(HNM) - Với quy mô gần 1,5 triệu học sinh (HS), công tác bảo đảm sức khỏe và an toàn tính mạng HS luôn được ngành GD-ĐT Hà Nội coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nhằm xây dựng trường học an toàn, góp phần dạy tốt - học tốt.
- Thưa ông, năm học 2013-2014 những nội dung trọng tâm nào được triển khai trong kế hoạch phòng chống TNTT của ngành?
- Thực hiện Kế hoạch (KH) số 85/KH-UBND về phòng chống TNTT tại cộng đồng năm 2013, Sở GD-ĐT Hà Nội đã xây dựng KH của ngành với mục tiêu nâng cao năng lực, trách nhiệm phòng chống TNTT cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS, hạn chế thương tích trong cuộc sống và coi đây là cơ sở cho việc xây dựng trường học an toàn. Trong đó, phòng chống đuối nước và tai nạn giao thông là hai nội dung được tập trung triển khai. Ngoài ra còn một số nội dung khác như phòng tránh nguy cơ từ thiên tai, phòng học cũ, mất an toàn thực phẩm… Điểm mới trong việc giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông cho HS năm nay là chúng tôi đã phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á triển khai chương trình đội mũ bảo hiểm cho HS 6 tuổi trở lên theo quy định tại 8 quận, huyện. Theo khảo sát nhanh, có khoảng 60% phụ huynh cho biết đã chấp hành đội mũ bảo hiểm cho con em mình, so với tỷ lệ trước kia là 9%.
Tăng cường giáo dục kiến thức giao thông cho học sinh, sinh viên là việc làm cần thiết. Ảnh: Mai Vinh |
Nét mới của tình hình giao thông năm nay là tình trạng HS đi xe đạp điện ngày càng phổ biến. Loại xe này có thể đi với tốc độ khá cao (40-50km/giờ), nhưng không có xi nhan, không còi, HS điều khiển xe lại không đội mũ bảo hiểm nên rất nguy hiểm. Đã có trường hợp HS đi xe đạp điện tử vong. Vì vậy, đây cũng là vấn đề mà ngành GD-ĐT đặc biệt quan tâm.
- Trong những nguy cơ gây TNTT, đuối nước là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn cao đối với HS, nhất là trong mùa mưa lũ và ở địa bàn nhiều ao hồ. Hà Nội đã ứng phó với việc này như thế nào, thưa ông?
- Từ năm 2010, được phép của UBND thành phố, huyện Thanh Trì đã thí điểm xây 16 bể bơi tại trường tiểu học và THCS để dạy bơi cho HS. Kết quả thu được rất khả quan và chúng tôi sẽ đề xuất tiếp tục nhân rộng mô hình này. Tuy nhiên, đặc điểm của công tác giáo dục là thời gian năm học tập trung vào mùa rét nên việc dạy bơi cho HS còn khó khăn, đòi hỏi phải chủ động về thời gian và phương án triển khai. Với những HS ở nơi có nhiều nguy cơ, từ đầu năm đến nay, sở tập trung tập huấn phòng chống đuối nước và dạy bơi. Điểm khác biệt so với mọi năm là nội dung tập huấn không chỉ hướng dẫn HS cách bơi, mà còn dạy về kỹ năng cứu bạn nhằm giúp các em nhận thức được nếu gặp tình huống nguy cấp thì biết xử trí, biết lúc nào thì gọi người lớn, trường hợp nào cần đưa gậy ra cho bạn… chứ không phải cứ thấy bạn đuối nước là nhảy xuống cứu như nhiều trường hợp hiện nay.
- Với quy mô trường, lớp lớn, chắc hẳn không tránh khỏi tình trạng các công trình cải tạo, xây dựng phải triển khai cả khi đã vào năm học. Phương án tổ chức dạy học cho HS lúc này được triển khai ra sao, thưa ông?
- Những năm qua, thông qua Kế hoạch 86-KH/UBND, hàng nghìn phòng học cấp bốn, phòng học tạm trên địa bàn đã cơ bản được thay thế. Tuy nhiên, Hà Nội còn khá nhiều trường học đã xây dựng từ lâu nên thường xuyên phải nâng cấp, cải tạo. Chỉ tính ở khối trực thuộc, năm qua có hơn 30 công trình xây dựng, cải tạo với kinh phí gần 300 tỷ đồng. Ngoài ra còn hàng trăm công trình thuộc khối quận, huyện, thị xã. Để bảo đảm an toàn cho HS, không để ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian năm học, điều đầu tiên chúng tôi yêu cầu các đơn vị thi công là phải làm rào ngăn biệt lập, có biển báo, quy hoạch nơi để cầu dao điện, đường điện… Nhà trường phải thông báo với phụ huynh thường xuyên nhắc nhở các con tuyệt đối không được đi qua khu vực nguy hiểm, vì vậy Hà Nội chưa để xảy ra sự cố nào. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng bên ngoài trường học có đơn vị khai thác đất, đào hố không có rào ngăn, biển báo khiến HS bị nguy hiểm. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương đề nghị có biện pháp chủ động hơn.
- Được biết, quy chế phối hợp giữa Sở GD-ĐT và Công an thành phố đã triển khai được gần 3 năm học và được đánh giá có nhiều chuyển biến. Xin ông cho biết cụ thể hơn về nội dung này?
- Có thể khẳng định, gần 3 năm qua, hai ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc bảo đảm an toàn cho HS, tạo chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành các quy định về giao thông, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, HS tích cực” và xây dựng trường học an toàn. Với nhiều biện pháp như “phạt nguội”, gửi thông báo HS vi phạm giao thông về nhà trường, nâng mức xử phạt đối với HS vi phạm… về cơ bản, tình trạng HS đi xe máy khi chưa đủ điều kiện và vi phạm quy định về giao thông giảm.
Với đặc thù ngành ở các cấp học đa phần giáo viên là nữ, lực lượng bảo vệ mỏng trong khi trường học hiện nay có nhiều thiết bị đắt tiền, nên chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất tăng biên chế bảo vệ và tập huấn về chuyên môn cho đội ngũ này để có thể kịp thời ứng phó với những sự cố bất thường như cháy nổ, trộm cắp… Ngoài ra, trong trường học hiện nay còn xuất hiện loại tội phạm mới. Đã có trường hợp kẻ xấu thông qua sổ liên lạc điện tử của trường để thông tin sai lệch đến phụ huynh. Quy chế phối hợp sắp tới sẽ bổ sung nhiệm vụ mới, cảnh báo mới với phụ huynh để ngăn ngừa tình trạng gây rối trong trường học.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.