Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngòi bút vùng cao phải lòng Hà Nội

Thi Thi| 12/02/2012 07:59

(HNM) - Đỗ Bích Thúy là cây bút chuyên viết về đề tài miền núi đã có

Nhà văn Đỗ Bích Thúy.


Bạn đọc cùng lắng nghe những chia sẻ của chị!

- Đọc "Mèo đen" vẫn thấy nhiều màu sắc vùng cao - quê hương chị, với giọng văn vẫn tự nhiên và máu thịt. Nhớ lại, từ buổi đầu đi gửi bài cho "Văn nghệ quân đội" gặp ông "bảo vệ" Chu Lai đến nay, chị có hài lòng với con đường văn chương của mình?

- Hình như không phải khi nào con người ta cũng chọn cho mình được một con đường, mà đôi khi, con đường lại chọn con người. Con đường mà tôi đang đi là cuộc đời tôi và không thể nói là tôi không hài lòng về nó.

- Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai có một câu thơ thú vị về Hà Nội: "Tôi không được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội/Hà Nội tự sinh ra và tự lớn trong tôi". Còn Hà Nội qua con mắt của nhà văn Đỗ Bích Thúy?

- Khi tôi bắt đầu cuộc sống ở Hà Nội, thì Hà Nội đã không còn là một Hà Nội trong tranh của Bùi Xuân Phái nữa rồi, mà là một Hà Nội ồn ào, náo nhiệt, bươn chải, chật chội… nhiều người kêu ca. Nhưng tôi đã nhìn thấy, và đang tiếp tục tìm kiếm, rất sâu dưới bức tranh hôm nay, vẫn còn một Hà Nội rất đẹp, rất tinh tế, rất văn hóa. Tôi nghĩ, rồi đến một lúc nào đó, những người tỉnh lẻ như tôi, sống lâu năm ở Hà Nội, sẽ đều nhận ra điều đó, và cùng khơi gợi, gìn giữ những tinh hoa của Hà Nội.

- "Chiếc hộp khảm trai" - truyện ngắn đầu tiên chị viết về Hà Nội chạm đến một phần sâu sắc của một vùng đất hào hoa, thanh lịch và đầy nhân văn. Chị có nguyên mẫu cho truyện ngắn này? Liệu còn những câu chuyện xúc động nào nữa về Hà Nội sẽ đi vào trang viết của chị nay mai?

- Tôi có một may mắn, ấy là có một gia đình chồng đã sống lâu năm ở Hà Nội. Bố chồng tôi xưa kia là người giỏi chữ Nho, sống thanh đạm và mực thước. Các anh chị nhà chồng mỗi người một nghề, nhưng đều giữ cho mình cách sống kín đáo và tinh tế. Tôi đã sống chung với gia đình nhà chồng trên một căn gác nhỏ, ở một con phố nhỏ, với những gốc cây hàng trăm năm tuổi, với những nếp sinh hoạt tỉ mẩn, kĩ lưỡng. Truyện ngắn mà bạn vừa nhắc ở trên đúng là truyện ngắn đầu tiên tôi viết về Hà Nội. Nguyên mẫu thì không hẳn, nhưng khi viết nó, hình ảnh bà chị cả của chồng tôi luôn hiện ra. Mái tóc khi nào cũng mượt mà, gọn gàng, cái dáng bé nhỏ, nhanh nhẹn, chiếc áo dài màu hoàng yến, bên ngoài khoác một chiếc áo len trắng ngà… mặc dù đời sống không lấy gì làm sung túc, nhưng đã ra khỏi cửa là luôn cẩn trọng trang phục, lời ăn tiếng nói. Tôi rất muốn chạm đến tầng sâu thẳm ấy của Hà Nội, và truyện ngắn này, như một sự rung cảm đầu tiên.

- Chị viết nhiều tản văn, vẻ như là một cách "ký họa" cuộc sống của một nhà văn - nhà báo như chị?

