(HNM) - Sau hai ca sĩ siêu thực (ca sĩ được tạo nên bởi công nghệ) Michau và Damsan tạo nên những trải nghiệm thú vị tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế thành phố Hồ Chí Minh - Hozo 2022, ca sĩ thần tượng ảo Ann mới ra mắt gần đây thông qua MV (video âm nhạc) “Làm sao nói thương anh” tiếp tục gây chú ý trong đời sống âm nhạc Việt.
Ann là ca sĩ thần tượng được tạo ra từ công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) với ngoại hình, tính cách và hoạt động mô phỏng con người. Nhóm sáng tạo tạo hình Ann là ca sĩ 18 tuổi, có gương mặt đậm chất Á Đông, mái tóc ngắn thời thượng, ngoại hình duyên dáng. Giọng hát của Ann thiên về phong cách pop ballad.
Việc tạo ra các thần tượng ảo vốn không xa lạ với nền âm nhạc của các nước phát triển, đặc biệt tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc... Thậm chí, việc phát triển thần tượng ảo còn đem lại doanh thu không nhỏ cho công nghiệp văn hóa. Các thần tượng này có ưu điểm là không bị giới hạn hay ảnh hưởng bởi kỹ năng, sức khỏe, tuổi tác, đời sống cá nhân…
Sự ra đời của ca sĩ Ann tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng của thế giới là tạo sự lựa chọn giải trí đa dạng cho khán giả, đồng thời đem lại những nguồn thu cho nhà sáng tạo. Bằng chứng là sau khi ra mắt 3 tuần, MV của Ann đã thu hút gần 190.000 lượt xem, hàng nghìn lượt chia sẻ…
Việc đưa công nghệ mới vào lĩnh vực giải trí để đem lại trải nghiệm đa dạng cho công chúng là nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng để phát triển thần tượng ảo thành một phần của nền công nghiệp văn hóa trong tương lai, có lẽ cần sự thận trọng hơn để thực sự đem lại hiệu quả tích cực. Bởi đây là lĩnh vực mới mẻ, có quá ít quy định của Nhà nước đề cập, điều chỉnh, vì thế dễ dẫn đến những vấn đề về mặt pháp lý, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền văn hóa, nghệ thuật, giải trí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.