao nhiệm vụ là truyền đạt mệnh lệnh cho lực lượng du kích, bộ đội lui về tuyến sau. Trên đường đi truyền lệnh, đến đầu xóm Trại, thôn Tri Thủy, chiến sỹ Trương Văn Tôn đã bị địch bắt (lúc đó trong người anh mang theo 1 con dao găm và 1 quả lựu đạn). Địch tìm cách dụ dỗ, doạ nạt, hòng moi tin tức về lực lượng của ta và các hầm bí mật nhưng anh Tôn một mực không khai báo. Dụ dỗ không thành, địch chuyển sang tra tấn dã man nhằm uy hiếp tinh thần nhưng với khí tiết của một chiến sỹ dũng cảm, anh Tôn vẫn không hề lung lay. Trước tinh thần ngoan cường của người chiến sỹ cách mạng, kẻ địch đã sát hại anh. Không bắt được cán bộ cách mạng, bọn giặc đành rút về bốt Lịm và bốt Mai Xá. Từ hầm bí mật, mọi người lao đến bên cạnh chiến sỹ Trương Văn Tôn khi anh đang thoi thóp thở. 


Nhớ lại khoảnh khắc bế người đồng đội nhỏ tuổi trên tay, bà Hoa không cầm nổi nước mắt và nói: “Khi đó, anh ấy chỉ cần hé răng chắc chúng tôi đã không còn sống đến hôm nay”. Bà Hoa và mọi người nước mắt lưng tròng nhìn chiến sỹ nhỏ Trương Văn Tôn vẫn nở nụ cười trước khi tắt thở vào chiều ngày 21-2-1951 ở tuổi 12.

Anh hùng trong lòng dân

Gương hy sinh bất khuất, ngoan cường của người chiến sỹ nhỏ Trương Văn Tôn đã được trang trọng ghi trong cuốn lịch sử cách mạng của Đảng bộ xã Tri Thuỷ (1945-2005) và trong cuốn lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Phú Xuyên (1945-2010).

Đảng và Nhà nước đã ghi nhận công lao to lớn của anh đối với Tổ quốc, nhân dân. Ngày 14-3-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 271/QĐ-TTg truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho chiến sỹ Trương Văn Tôn. Ngày 30-01-2011, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 162/QĐ-CTN “Về việc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Trương Văn Tôn, nguyên đội viên du kích xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội).

Bà Phạm Thị Thanh, xã Tri Thủy chia sẻ: “Người dân xã Tri Thủy rất vinh dự khi quê hương đã sinh ra người anh hùng liệt sỹ Trương Văn Tôn. Với ý chí kiên cường, bất khuất, anh chính là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ và nhân dân xã Tri Thủy noi theo”. Bà Thanh luôn răn dạy con cháu phải nhớ ơn những anh hùng liệt sỹ, tiếp bước các thế hệ cha anh đi trước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Tạ Hữu Ích, Bí thư Đảng ủy xã Tri Thủy cho biết: “Để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, Đảng ủy, UBND xã luôn hoàn thành tốt công tác thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sỹ trên địa bàn. Đặc biệt, vào dịp 27-7 hằng năm, UBND xã thường xuyên ôn lại truyền thống về công lao to lớn của những anh hùng liệt sỹ trên địa bàn, trong đó người anh hùng liệt sỹ nhỏ tuổi Trương Văn Tôn là tấm gương sáng để các thế hệ đảng viên noi theo”.

Về phía quê nội của liệt sỹ Trương Văn Tôn tại Hưng Yên (bố của liệt sỹ Trương Văn Tôn quê gốc ở Hưng Yên), khi hòa bình lập lại, ông Trương Văn Huấn (người anh cả của liệt sỹ Tôn) đã quy tập mộ của bố mẹ và hai em (Tôn, Thêm) về quê tại nghĩa trang nhân dân Đầu Âu, thôn Trung Hòa (xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Tên tuổi liệt sỹ Trương Văn Tôn được ghi trang trọng trên bia đá và phần mộ tượng trưng tại nghĩa trang liệt sỹ xã Phú Thịnh (huyện Kim Động, Hưng Yên). Còn tại khuôn viên phần mộ của gia đình anh tại nghĩa trang Đầu Âu, một tấm bia đá đã được dựng, ghi lại công lao to lớn của anh hùng liệt sỹ Trương Văn Tôn. Đây là địa chỉ đỏ, được lớp lớp thanh thiếu niên, cán bộ đảng viên và nhân dân địa phương học tập, noi gương anh hùng liệt sỹ Trương Văn Tôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người anh hùng bất khuất tuổi mười hai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.