(HNM) - Tôi làm văn phòng phải ngồi nhiều nên hay bị mỏi và đau ở cổ sau gáy. Không rõ đó có phải là biểu hiện của bệnh thoái hóa đốt sống cổ (THĐSC) và có cách nào phòng được bệnh?
(chị Minh Hằng, Hoàn Kiếm)
THĐSC là quá trình bệnh lý ở các đốt sống cổ, đầu tiên là hư khớp ở các diện thân đốt, đĩa liên đốt, sau tới các màng và dây chằng. Bệnh thường gặp ở người trung niên, người làm nghề phải sử dụng nhiều đến động tác ở vùng cổ như nhân viên văn phòng, diễn viên xiếc, thợ nề trát trần, thợ cắt tóc... Ngoài ra, THĐSC còn do tuổi tác, quá trình lão hóa, loãng xương...Khi mắc THĐSC, người bệnh xuất hiện một số dấu hiệu như các cử động ở cổ bị hạn chế, có cảm giác khó quay đầu, cứng gáy và đau. Đau do thoái hóa được chia làm 2 loại là đau cấp tính và mạn tính. Trường hợp cấp tính, đau thường khởi phát đột ngột, diễn biến trong khoảng 1 tuần, sau đó có thể trở lại bình thường. Đau mạn tính sẽ tiến triển từ từ và luôn thay đổi với các đợt đau thuyên giảm xen kẽ đợt đau nặng mỗi khi gắng sức hoặc thay đổi thời tiết. Trong THĐSC, các gai xương tân tạo có thể chèn ép các động mạch đốt sống gây đau đầu, chóng mặt, thoát vị đĩa đệm đoạn cổ 4 đến cổ 6, chèn ép tủy gây yếu, đau tứ chi. Phương hướng điều trị gồm có điều trị bảo tồn, điều trị bằng phẫu thuật và phục hồi chức năng.
Để phòng bệnh, mọi người không nên ngồi cúi gấp cổ quá lâu (xem tivi, đọc sách, báo); ngồi tàu xe đường dài cần có bản tựa đầu và tựa lưng; với nghề nghiệp thường xuyên phải cúi gấp cổ hoặc quá ưỡn cột sống cổ thì cần có thời gian nghỉ sau khoảng 1 giờ làm việc, nhưng lúc nghỉ phải tập vận động cột sống cổ và cột sống lưng với các động tác nhẹ nhàng; khi nằm, cần có gối đầu với độ dày vừa phải, tránh tư thế quá ưỡn cổ hoặc cúi gấp cổ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.