Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 2) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, quy tụ 24 đơn vị nghệ thuật của trung ương và các tỉnh, thành phố, vừa khép lại giữa tuần qua. Liên hoan đã tạo cơ hội cho nhiều nghệ sĩ tài năng tỏa sáng, song từ đây cũng bộc lộ vấn đề đáng bàn.
Bên cạnh tôn vinh sáng tạo nghệ thuật ca, múa, nhạc, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc còn được coi là cuộc biểu dương lực lượng của các đơn vị nghệ thuật, từ đó nhìn nhận, đánh giá và đưa ra các cơ chế chính sách, chế độ cũng như phương pháp hoạt động phù hợp với hoàn cảnh, tính chất theo đường lối, bản sắc của mỗi địa phương, mỗi vùng miền.
Tuy nhiên theo đánh giá của Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của liên hoan, có nhiều chương trình rất đồ sộ về lực lượng tham gia, nhưng số đông không phải người của đơn vị nhà. Bên cạnh đó, có những thành phần sáng tạo như huấn luyện viên, đạo diễn, biên đạo… xuất hiện ở nhiều chương trình, tiết mục. Mặc dù, nghệ sĩ đó đã cố gắng để tạo ra những sản phẩm có sự thay đổi theo tính chất văn hóa địa phương, nhưng vẫn khó tránh khỏi sự trùng lặp về thủ pháp nghệ thuật hoặc về khai thác các nền tảng công nghệ âm nhạc… Điều này khiến cho giá trị thật của các đơn vị không được bộc lộ, việc đánh giá thực lực hoạt động ca múa nhạc của địa phương không chính xác, dẫn đến khó có thể đưa ra cơ chế, chính sách hiệu quả giúp phát triển, nâng cao chất lượng nghệ thuật cho từng đơn vị. Thiệt thòi sẽ thuộc về đơn vị nghệ thuật và công chúng địa phương. Đây cũng là tình trạng chung tại nhiều liên hoan nghệ thuật toàn quốc.
Do đó, thay vì chạy theo thành tích, ở những kỳ liên hoan tới, các đơn vị nghệ thuật cần xây dựng các chương trình thể hiện thực lực và ban tổ chức cũng nên có những quy định để đánh giá được thực chất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.