- Viết tản văn có nhiều cái thuận lợi. Nó là thứ ghi nhanh những gì mới xảy ra, vừa nảy ra, ghi lại nó như một thứ để dành, khi cần, sẽ lôi ra dùng. Tôi thường viết nó đầu tiên là cho riêng mình nên không bị sức ép từ bạn đọc. Viết tản văn cũng ít phải mất thời gian suy nghĩ về kết cấu, bố cục, nhân vật, bối cảnh… mà trong cái ngẫu nhiên thì đôi khi lại lấy được sự đồng cảm của người đọc.

- Blog của Đỗ Bích Thúy có màu sắc khá rực rỡ, lại nhiều ảnh đẹp. Để "à ơi" với nó hẳn chị cũng mất không ít thời gian?

- Trong những cái được từ internet, tôi thực sự phải cảm ơn blog. Tôi đã lần lượt chơi từ Yahoo, rồi chuyển sang giao diện của 360, rồi Yume, rồi Vnweblogs, rồi bây giờ thì gắn với FB. Blog khiến cho người viết viết "hăng" hơn, được đón nhận những lời bình từ bạn đọc rất nhanh, đôi khi là ngay lập tức nhờ có hình thức phản hồi (comment). Quá trình này như một thứ men, rất có ích đối với người viết. Thực ra, viết rồi mà cứ cất trong máy tính thì cũng ít lý thú lắm. Chơi blog chẳng khác gì được vừa làm tổng biên tập, thư ký tòa soạn, biên tập, vừa làm phóng viên của một tờ báo. Còn việc "à ơi" với blog như bạn nói thì tôi thấy cũng không mất nhiều thời gian lắm, toàn tranh thủ thôi mà.

- Chị hiện đang đảm nhiệm vai trò Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhiều người viết dường như "chững" lại khi vướng bận vào công việc quản lý, còn chị?

- Tôi đã làm công việc này 3 năm rồi. Hồi đầu thì cũng mất nhiều thời gian lắm, nhưng sau thì "thích nghi" dần dần. Tất nhiên, sướng nhất vẫn là người thích làm gì thì làm, chẳng phải vướng bận gì sất.

- Chị sắp ra mắt tác phẩm mới dành cho thiếu nhi? Chị nghĩ gì về mảng sách này ở ta hiện nay?

- Sách thiếu nhi có thể nói chưa bao giờ được chú ý nhiều như hiện nay. Trước hầu như chỉ có NXB Kim Đồng làm, nay thì vô số. Cũng dễ hiểu, vì trên thị trường sách, đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi luôn chiếm một số lượng rất đáng kể, bên cạnh đó, các bậc cha mẹ ngày nay, đặc biệt là ở đô thị, luôn luôn có cảm giác lo lắng khi con cái phải học hành quá nhiều, xem ti vi quá nhiều, và đều muốn hướng con tới sách. Nhưng thị trường sách thiếu nhi đáng lẽ trong sự cạnh tranh vì số đông như vậy phải "chuẩn" hơn, không chỉ chú trọng hình thức mà phải (và quan trọng nhất là) chú trọng về nội dung. Đằng này, rất nhiều sách chỉ đẹp về hình thức mà nội dung thì không ra làm sao. Có những tập truyện cổ tích bị cắt xén đến nỗi người nào đã từng đọc rồi, đọc lại còn không nhận ra truyện nữa. Chỉ toàn tranh là tranh. Cho nên, đã hình thành một thói quen, khi đưa con đi mua sách, điều đầu tiên tôi luôn phải xem đó là sách của NXB nào.

Nếu không có gì thay đổi, tháng 6 tới tôi sẽ in tập truyện thiếu nhi đầu tiên ở NXB Kim Đồng. Đây là tập sách dành cho các em bé gái tiểu học. Trẻ em luôn có một thế giới với những điều thú vị vô tận, và tôi hy vọng mình sẽ khai thác được ít nhiều ở đó.

- Xin cảm ơn chị, chúc chị nhiều thành công!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngòi bút vùng cao phải lòng Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.