(HNM) - Trong cuộc gặp gỡ báo chí nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà hát Tuổi trẻ (1978-2023) diễn ra hồi giữa tuần qua, “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng - một tác giả và là cộng tác viên quen thuộc của đơn vị nghệ thuật này - đã có những ý tưởng rất đáng lưu tâm để sân khấu tiếp cận và phục vụ thêm nhiều đối tượng khán giả vào thời điểm phù hợp.
Theo tác giả Đinh Tiến Dũng, để sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ nói riêng và sân khấu nói chung “sáng đèn” không chỉ vào buổi tối và dịp cuối tuần mà cả ngày bình thường, nên chăng các đơn vị nghĩ đến việc tổ chức biểu diễn vào buổi trưa, hướng vào đối tượng khán giả là những người làm việc công sở, giờ hành chính. Đa phần lớp khán giả này là người trẻ tuổi, có nhu cầu giao lưu, giải trí cao. Các vở kịch biểu diễn vào thời điểm này nên ngắn gọn, trong khung giờ từ 12h30 đến 13h30, có nội dung trẻ trung, hợp xu hướng. Bên cạnh đó, tác giả Đinh Tiến Dũng cho rằng, để thu hút đa dạng đối tượng khán giả, các nhà hát không nhất thiết chỉ dùng người của đơn vị mình mà có thể mời các nghệ sĩ, “ngôi sao” ở nơi khác về biểu diễn, quảng bá mạnh hơn sự xuất hiện của họ. Từ đó, công chúng được tiếp cận và biết đến những vở diễn hay của nhà hát, đồng thời hình thành thói quen đi xem biểu diễn nghệ thuật...
Đây là những ý tưởng thú vị và khá hợp lý trong bối cảnh các đơn vị nghệ thuật sân khấu đang tiến đến tự chủ chi phí hoạt động và cần năng động, đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. Thực tế, không chỉ các đơn vị nghệ thuật, công chúng cũng rất mong được tiếp cận và thưởng thức những chương trình biểu diễn có yếu tố đặc biệt phù hợp với họ. Đây là cơ hội cho các nhà hát nâng cao chất lượng hoạt động, đồng thời tiếp cận và đón được nhiều khán giả hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.