Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiêm túc, trách nhiệm trong tiếp công dân

Việt Tuấn| 27/11/2018 07:12

(HNM) - Cùng với đa dạng hóa hình thức tiếp xúc cử tri để nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, từ đầu năm 2018 đến nay, đại biểu HĐND thành phố đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm việc tiếp công dân định kỳ nhằm tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc tiếp công dân thường kỳ tại quận Hà Đông.


Tiếp nhận, xử lý kịp thời

Thực hiện Quy chế tiếp công dân của Thường trực HĐND và đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021, từ đầu năm 2018 đến nay, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch HĐND thành phố đã duy trì tiếp công dân theo vụ việc tại Trụ sở Tiếp công dân thành phố. Đã có 8 vụ việc chậm giải quyết thuộc địa bàn các quận, huyện, thị xã: Ba Đình, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức, Thạch Thất, Thanh Trì, Gia Lâm, Sơn Tây, được Thường trực HĐND thành phố chuyển đến các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, sau các buổi tiếp công dân, Thường trực HĐND thành phố ban hành thông báo kết quả tiếp công dân để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tập trung giải quyết, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quyền lợi chính đáng của công dân. Đến nay, đã có 2 vụ việc giải quyết xong, 6 vụ việc đang trong thời hạn giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.

Tính từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Thường trực HĐND thành phố đã tiếp công dân, xem xét 18 vụ việc. Hiện tại, đã có 8 vụ việc giải quyết xong; 10 vụ việc đang được xem xét, giải quyết và được HĐND thành phố theo dõi, giám sát.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, bên cạnh lịch tiếp công dân của Thường trực HĐND thành phố tại Trụ sở Tiếp công dân thành phố, đã có 320 lượt đại biểu HĐND thành phố thực hiện tiếp công dân định kỳ hằng tháng tại trụ sở tiếp công dân của 30 quận, huyện, thị xã. Qua đó, cùng với tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để chuyển tới các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền; các đại biểu còn tuyên truyền, hướng dẫn công dân về các quy định liên quan đến khiếu nại, tố cáo, đồng thời nắm bắt được tình hình tại cơ sở.

Theo thống kê từ đầu năm 2018 đến nay, HĐND TP Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý hơn 1.200 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Trên cơ sở nghiên cứu các đơn thư, HĐND thành phố đã xử lý, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 259 đơn; lưu 996 đơn (do trùng, không rõ nội dung, nặc danh, đã giải quyết hết thẩm quyền…).

Lắng nghe, hướng dẫn tận tình

Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền trả lời, giải quyết đúng quy định pháp luật, nhưng người dân vẫn chưa đồng tình, tiếp tục có đơn khiếu nại. Những trường hợp này, người dân thường rất bức xúc nên kinh nghiệm của đại biểu HĐND thành phố là phải tận tình tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân; đồng thời phân tích trình tự xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật để công dân hiểu rõ, chia sẻ. Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, đa số vụ việc đều liên quan đến công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng... Những vấn đề công dân phản ánh đều rất quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống của họ, nên khi tiếp nhận thông tin, đại biểu cần lắng nghe, chia sẻ với những bức xúc của người dân; hướng dẫn công dân kiến nghị đúng địa chỉ, để được giải quyết kịp thời và trao đổi ngay với các cơ quan có thẩm quyền về vụ việc.

Nhờ có biện pháp phù hợp nên HĐND thành phố đã góp phần tích cực giải quyết xong nhiều vụ việc. Tiêu biểu như các trường hợp khiếu nại, tố cáo của công dân Nguyễn Thị Trường (phường Quang Trung, quận Hà Đông) về cấp đất tái định cư; công dân Hoàng Hữu Cường (phường Cự Khối, quận Long Biên) về thu hồi đất để thực hiện dự án tái định cư; công dân Nguyễn Văn Triệu (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai) về tranh chấp đất đai...

Bên cạnh những kết quả tích cực, theo Thường trực HĐND và nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nổi lên là việc phân loại, xử lý đơn thư của bộ phận giúp việc ở một số tổ đại biểu HĐND thành phố còn lúng túng; việc lưu trữ hồ sơ các vụ việc chưa khoa học, dẫn đến theo dõi, đôn đốc giải quyết, trả lời có nơi còn chậm. Ông Hoàng Mạnh Phú, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị bầu cử huyện Phúc Thọ cho biết, đa số vụ việc khiếu kiện đều liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, nhưng do quy định chưa rõ ràng nên có trường hợp không đủ cơ sở pháp lý giải quyết. Bên cạnh đó, hồ sơ địa chính lưu trữ không đầy đủ, hoặc còn thiếu, nên khi phát sinh khiếu nại, tố cáo không đủ tài liệu để xem xét, kết luận, dẫn đến có vụ việc kéo dài…

Để công tác tiếp công dân hiệu quả hơn, nhiều đại biểu HĐND thành phố cho rằng, thành phố cần sớm tổ chức tập huấn về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong đó cần chú trọng hướng dẫn kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý công tác này cho lãnh đạo, cán bộ, công chức được phân công làm nhiệm vụ. Việc đơn thư trùng, không rõ nội dung, nặc danh vẫn còn nhiều, vì thế cần xem xét, có biện pháp giải quyết phù hợp, nhất là với những đơn tố cáo sai, không có cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiêm túc, trách nhiệm trong tiếp công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.